Lũ quét, chủ động sẽ giảm thiệt hại

Lũ quét, chủ động sẽ giảm thiệt hại
Các tỉnh miền núi phía Bắc đang trải qua những tang thương sau lũ quét và ngập lụt. Điều đáng nói là những trận lũ quét này đã được cảnh báo từ trước khi bão số 4 đổ bộ vào VN. Vậy tại sao thiệt hại vẫn xảy ra?

>> Lũ lịch sử: Ít nhất 137 người chết và mất tích
>> Ghi từ tâm lũ Trấn Yên, Yên Bái 
>> Ăn theo bắt chẹt khách trong cơn lũ

Lũ quét, chủ động sẽ giảm thiệt hại ảnh 1

Đường bị lũ tàn phá, nhiều nhà dân bị cuốn trôi (ảnh chụp ngày 10-8 tại quốc lộ 279, đoạn thuộc địa phận huyện Bảo Yên, Lào Cai) - Ảnh: Cù Záp

PV đã trao đổi với GS.TS Ngô Đình Tuấn - chủ tịch hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á, chuyên gia nghiên cứu về lũ.

Ông Tuấn nói: Nguyên nhân hình thành lũ quét thường là do mưa lớn ở những khu vực có độ dốc lớn, thảm thực vật bị chặt phá.

Ở các tỉnh Bắc bộ, bão số 4 đã gây mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua nên các cảnh báo trước đó về nguy cơ sẽ xảy ra lũ quét trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc là có cơ sở.

Thưa ông, về mặt khoa học, đến nay khả năng dự báo lũ quét như thế nào?

Lũ quét xảy ra rất nhanh, nhanh như chớp nên việc dự báo chỉ là dự báo khả năng chứ không thể nói chắc chắn được. Qua nghiên cứu, tính toán, các nhà khoa học đã xây dựng được bản đồ những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, trong đó có các địa phương ở phía Bắc gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh…

Dựa trên bản đồ phân vùng này, khi xảy ra mưa lớn ở một khu vực nào đó chúng ta có thể tính toán, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét. Có điều do lũ quét xảy ra rất nhanh, thường vào ban đêm nên khi dự báo được lũ quét và đưa ra biện pháp đối phó thì đã chậm. Do đó căn cứ trên bản đồ phân vùng, chúng ta phải có giải pháp phòng tránh hợp lý.

Chúng ta đã có nhiều đề tài khoa học nghiên cứu về lũ quét. Gần đây kết quả của những đề tài này đã được Nhà nước đưa vào ứng dụng để người dân được trực tiếp hưởng lợi. Nhưng phải nói thật rằng tất cả mới chỉ là bước đầu.

Hi vọng sau một thời gian nữa chúng ta sẽ dần dần khắc phục, giảm thiểu được thiệt hại do lũ quét. Chúng ta có những đề tài 18 tỉ đồng nghe thì to nhưng để chống được lũ quét, dự báo được lũ quét cũng còn lâu nên trước mắt vẫn phải phòng tránh là chính.

Lũ quét, chủ động sẽ giảm thiệt hại ảnh 2
GS.TS Ngô Đình Tuấn - chủ tịch hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á

Các biện pháp phòng tránh đó là gì?

Ở những nơi cảnh báo có khả năng xảy ra lũ quét phải đặt các trạm đo mưa tự động, thường là đặt ở trụ sở UBND xã hoặc đặt ngay nhà ông chủ tịch xã. Khi mưa lớn đến một mức nhất định có thể xảy ra lũ quét thì chuông sẽ kêu và chủ tịch xã sẽ báo cho người dân trong vùng sơ tán lên những khu vực cao để đề phòng bị lũ cuốn trôi. Tuy nhiên, hiện nay các trạm đo mưa tự động này mới chỉ được đặt ở một số ít khu vực chứ chưa được phổ biến.

Ngoài ra, đối với những khu vực cảnh báo thường có lũ quét thì trước mỗi mùa mưa lũ phải tiến hành dọn dẹp dòng sông, suối, không cho xây dựng những công trình làm cản trở dòng chảy để tránh tình trạng nước mưa về nhiều, không có chỗ thoát ứ lại rồi vỡ ra tạo thành lũ quét.

Hay trước mỗi mùa lũ các địa phương phải rà soát các hồ chứa trong tỉnh, hồ nào không vững chắc, không bảo đảm thì phá trước để tránh tình trạng mưa lớn có thể làm vỡ dây chuyền sinh ra lũ quét. Nhà dân ở những khu vực có nguy cơ lũ quét có thể đào hào bên cạnh nhà và xây thêm những bức tường lớn đằng sau nhà để khi mưa xuống thì nước trút xuống hào, bùn đá đổ xuống có tường che chắn, tránh bị đổ vào nhà cửa.

Đặc biệt, mỗi khi có bão gây mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc mà chúng ta cảnh báo có khả năng xảy ra lũ quét thì từ trung ương phải chỉ đạo chủ tịch các tỉnh có nguy cơ lũ quét tổ chức di dời dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Người dân không tự di dời bởi mỗi lần di dời là một lần tốn kém, vì thế phải có biện pháp cưỡng chế, bắt buộc.

Thưa ông, có những nơi di dời dân đến hẳn nơi an toàn, không để dân sống trong khu vực có nguy cơ lũ quét?

Giải pháp này đã có nơi thực hiện, chẳng hạn như ở Điện Biên người ta di dời dân ở Mường Lay ra rất xa khu vực sườn núi sau một trận lũ quét quét sạch một phần Mường Lay. Nhưng việc di dời như thế ở nhiều nơi còn khó khăn vì nhận thức của người dân, nhận thức của lãnh đạo và các điều kiện liên quan khác.

