Lưỡi bò và dấu hủy

Lưỡi bò và dấu hủy
TP - Dù khăng khăng “không quốc tế hóa” vấn đề biển Đông, nhưng với việc đưa bản đồ có “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) vào hộ chiếu của hàng tỉ công dân nước mình, Trung Quốc rõ ràng đang làm một chiến dịch phát tán hình ảnh xuyên tạc, vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác ra khắp thế giới.

> Tăng cường kiểm tra hộ chiếu 'đường lưỡi bò'của Trung Quốc
> Đóng dấu 'Hủy' vào hơn 110 hộ chiếu TQ có in 'đường lưỡi bò'
> “Đường lưỡi bò” trong hộ chiếu: Đi ngược với cái gọi là 'giải pháp hòa bình'

Dù rao giảng về “giải pháp hòa bình”, nhưng đường lưỡi bò in trên hộ chiếu, cũng như bản đồ của cái gọi là “thành phố Tam Sa” vừa được xuất bản bao trùm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, lại chính là sự thách thức nguy hiểm đối với hòa bình, yên ổn của khu vực cũng như thế giới.

Chúng ta luôn hoan nghênh, chào đón, và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho những công dân Trung Quốc sang Việt Nam để du lịch, làm ăn chân chính. Cũng như sự trao đổi kinh tế, văn hóa tích cực giữa hai nước và công dân hai nước diễn ra bình thường từ lâu nay.

Thế nhưng, những ngày qua, cơ quan chức năng của Việt Nam đã buộc lòng đóng dấu “hủy” vào hàng trăm hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in đường lưỡi bò.

Trên thế giới không một quốc gia nào có thể chấp nhận việc công dân nước khác nhập cảnh lại mang theo hình ảnh xuyên tạc về chủ quyền của nước chủ nhà. Chẳng khác nào một người vào nhà người khác mang theo tuyên bố “đây là nhà của tôi”.

Tuy vậy, quyền đi lại của những công dân Trung Quốc nhập cảnh vẫn được cơ quan chức năng Việt Nam đảm bảo, bằng cách đóng dấu thị thực vào giấy thông hành rời.

Một số quốc gia khác như Philippines, Ấn Độ cũng đã và đang có những động thái và ứng xử thích ứng. Bản thân sự việc “kỳ quặc” liên quan đến ngoại giao này cũng đã đánh động và thu hút sự quan tâm rất lớn của truyền thông thế giới.

Rõ ràng, quyền thông hành của những người mang tấm hộ chiếu in đường lưỡi bò đã bước đầu gặp “rầy rà” đáng kể khi đi ra thế giới. Mà nguyên nhân là do ý chí chủ quan, phi lý của những người đưa ra việc in hình ảnh xuyên tạc chủ quyền quốc gia khác vào hộ chiếu.

Việc in đường 9 đoạn in vào hộ chiếu thực chất chẳng có ý nghĩa pháp lý gì, nhưng lại mang tính biểu tượng nguy hiểm. Bởi lâu ngày, sẽ tạo ra ảo tưởng cho chính những công dân mang tấm hộ chiếu ấy về thứ “chủ quyền” nhầm lẫn, không có thực. Tạo ra sự lẫn lộn khó lường cho thế giới. Dễ rơi vào một thứ mê đồ trận đầy dụng ý theo kiểu “hữu sinh ư vô” (Có được sinh ra từ không) mà bậc tiền nhân Trung Hoa từng răn dạy con cháu mình.

Mỗi quốc gia trên hành tinh này đều có quyền, và được đảm bảo quyền về chủ quyền lãnh thổ được thực tế và lịch sử thừa nhận, trên cơ sở tôn trọng luật pháp và những quy định thống nhất chung đề ra để cùng tồn tại, phát triển.

Những chính sách bá quyền đơn phương đi ngược và đứng trên luật pháp và thông lệ quốc tế, ắt sẽ bị cộng đồng thế giới đóng dấu hủy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".