Nghịch lý bản quyền sách giáo khoa

Nghịch lý bản quyền sách giáo khoa
TPO - Một nghịch lý trớ trêu là những người biên soạn, viết sách giáo khoa thì được trả tiền, còn những tác giả viết ra các tác phẩm được họ chọn đưa vào sách thì không được nhận đồng nào.

Nhà văn là chủ sở hữu tác phẩm của mình, nghĩa là họ có quyền tác quyền đối với những bản văn của mình viết ra. Điều tất nhiên này bỗng như là không phải đối với Nhà xuất bản Giáo dục khi bao lâu nay những người làm sách giáo khoa trong nhà trường sử dụng các truyện ngắn, bài thơ của nhiều nhà thơ nhà văn nhưng không hề hỏi ý kiến tác giả, lại càng không tính tới việc trả tiền bản quyền cho tác giả.

Mà hình như cả xã hội từ lâu cũng mặc định tác phẩm dùng trong nhà trường, in trong sách giáo khoa là của chung, không phải trả tiền cho ai cả. Nhưng sách giáo khoa cũng vẫn là sách, hơn thế nữa đó là loại sách được in với số lượng lớn, tái bản nhiều lần, dùng trong nhiều năm, và được bán rộng khắp, học sinh đi học đều phải mua. Điều này có nghĩa bao năm qua NXB Giáo dục đã thu về một số tiền lớn từ sách giáo khoa. Trong số tiền ấy có tiền tác quyền của các tác giả những tác phẩm văn học được đưa vào giảng dạy.

Một nghịch lý trớ trêu là những người biên soạn, viết sách giáo khoa thì được trả tiền, còn những tác giả viết ra các tác phẩm được họ chọn đưa vào sách thì không được nhận đồng nào. Đây là một tình trạng bất công và không đúng pháp luật.

Tình trạng này đã kéo dài rất lâu và cả hai phía (nhà văn và nhà xuất bản) một thời gian dài cũng hồn nhiên... gây thiệt hại và chịu thiệt hại, bên này không nghĩ là mình có trách nhiệm phải trả tiền tác quyền và bên kia cũng không nghĩ là mình có quyền lợi được hưởng và có quyền đòi hưởng quyền lợi chính đáng đó.

Nhưng gần đây, khi xã hội ta ngày càng tập sống theo đúng những chuẩn mực văn minh của thế giới hiện đại, thì vấn đề tác quyền trong mọi lĩnh vực đời sống đang được ráo riết, tích cực đặt ra và giải quyết. Tác phẩm của nhà văn dù được sử dụng ở đâu, nhằm mục đích gì, đều phải tuân thủ luật tác quyền.

Sách giáo khoa lấy tác phẩm của họ dạy trong nhà trường thì nơi làm sách là NXB Giáo dục phải trả tiền tác quyền cho họ. Mà không chỉ là trả cho các tác giả, còn phải trả cho các dịch giả có dịch bản của mình được dùng trong sách giáo khoa nữa. Thế mới là công bằng, chính xác.

Vừa qua Trung tâm quyền tác giả của Hội Nhà văn Việt Nam đã có những cuộc làm việc với NXB Giáo Dục về việc này và cũng đã bàn bạc với các nhà văn nhà thơ có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa. Cố nhiên tính toán tỷ lệ tiền tác quyền thế nào là do sự đồng thuận của hai bên và phải căn cứ vào các quy định pháp luật và thực tế xuất bản. Nhưng điều đầu tiên phải khẳng định việc đòi hỏi tác quyền này là đúng, là cần thiết. Muộn còn hơn không.

Không chỉ là chuyện tiền nong, việc này còn nâng cao ý thức trách nhiệm của người làm sách, nhất là loại sách đặc biệt như sách giáo khoa, và cả ý thức trách nhiệm của thầy và trò, vì họ biết ngay cuốn sách giáo khoa họ cầm trên tay đã là một thực thể bản quyền. Các nhà văn nhà thơ được tôn trọng tác quyền sẽ thấy tự hào về tác phẩm của mình được đưa vào giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò, từ đó họ cũng sẽ thấy trách nhiệm của mình về tác quyền của mình và cả của những người khác.

Tôi nghĩ, NXB Giáo dục nên giải quyết việc này sớm, và khi đã đạt được kết quả thỏa thuận với phía nhà văn thì cần có một thông báo rộng rãi cho dư luận biết để khẳng định một việc làm từ nay đã bắt đầu: Tôn trọng tác quyền của nhà văn có tác phẩm đưa vào sách giáo khoa dạy trong nhà trường.

MỚI - NÓNG