Bên cạnh các khoản thu nhập từ tiền lương, 95% người lao động được hỗ trợ bữa ăn ca tại doanh nghiệp với giá trị bình quân 1 suất ăn 14,5 ngàn đồng, 74% số lao động được phụ cấp thêm tiền chuyên cần với mức trung bình 256,7 ngàn đồng/người/tháng. 48,3% người lao động được hỗ trợ tiền đi lại với mức trung bình 196 ngàn đồng/người/tháng. Có 66,7% người lao động thuê nhà trọ được hỗ trợ tiền nhà ở với mức trung bình 136 ngàn đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Phước Mạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai cho rằng, thực tế cho thấy, hầu hết lao động di cư có mức lương chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống trung bình hoặc thậm chí là mức sống tối thiểu trong giai đoạn hiện nay. Với thu nhập trung bình khoảng 4,1 triệu đồng/tháng, lao động nhập cư không đủ tiền chi trả cuộc sống hàng ngày. Do đó, người lao động phải thường xuyên tăng ca để tăng thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, quê ở Nghệ An làm công nhân tại Cty Pouchen cho biết, do có thâm niên nhiều năm làm việc nên mức lương được trên 5 triệu đồng/tháng. Mức lương này cũng không đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình. Chị Huyền tính: tiền thuê nhà trọ 700 ngàn đồng/tháng; tiền gửi con ở nhà trẻ 1 triệu đồng/tháng, tiền ăn gia đình, tiền sữa cho con tằn tiện cũng mất 4 triệu đồng/tháng, xăng xe hai vợ chồng hết 1 triệu đồng/tháng… Theo chị Huyền, nếu không có lương của chồng, cũng làm công nhân, coi như chi phí âm vào tiền thu nhập. Chị Hoàng Thanh Nhân quê ở Thái Bình cho biết, mới làm công nhân nên lương chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng nên chỉ mong công ty tăng ca nhiều để có thêm thu nhập. Tăng ca đồng nghĩa sẽ có thêm bữa ăn chiều tại công ty, được thêm tiền lương tăng ca, bớt thời gian sử dụng điện, nước ở nhà trọ…
Khảo sát của Viện khoa học lao động và xã hội – Bộ LĐ, TB&XH cho thấy, lao động nhập cư trong khu vực FDI có thu nhập không cao, nhưng phải chi tiêu nhiều khoản. Cao nhất là tiền thuê nhà, trong khi chi tiêu cho ăn uống lại ở mức tối thiểu.