Lùm xùm quanh xuất khẩu gạo: Kiến nghị bỏ hạn ngạch, minh bạch khai báo hải quan

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến 17/4, mới chỉ có 6.810/400.000 tấn gạo hạn ngạch được xuất khẩu trong tháng 4
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến 17/4, mới chỉ có 6.810/400.000 tấn gạo hạn ngạch được xuất khẩu trong tháng 4
TP - Lý giải về việc tại sao một doanh nghiệp (DN) có thể đăng ký được 102 tờ khai với lượng gạo lên tới 96.234 tấn chỉ trong mấy tiếng từ 0h ngày 12/4, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, họ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chủ động và gặp lúc đường truyền tốt nên hệ thống VNACCS tự động chấp nhận tờ khai.  

Bất thường có DN mở tờ khai xuất được gần 100.000 tấn

Thông tin trên được công khai trên website của Tổng cục Hải quan, đến cuối ngày 17/4, có 6.810 tấn gạo được xuất khẩu (XK) trong hạn ngạch 400.000 tấn ở tháng 4.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, riêng tại cục này, có 4 chi cục được phép XK gạo theo Quyết định 1106 (QĐ 1106) ngày 10/4 của Bộ Công Thương. Tổng khối lượng đăng ký ở đây theo ông Thắng khoảng gần 200.000 tấn.

Cũng theo ông Thắng, toàn bộ gạo DN đăng ký XK tháng 4 này được phân luồng vàng (phải kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa - PV) và luồng đỏ (kiểm tra chi tiết hồ sơ và thực tế hàng hóa). “Tờ khai Hải quan đã đăng ký thành công chỉ có hiệu lực trong vòng 15 ngày. Sau khi mở tờ khai, DN phải đi gom gạo từ các đầu mối, tập kết ra cảng, hồ sơ đầy đủ mới được XK. DN nào không gom đủ gạo theo tờ khai, sau 15 ngày, tờ khai bị hủy”, ông Thắng cho biết thêm.

Về việc Hải quan mở tờ khai XK gạo lúc 0 giờ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cho rằng, sự việc này tiềm ẩn sự khuất tất, không rõ ràng, thiếu minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Tổng cục Hải quan mở tờ khai lúc nửa đêm không thông báo công khai trước cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. 

Bình luận tiếp về câu chuyện mở tờ khai XK gạo lúc 0 giờ ngày 12/4, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, cho biết, QĐ 1106 có hiệu lực kể từ 0h ngày 11/4 nhưng đến 9h30 ngày hôm đó, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử. Ngày 13/4, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chính thức.

Theo ông Cẩn, căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 QĐ 1106, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo XK trong hạn ngạch được phép và áp dụng từ 0 giờ ngày 12/4.

Trả lời  câu hỏi “tại sao mất một ngày để cài đặt như vậy nhưng Tổng cục Hải quan không thông báo cho cộng đồng DN được biết để chuẩn bị?”, ông Cẩn vẫn nhấn mạnh (từng trả lời Tiền Phong) rằng:Trong QĐ 1106 của Bộ Công Thương không yêu cầu việc này. Hơn nữa, theo ông Cẩn, từ trước tới nay, tất cả hàng hóa đều khai báo tự động, mọi lúc mọi nơi, không phải thông báo gì cả.

Lý giải về việc tại sao 1 DN có thể đăng ký được 102 tờ khai với số lượng gạo lên tới 96.234 tấn chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, ông Cẩn cho rằng, họ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chủ động và gặp lúc đường truyền tốt thì hệ thống VNACCS sẽ tự động chấp nhận tờ khai.

Kiến nghị cho xuất tiếp hơn 100.000 tấn gạo đang tồn

Theo báo cáo của Bộ Công Thương đến ngày 27/3/2020, tổng lượng gạo các DN thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã ký hợp đồng nhưng chưa giao hàng là 1,574 triệu tấn. Trong đó, số gạo phải giao theo hợp đồng từ nay đến 31/5 là 1,385 triệu tấn gạo.

Như vậy, có thể thấy, hiện tại và cả về lâu dài, nhu cầu XK gạo của các DN Việt Nam là rất lớn, với 257 DN tham gia XK, trong khi tổng lượng được xuất tháng 4 chỉ là 400.000 tấn. Theo Tổng cục Hải quan, điều này, dẫn đến nhiều DN không thể đăng ký tờ khai XK được.

Đối với thực trạng 146.453 tấn gạo của các DN đã đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan trong tháng 4, được xác nhận bởi các DN và phản ánh qua đơn của VFA, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, đã báo cáo Bộ Tài chính. Theo đó, Tổng cục Hải quan đề xuất Chính phủ cho phép XK các lô gạo còn tồn đọng trên, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tổng cục Hải quan kiến nghị Thủ tướng phê duyệt số lượng gạo được phép XK và định hướng lộ trình, tiến độ XK. Tổng cục Hải quan đề xuất, Chính phủ giao Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch XK gạo (tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã và đang được Bộ Công Thương triển khai).

Trường hợp khác, Chính phủ giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch XK gạo cho các DN đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Theo ông Cẩn, để đảm bảo công khai, minh bạch, cũng như cần có thời gian để Tổng cục Hải quan mở lại hệ thống (sau khi ngừng tiếp nhận tờ khai do hết hạn ngạch) khi ban hành quyết định phân bổ hạn ngạch XK, các bộ cần thống nhất để áp dụng phân bổ hạn ngạch, thông báo công khai cho các DN biết, thực hiện.

Sau khi chấm dứt dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Hải quan đề nghị các bộ có ý kiến với Chính phủ không áp dụng quản lý xuất khẩu bằng hạn ngạch.   

Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp. Theo đó, Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 20/4, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo sẽ diễn ra trong tuần sau. Sau cuộc họp ngày 20/4, trên cơ sở ý kiến các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn Kiên

MỚI - NÓNG