Nếu chủ động, chúng ta hoàn toàn có thể giảm được thiệt hại do lũ quét gây ra?

Đúng vậy. Chúng ta phải nâng cao dân trí, làm người dân hiểu rõ hơn về tác hại của lũ quét. Các cơ quan chức năng ở địa phương phải tuyên truyền cho người dân hiểu. Lâu nay chúng ta tuyên truyền nhưng một vài năm không thấy lũ quét xảy ra lại coi thường trong khi lũ quét xảy ra bất ngờ, thường vào ban đêm nên mức độ thiệt hại rất lớn nếu chúng ta coi thường.

Theo ông, vai trò của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống lũ quét như thế nào?

Người dân có thể chủ quan nhưng lãnh đạo không được chủ quan. Các địa phương thường có nhiều vấn đề, khi lũ quét xảy ra thì tập trung xử lý nhưng khi không thấy có lũ quét thì lơ là, quên mất. Hay khi có cảnh báo về khả năng xảy ra lũ quét thì cơ quan nhà nước cũng loan báo, truyền đạt thông tin xuống các xã nhưng thông báo mà thấy chưa có gì thì chưa lo lắm. Các cảnh báo lũ quét thường ở một khu vực rộng lớn chứ không phải một khu vực cụ thể nào nên có thể người ta chủ quan.

Tuy nhiên, để cảnh báo, phòng chống được lũ quét phải có các biện pháp tổng hợp. Trước tiên chúng ta phải cải tiến dự báo mưa để từ đó đưa ra cảnh báo chính xác về lũ quét, tiếp đó phải chi tiết hóa bản đồ phân vùng lũ quét để có thể tập trung đầu tư cho việc phòng chống ở những vùng bức xúc, tránh tình trạng đầu tư tràn lan.

Những trận lũ quét lớn trong lịch sử

* Trận lũ quét ở suối Quận Cậy (Thái Nguyên), ngày 20/10/1969: Lũ quét đổ về với vận tốc khoảng 5m/giây, mang theo những hòn đá đường kính 30-40cm, thậm chí trên 1m. Thời gian xảy ra lũ rất nhanh chỉ trong khoảng một giờ. Thiệt hại: 26 người chết, nhiều người bị thương.

* Trận lũ quét thị xã Lai Châu, ngày 27/6/1990: Lũ quét đã quét đi toàn bộ phần thấp của thị xã với tất cả nhà cửa, cơ quan, xí nghiệp. Lòng sông bị đất đá lấp, còn ngổn ngang những tảng đá có kích thước 3-4m. Đây là trận lũ quét gây thiệt hại nặng nề nhất trong các trận lũ quét ở nước ta tính đến năm 2005. Lũ cuốn trôi 300 người, 104 người chết, 200 người bị thương, hư hỏng 14.300m2 nhà, 300ha ruộng lúa bị bồi lấp.

* Trận lũ quét tại thị xã Sơn La, ngày 27/7/1991: Do mưa lớn, tập trung đã tạo ra trận lũ lớn cho thị xã Sơn La làm chết 21 người, 11 người mất tích, 100 ngôi nhà bị cuốn trôi, 762 nhà bị ngập, 5.000ha lúa, hàng trăm hecta hoa màu bị hư hại.

* Trận lũ quét ở Hàm Tân (Bình Thuận), tháng 7/1999: Trong các ngày từ 22 đến 30-7 trên địa bàn toàn tỉnh Bình Thuận có mưa to đến rất to, lượng mưa nhiều nơi từ 250-300mm. Đặc biệt, trên lưu vực sông Dinh do có mưa rất to trong ngày 29/7 đã gây ra lũ quét với cường suất lớn. Lũ quét kéo dài từ sáng 29 đến hết ngày 30/7 trên phạm vi khá rộng từ xã Minh Tân đến thị trấn La Gi của huyện Hàm Tân, gây ngập úng toàn thị trấn trên 1m, có vùng ngập sâu 4m. Lũ đã cuốn trôi và nhấn chìm 80 tàu thuyền đang neo đậu ở khu vực cửa sông, nhiều người đang ở trên tàu thuyền bị lũ cuốn trôi. Lũ làm 27 người chết, 11.101 nhà cửa bị ngập, sập và hư hỏng, trong đó số nhà bị sập và trôi hoàn toàn là 1.128 căn.

* Lũ quét tại Nậm Coóng (Lai Châu), ngày 4/10/2000: Mưa to bất ngờ gây ra trận lũ quét - lũ bùn đá khủng khiếp tại bản Nậm Coóng, xã Nậm Cuổi, huyện Sìn Hồ làm 39 người chết, 17 người bị thương và thiệt hại nhiều tài sản.

* Lũ quét tại Hà Tĩnh, tháng 9/2002: Trận lũ quét đã làm ngập một diện tích lớn thuộc các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh và gây thiệt hại nặng nề với 77 người chết, hàng trăm người bị thương, 70.694 nhà bị sập, cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng. Tuyến đê hữu sông Lam bị vỡ hai đoạn dài 20m, sâu 3m.

* Lũ quét ở Hà Giang, ngày 18/7/2004: Từ đêm 18 đến rạng sáng 19/7, mưa lớn gây ra lũ quét, lũ ống tại các thôn Thẩm Lu, Phia Rịa, Bản Lý, Bản Lè, Phìn Tỷ thuộc các xã Du Tiến, Du Già, Ngọc Long và Lũng Hồ huyện Yên Minh, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn gây lụt cục bộ tại một số địa bàn của các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, làm ách tắc một số tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 2, quốc lộ 4C và một số tỉnh lộ. Tổng số người chết và mất tích là 48 người, 19 người bị thương.

Theo Khiết Hưng
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG