Để kỷ niệm ngày ký Hiệp định đình chiến kết thúc cuộc chiến tranh 1950-1953 giữa hai miền Triều Tiên và nhân tháng "Kháng chiến chống Đế quốc Mỹ" được tổ chức hàng năm, Triều Tiên vừa phát hành loạt tem in hình ảnh tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington bị tấn công và một con tem khác cho thấy một nắm tay đấm cong tên lửa của Mỹ, CNN đưa tin.
Thông điệp khiêu khích Mỹ lâu nay vốn là đề tài quen thuộc trên những con tem của Triều Tiên. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong bộ sưu tập tem khác lạ của quốc gia này.
Theo ấn phẩm quảng cáo tem đăng trên mạng, cơ quan chịu trách nhiệm phát hành tem của Triều Tiên liệt kê hơn 70 nhóm chủ đề khác nhau bao gồm "Lịch sử cách mạng", "Đồng chí Kim Jong-Un đáng kính" cho đến những con tem in hình động vật, các loài giáp xác hay thực vật. Các nhà sưu tập tem kỳ cựu còn phát hiện ra rằng chính phủ Triều Tiên đặc biệt thích hình những chú mèo con dễ thương.
Phát hành tem - nguồn thu ngoại tệ
Bình Nhường đã tận dụng sự tò mò của thế giới bên ngoài về "một trong những quốc gia bí ẩn nhất" để biến ngành phát hành tem thành một ngành công nghiệp hái ra tiền, Ross King, trưởng nhóm nghiên cứu về châu Á của đại học British Columbia, nhận xét.
"Số lượng những con tem được thiết kế nhắm vào đối tượng khách hàng là những người sưu tập tem nhiều hơn hẳn những con tem tuyên truyền chính trị", King trả lời qua điện thoại.
"Vào những năm 1980, họ in cả hình Công nương Diana vì cho rằng người Anh sẽ mua những con tem đó".
Triều Tiên và Mỹ là "đối thủ cạnh trang ngang tầm" trên thị trường phát hành tem thế giới.
"Mỹ là một ví dụ khác cho thấy việc biết tận dụng ngành dịch vụ bưu chính có thể kiếm được bộn tiền từ những người có thú vui sưu tập tem nhẹ dạ", King nói.
Giống như các nước phương Tây, ngành bưu chính Triều Tiên tập trung khai thác những sự kiện quốc tế và không bỏ qua các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn hay thành tựu của đất nước làm chủ đề in tem. Một mẫu tem điển hình là khách sạn Ryugyong 105 tầng hình kim tự tháp, một công trình kiến trúc mà người dân Triều Tiên rất tự hào.
Willem van der Bijl, một người sưu tập và buôn tem người Hà Lan, cho biết giá của mỗi chiếc tem khá rẻ nhưng chi phí sản xuất thấp nên đây vẫn là ngành công nghiệp có lợi nhuận lớn.
"Hầu hết đều không có giá trị thị trường lớn," Van der Bijl nói, "Các con tem mới phát hành, trong tình trạng hoàn hảo, cũng chỉ có giá khoảng 50 cent"
Tuy nhiên, theo chuyên này, chi phí sản xuất ra một con tem, chủ yếu đổ vào giấy và mực in, "chả đáng gì".
"Những con tem có chủ đề thể thao hay động vật được phát hành nhằm mục đích chính là chiều lòng những người thích sưu tập và thu về ngoại tệ", Van der Bijl cho biết thêm anh đã nhiều lần đến Triều Tiên, thậm chí từng bị giam giữ ở đây hai tuần. Van der Bijl đặc biệt thích "sự đơn giản" trong thiết kế của những con tem Triều Tiên.
Do nhu cầu của thị trường, các nhà thiết kế tem Triều Tiên cũng đang thay đổi để đáp ứng sở thích của khách hàng. Vào những năm 1980, Bình Nhưỡng dựa vào hình ảnh của những người nổi tiếng như Công nương Diana hay ngôi sao quần vợt Steffi Graf để thu hút khách hàng phương Tây. Nhưng bây giờ, thị trường mà Bình Nhưỡng nhắm đến là Trung Quốc, theo chuyên gia nghiên cứu King.
"Giờ chả còn mấy ai ở châu Âu hay Bắc Mỹ sưu tập tem nữa", King nói, "Những con tem của Triều Tiên đang thiên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc".
"Rõ ràng, có một sự thay đổi lớn trong các mẫu thiết kế nhằm hấp dẫn các nhà sưu tập ở Trung Quốc. Nhiều bộ tem trong những năm gần đây mang chủ đề ca ngợi tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng hay các ngôi sao đại chúng Trung Quốc", King nhận xét.
Xu hướng này bắt đầu nhen nhóm từ những năm 1990 khi mà cơ quan phát hành tem Triều Tiên in bộ tem chào mừng sự kiện Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc.
Trung Quốc là một thị trường giàu tiềm năng với khoảng 20 triệu người sưu tập tem, tương đương với 1/3 tổng số người sưu tập tem trên toàn thế giới. Nhưng Van der Bijl, người sở hữu gần như mọi con tem mà Bình Nhưỡng từng phát hành, cho rằng đây không phải là chiến lược kinh doanh đúng đắn.
"Tôi khuyến cáo họ đừng lạm dụng các chủ đề về Trung Quốc", Van der Bijl giải thích rằng qua những con tem, người ta có thể thấy lịch sử của một quốc gia và người sưu tập nào cũng thích mua những con tem liên quan đến quê hương họ hơn.
Dù những con tem "chống Mỹ" chỉ chiếm một số lượng nhỏ, chúng vẫn có giá trị phản ánh những giai đoạn thăng trầm trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ, theo Koen de Ceuster, giảng viên tại đại học Leiden, Hà Lan, người đã bỏ công xây dựng kho dữ liệu trên mạng lưu trữ những bức bích họa và khẩu hiệu tuyên truyền của Triều Tiên.
"Loạt tem mới phát hành ám chỉ những tiến bộ gần đây trong công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng", Koen de Ceuster nói. Hôm 4/7, Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên có tầm bắn chạm tới Alaska và Hawaii hay thậm chí còn có thể vươn xa tới các bang ở tận vùng tây bắc Mỹ.
"Ta có thể 'đọc vị' hướng đi (trong các chính sách ngoại giao) của Triều Tiên qua hình ảnh trên những con tem... Nhưng đáng tiếc, chúng ta không thể dùng chúng để đoán cụ thể nội dung của những chính sách ấy", nhà sưu tập King cho biết.