Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về phần mềm:

Luật bất cập, chỉ lợi cho nước ngoài

Cty Austnam bị điều tra về hành vi sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền. Ảnh: ICT
Cty Austnam bị điều tra về hành vi sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền. Ảnh: ICT
TP - Người tiêu dùng đang sống trong ma trận sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ, cơ quan chức năng cũng khó phân biệt. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp rời bỏ các sản phẩm sáng tạo. Về lâu dài, việc lệ thuộc sản phẩm nước ngoài khiến nguy cơ mất an ninh thông tin ngày càng cao.

Bỏ phần mềm, đi làm thuê

Như được cởi bỏ bức xúc, ông Đào Xuân Vinh, giám đốc một công ty phát triển phần mềm thâm niên gần 20 năm cho rằng: “Luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam gần như không có tác dụng, khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư tâm huyết phải bỏ làm để gia công cho nước ngoài”. Ông Vinh kể câu chuyện 2 năm ròng rã đi đòi công lý. Sau 2 năm phát triển một phần mềm kế toán, công ty phát hiện mã nguồn bị đánh cắp và còn được đăng ký bản quyền SHTT. Từ khi phát đơn kiện đến nay đã hơn 1 năm, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có hồi đáp. 

Trong quãng thời gian đó, đã có thêm 4 Cty khác có hành vi ăn cắp tương tự. Các công ty này đều được ông Vinh chỉ mặt, điểm danh là những nhân viên cũ của công ty ông, sau khi nắm được mã nguồn liền tách ra làm riêng, đăng ký bản quyền, lôi kéo nhiều khách hàng với giá thành rẻ hơn. “Thủ tục đăng ký bản quyền chỉ mất có 15 ngày mà không xem xét hồ sơ kỹ càng, trong khi đó để thanh tra đơn khiếu nại thì lại mất từ 6 tháng đến 1 năm. Điều này khiến các Cty như chúng tôi phải từ bỏ lĩnh vực này”, ông Vinh nói.

Đây không chỉ là bức xúc của 1, 2 doanh nghiệp làm phần mềm, mà còn là nỗi niềm của rất nhiều doanh nghiệp khác. Kể cả những doanh nghiệp làm phần mềm có tiếng tại Việt Nam như: Cty Cổ phần MISA, Cty phần mềm quản lý doanh nghiệp (FAST)... Còn nhớ năm 2005, khi tác giả Lữ Thành Long cùng phần mềm kế toán MISA đã bị kiện ngay khi tham dự Giải thưởng Sao Khuê, trong khi chính ông Long mới là người nạn nhân của việc vi phạm quyền SHTT. Một số doanh nghiệp nhỏ hơn còn “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không dám kiện do sợ ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm.

Nhiều mối nguy từ phần mềm ngoại

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, cho rằng, rất khó để xử lý các hành vi vi phạm SHTT bởi Luật Bảo hộ bản quyền ở nước ta còn thiếu, cũng như chưa có chế tài để xử lý. Luật SHTT ban hành 2005 và Sửa đổi bổ sung năm 2009 vẫn quy định “Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học”, trong khi văn viết chỉ 1, 2 người thì phần mềm lại là sản phẩm của cả nghìn người. Ai là tác giả trong 1.000 người, ai được quyền đăng ký?! Doanh nghiệp đăng ký bản quyền và SHTT tại Cục SHTT (Bộ KHCN), tranh chấp bản quyền lại do Thanh tra Bộ VHTT&DL, trong đó cơ quan quản lý nhà nước chuyên về CNTT, phần mềm lại đứng ngoài cuộc. Và nếu có tranh chấp, hội đồng nào thẩm định? Thêm vào đó, những nơi đăng ký bản quyền phần mềm không có chuyên môn sâu về việc sản xuất, sáng tạo phần mềm, nên việc xử lý chậm. Khi Luật không chặt chẽ, các Cty nước ngoài được lợi bởi họ có các sản phẩm đã được phát triển nhiều năm cùng hệ thống luật sư quốc tế mạnh.

Luật bất cập, chỉ lợi cho nước ngoài ảnh 1

Ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam. Ảnh: Trần Hoàng

Bên cạnh đó, giá thành một bộ sản phẩm của Microsoft ở Việt Nam so với mức thu nhập là quá cao. Khi các cơ quan nhà nước chấp nhận mua với giá cao thì lại phát sinh vấn đề nữa đó là Microsoft tự ý quyết định các sản phẩm của mình. Gần đây nhất là tuyên bố ngừng hỗ trợ bộ Windows Server 2003, trách nhiệm của Microsoft với các đơn vị đang sử dụng hệ điều hành này ở Việt Nam như thế nào vẫn chưa có câu trả lời. 

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cũng nêu lo ngại khi Việt Nam không tự làm chủ được công nghệ sẽ không thể đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống thông tin, đặc biệt về lĩnh vực quản trị. Đơn cử như sản phẩm Windows 8, Windows 10 thường xuyên cập nhật online, mỗi lần như vậy máy tính im lìm và chủ nhân không biết “họ” làm gì với máy và thông tin của mình.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Minh Quốc, Giám đốc Cty MKSmart (đơn vị đã thực hiện 1 số công trình của Bộ GTVT) cho rằng, xu hướng áp dụng công nghệ vào dịch vụ công, chính quyền điện tử là tất yếu. Nếu cứ để các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị trường mạng, thẻ tín dụng… thì vài năm nữa hàng triệu người sẽ đứng trước nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin. 

Một số chuyên gia đưa ra giải pháp mã nguồn mở (MNM), vừa mang lại lợi ích kinh tế cao, vừa không lo bị vi phạm bản quyền. Bởi MNM là sản phẩm phần mềm được công bố rộng rãi, miễn phí cho tất cả các lập trình viên có thể đóng góp và sử dụng. Thông qua MNM, doanh nghiệp phần mềm có thể các dịch vụ hỗ trợ riêng cho đối tác. Tuy nhiên, hiện nhân lực để phát triển MNM tại nước ta còn yếu nên chỉ có thể lấy dùng chứ chưa thể tự phát triển.

Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong năm 2014, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 121 cuộc trong đó thanh tra đột xuất 82 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cũng nêu lo ngại khi Việt Nam không tự làm chủ được công nghệ sẽ không thể đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống thông tin, đặc biệt về lĩnh vực quản trị. Đơn cử như sản phẩm Windows 8, Windows 10 thường xuyên cập nhật online, mỗi lần như vậy máy tính im lìm và chủ nhân không biết “họ” làm gì với máy và thông tin của mình.


MỚI - NÓNG