Lợi, hại từ thói quen ăn 'thịt nóng'

Chế biến thịt mát
Chế biến thịt mát
TP - Tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát, trước hết là với thịt heo vừa được công bố được coi là cơ sở để hướng tới một ngành công nghiệp chế biến thịt mát tại Việt Nam phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, để người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng chưa thể trong ngày một ngày hai.

Ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, hầu hết vẫn đều bán thịt tươi (hay còn gọi là thịt nóng), đây cũng là sự lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng. Theo chị Hồ Thanh Phương (đường Hồ Tùng Mậu, Nam Từ Liêm), lý do chị ít khi chọn thịt lợn mát bởi ở chợ có thịt tươi ngon, giá rẻ hơn thịt đông lạnh. Hãn hữu chị mới chọn các sản phẩm đông lạnh, hầu như chỉ trong trường hợp đi chợ muộn hết thịt tươi.

Cùng chung quan điểm, chị Đào Thùy Mây (Hàng Bè, Hoàn Kiếm) cho biết, dù thường xuyên đi siêu thị mua thực phẩm nhưng chị không có thói quen mua đồ đông lạnh sẵn. “Thường tôi mua đồ tươi sống, về nhà chế biến sạch sẽ rồi cho vào ngăn đá dùng dần”, chị Mây nói.

Thực tế, khái niệm thịt mát ở Hà Nội đã được nhắc đến nhiều nhưng ít người tiêu dùng sử dụng bởi thói quen sử dụng thịt tươi sống. Vẫn có một số người vẫn quan niệm, thịt mát là sản phẩm không tươi ngon, không dinh dưỡng bằng thịt vừa mới ra từ lò mổ.

Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn thói quen sử dụng thịt nóng - ấm (warm meat) ngay sau giết mổ. Loại thịt này khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ nhiễm khuẩn ngay từ khâu giết mổ đến bày bán.

TS Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Kiểm chứng và Tư vấn chất lượng Nông lâm thủy sản (thuộc NAFIQAD) cho rằng sử dụng thịt mát sẽ đảm bảo các yếu tố: Thứ nhất là an toàn thực phẩm. Thứ hai đảm bảo chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm. Thứ ba là chất lượng cảm quan và thời gian bảo quản dài giúp cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng chất lượng ổn định và cao nhất.

Tiêu thụ thịt mát là xu hướng phát triển của ngành công nghiệp giết mổ, chế biến thịt trên thế giới trên nguyên tắc “nhanh, lạnh, sạch” trong cả chuỗi nên chất lượng thịt mát vẫn giữ nguyên chất lượng tươi ngon từ 7 - 15 ngày.

Xu thế tiêu dùng hiện đại, đảm bảo sức khỏe

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, từ khi chưa có tiêu chuẩn về thịt mát Sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp về việc đảm bảo chất lượng của thịt mát. Những hướng dẫn này dựa trên những tiêu chuẩn được học từ nước ngoài. Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững bắt buộc phải xây dựng được tiêu chuẩn thịt mát, bởi đây là cánh cửa quan trọng kiểm soát khâu vệ sinh ATTP cũng như để sản xuất hàng hóa theo lô quy mô lớn. Điển hình là vào chuồng một lứa, bán và giết mổ theo lô thay vì cách giết mổ truyền thống ngày một vài con khiến giá thành tăng, chi phí tăng, kiểm soát khó.

Theo ông Tường, tuy giá thành thịt mát hiện nay cao hơn thịt nóng nhưng chỉ cần xã hội thay đổi thói quen tiêu dùng, thì các doanh nghiệp có thể tham gia sâu tạo môi trường cạnh tranh giảm giá thành sản phẩm. Thịt mát còn rất dễ kiểm soát theo chuỗi, từ khâu giết mổ cấp đông ở trang trại đến các chuỗi cửa hàng, siêu thị, do đó sẽ dễ dàng hơn cho việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP.

Thực tế, Hà Nội chính là nơi tiên phong cả nước về các chuỗi chăn nuôi áp dụng giết mổ chế biến thịt mát của cả nước. Hà Nội hỗ trợ xây dựng 20 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm cho các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP. Có 7 đơn vị quản lý chuỗi áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi bằng mã QR code, từ đó giúp các chuỗi minh bạch quá trình sản xuất, tạo niềm tin cho khách hàng.

Về phía doanh nghiệp, Công ty CP Bảo Châu cho biết, nhà máy chế biến sản phẩm thịt Hà Nội đã thực hiện quy trình sản xuất thịt mát được nhiều năm, tuy nhiên thị trường đầu ra cho sản phẩm vẫn rất khó khăn. Đơn vị cũng kiến nghị Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về an toàn thực phẩm, làm thay đổi thói quen tiêu dùng từ sử dụng thịt nóng sang thịt mát, thịt cấp đông. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ kinh phí để các cơ sở giết mổ công nghiệp xây dựng kho cấp, trữ đông lớn, để sử dụng khi cần thiết.

“Chương trình thực hiện với sự phối hợp của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và PTNT”.  

Dù tiềm năng của thị trường thịt mát khá lớn cùng tiêu chuẩn mới công bố, tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thịt mát trở thành thực phẩm hàng ngày của người tiêu dùng thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.