Lũ qua, lo sông 'nuốt' nhà

Bờ kè kiên cố chống sạt lở biến mất. Ảnh: Ngọc Văn
Bờ kè kiên cố chống sạt lở biến mất. Ảnh: Ngọc Văn
TP - Đôi bờ sông Hương, sông Bồ (tỉnh TT- Huế) năm nào cũng sạt lở sau mỗi trận lũ lớn. Tuy nhiên, chưa bao giờ tình trạng lở đất lại nghiêm trọng như năm nay. Từ hạ nguồn ngược lên thượng du, hơn 1.000 người sinh sống ở đôi bờ các sông lớn đang ngày đêm nơm nớp nỗi lo mất nhà.
Bờ kè kiên cố chống sạt lở biến mất. Ảnh: Ngọc Văn
Bờ kè kiên cố chống sạt lở biến mất. Ảnh: Ngọc Văn.

Theo người dân địa phương, kể từ sau trận lũ muộn giữa tháng 11 tới nay, tình trạng sạt lở bờ sông tại TT- Huế diễn ra khốc liệt chưa từng thấy. Hơn 250 gia đình với trên 1.000 nhân khẩu sinh sống ven sông Hương, sông Bồ, Bạch Yến, Ô Lâu có nguy cơ trôi nhà, mất đất, cần được di dời khẩn cấp. Giao thông tại nhiều địa phương trong tình trạng nguy hiểm và bị chia cắt, 1.570 m bờ kè bị sạt lún, giảm tác dụng chống lở đất, hơn 71.000m2 đất nông nghiệp và đất ở bị xóa sổ.

Tại xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, mặc dù bờ sông Hương vừa được kè đá kiên cố nhưng những ngày qua đã không thể ngăn nổi sạt lở tiến sâu vào nhà dân, nuốt chửng nhiều tuyến đường làng, tạo những chiếc bẫy người sâu hoắm.

Qua các đoạn đường liên thôn La Khê Trẹm - Kim Ngọc chạy dọc bờ sông Hương bị sạt lở, nhiều người có cảm giác như đi trên miệng vực. Nhiều nơi, do đường không còn, người dân tự mở những lối đi nhỏ băng ngang ruộng vườn lầy lội. Theo UBND xã, từ sau hai trận lũ lớn hồi tháng 10 và tháng 11, sạt lở diễn ra nghiêm trọng tại ba thôn Kim Ngọc, La Khê Trẹm, La Khê Bãi trên chiều dài gần 1.000m.

Ông Võ Đại Tuy (thôn La Khê Trẹm) lo lắng: “Nếu nạn sạt lở bờ sông Hương không được khống chế, chẳng bao lâu nữa, dân trong thôn không những hết đường sá đi lại mà ngay cả nơi ở cũng khó mà giữ nổi”. Chị Phan Thị Huệ (thôn La Khê Trẹm) từ nửa tháng nay đứng ngồi không yên. Ngôi nhà mà gia đình chị mất nhiều năm dồn góp tiền của để xây dựng chưa kịp hoàn thiện đang đứng trước nguy cơ đổ sập xuống sông. Bờ sông Hương hiện chỉ còn cách nhà chị Huệ vài bước chân.

Cách đó không xa, ngôi nhà của anh Nguyễn Mến cũng trong tình cảnh tương tự. Theo ông Tống Văn Hùng, cán bộ xã Hương Thọ, nạn sạt lở bờ sông Hương ngày càng trở nên dữ dội không chỉ do lũ lụt, mà còn do khai thác cát sạn quá mức. Mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức truy quét, nhưng tình hình vẫn không chuyển biến.

Không chỉ sông Hương, ven sông Bồ đoạn qua hai huyện Hương Trà và Quảng Điền từ sau lũ giữa tháng 11 đến nay đã có hơn 6.200 m bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, tập trung ở các xã Hương Vân, Hương Toàn, Hương Xuân, Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Phú.

Tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), nạn sạt lở bờ sông xảy ra ở tất cả các thôn, chia cắt giao thông, đi lại của gần 600 hộ dân, khiến gần 30 gia đình bị mất đất sản xuất. Hàng chục nhà dân ở Quảng Thọ hiện chỉ cách mép sông Bồ từ 3-5 m, 20 hộ bị sạt lở nghiêm trọng cần di dời khẩn cấp.

Vừa nằm viện dài ngày do bị tai nạn giao thông suýt mất mạng, toàn bộ gia sản gần như phải bán sạch để lo thuốc thang, ông Nguyễn Hữu Sáu (thôn Phò Nam B, Quảng Thọ) đang đối mặt cảnh vô gia cư vì không còn tiền để di dời, trong khi nhà cũ sắp sửa bị sông Bồ nuốt chửng. Ông Sáu than: “Hết tai nạn giao thông nay lại gặp nạn sạt lở bờ sông. Tui đành sống liều trong ngôi nhà cũ được ngày mô hay ngày đó”.

Theo ông Hoàng Công Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, không riêng trường hợp ông Sáu, nhiều hộ dân vùng sạt lở của xã đang gặp khó về tái định cư, do chi phí đầu tư xây dựng mới một ngôi nhà ở vùng thấp trũng, đặc biệt về phần móng và san lấp là rất lớn.

Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách khoảng 14-15 triệu đồng chỉ đủ cho chi phí san lấp, riêng xã chỉ lo được phần bố trí đất mà không có những khoản hỗ trợ khác. Cũng vì lý do trên, trong tổng số 20 hộ dân Quảng Thọ nằm trong danh sách di dời khẩn cấp đợt này, hiện chỉ có một trường hợp xây được nhà mới nhờ đủ điều kiện tài chính.

Liên quan vấn đề sạt lở, UBND tỉnh TT- Huế cho biết đang cần sự hỗ trợ của Trung ương với tổng giá trị khoảng 55 tỷ đồng để tái định cư cho dân vùng nguy hiểm. Còn theo kiến nghị của lãnh đạo nhiều địa phương ven sông Hương, sông Bồ, để giải quyết triệt để nạn sạt lở và an cư cho dân, bên cạnh việc nghiên cứu, lựa chọn giải pháp xây dựng loại kè phù hợp với địa hình bờ sông có độ dốc lớn (do loại kè đá hiện nay không chịu được sạt lở), UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh cần xử lý dứt điểm nạn khai thác cát sạn trái phép trên các sông lớn. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG