Trận tháng 10/2008 với tổng lượng mưa 350 – 550 mm và gây 63 điểm ngập úng. Tám năm sau, lượng mưa chỉ 280 mm vẫn đủ sức biến 35 đoạn phố thành ao. Cảnh náo loạn lần này có lẽ kịch tính hơn trước, trong đó có trường đoạn phát trên mạng một chiến sỹ hăng hái cõng thủ trưởng vượt sóng dữ.
Hà Nội hầu như không còn thiếu thứ gì để chống ngập úng mà sao vẫn ngập? Chỉ riêng chuyện mở rộng diện tích mà ai cũng tin một ngày mai không xa sẽ khác hôm qua. Tháng 8/2008, Hà Nội vươn mình phù đổng, từ 921 km2 với dân số 2,5 triệu dân thành 3.345 km2 với dân số hơn gấp đôi.
Những tưởng mật độ xây dựng sẽ giảm, dân sẽ giãn, giao thông sẽ rộng, công viên vườn hoa sẽ gia tăng và kiêm chức năng như những vùng bán ngập để trữ nước tạm thời khi mưa to. Ai dè tất cả chỉ là mơ ước. Càng phê phán, càng điều chỉnh, tình hình càng tệ. Mấy chục năm qua thi nhau phá vỡ quy hoạch và lấn chiếm tối đa mặt đất để beton hoá.
“Mức độ thích hợp của mọi thứ đều đẹp. Mọi sự thiếu thốn hay thừa thãi đều không làm tôi thích thú”, nhà duy vật biện chứng chất phác Democritus tuyên bố. Vì sao Hà Nội không đạt được mức độ thích hợp? Vì sao nó luôn ở tình trạng quá thiếu những cái cần có và quá thừa những cái không cần?
Ta đổ cho chính quyền. Đương nhiên rồi nhưng còn gì nữa không? Có không trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia cấu thành một cộng đồng 6,5 triệu người mong muốn sống trong một đô thị đẹp?
Có hay không cơn say xây dựng, cơi nới bằng mọi giá của nhiều gia đình làm hẹp lối đi, ngoạm vào khu vui chơi công cộng, chặn đứng dòng nước thoát vốn đã tỏng teo? Đường xá nhiều khu dân cư khi mới hoàn thành thênh thang là thế. Vậy mà khi về ở, người ta gần như đồng loạt cơi nới trước sau, đường chung chỉ còn tin hin, hai xe máy ngược chiều là kẹt. Đoạn cống chung cũng theo đó bị thít cổ. Mưa cái là nhà nào cũng ngập nếu không có hàng dãy con đê gạch, đê đá hoa, đủ loại đê, trước cửa. Vậy mà hầu như không ai muốn trả lại những gì của chung họ đã lấn chiếm. Từ bao giờ, lối mưu sinh thực dụng, sống chết mặc bay, của một bộ phận không nhỏ khiến thành phố hoà bình chẳng khác chiếc váy đụp khi nhòm từ trên cao?
Chỉ khi nào mỗi cá nhân biết kiềm chế, biết sợ khi khởi lòng tham, Hà Nội mới có cơ may thay đổi, các giải pháp chống ngập lụt của chính quyền mới có cơ hội phát huy hiệu quả. Ngược lại, “nếu vượt quá mức độ, cái dễ chịu nhất cũng thành cái khó chịu”, triết gia Hy Lạp cảnh báo từ 2.500 năm trước.