Lý do tín dụng TPHCM tăng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh, tín dụng thành phố đến cuối tháng 8 đạt 3,33 triệu tỷ đồng, tăng 3,26% so với cuối năm 2022 và tăng 5,62% so với cùng kỳ. Riêng tháng 8 tăng gần 1%.

Ngày 16/9, chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, mặc dù còn khó khăn thị trường hàng hóa, tiêu thụ và xuất khẩu và thị trường bất động sản; tuy nhiên những điểm tích cực đã bắt đầu xuất hiện. Đó là tín dụng tăng trở lại trong tháng 8/2023.

Cụ thể, quy mô tín dụng TPHCM 8 tháng đầu năm đạt 3.331 nghìn tỷ đồng, tăng 3,26% so với cuối năm 2022 và tăng 5,62% so với cùng kỳ. Trong đó riêng tháng 8, mức tăng trưởng đạt gần 1% so với tháng 7.

Tín dụng ngắn hạn tăng trưởng cao hơn tín dụng trung, dài hạn. Theo đó, tín dụng ngắn hạn tăng 4,92% so với cuối năm 2022, tín dụng trung, dài hạn tăng 1,88%. Tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch với tỷ lệ chiếm khoảng 67% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Đến nay, dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên với lãi suất ưu đãi đạt khoảng 188.000 tỷ đồng, cho hơn 17.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã với lãi suất vay không quá mức quy định (hiện nay là 4%/năm).

Lý do tín dụng TPHCM tăng ảnh 1

Tín dụng TPHCM tăng mạnh, riêng trong tháng 8 tăng gần 1% so với tháng 7.

Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng trưởng tích cực, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng, nhờ các giải pháp và đồng bộ về kích cầu với 3 trụ cột: tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư. Đặc biệt, “điểm rơi” chính sách xuất hiện và phát huy tác dụng.

Cụ thể, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ đạt trên 34.000 tỷ đồng cho trên 25.000 khách hàng vay vốn; giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất đạt 20.954 tỷ đồng cho 350 khách hàng thuộc các lĩnh vực hàng không, vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục đào tạo, nông nghiệp lâm nghiệp và thủy sản, thực hiện dự án xây nhà ở xã hội, giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lệnh, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm thấp so với cùng kỳ này các năm 2022, 2021 và 2019, chỉ tương đương mức tăng trưởng cùng kỳ của năm 2020, song kết thúc năm 2020 tín dụng tăng tới 10,35%. Điều này cho thấy tăng trưởng tín dụng các tháng còn lại của năm thường là rất cao.

Dẫu cho chưa thể khẳng định xu hướng và sự bền vững, song nếu so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của các tháng đầu năm và của tháng 7/2023, thì đây là mức tăng trưởng rất tích cực và phản ánh tác dụng của chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Trung ương đã và đang phát huy hiệu quả.

“Dự báo những tháng còn lại của năm 2023, sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với sự xuất hiện của những điểm sáng về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ và các thị trường” - ông Lệnh kỳ vọng.

MỚI - NÓNG