Loài người vẫn cô đơn

Loài người vẫn cô đơn
TP - Ông già “gân” người Colombia Gabriel Garcia Marquez - cha đẻ của tiểu thuyết lừng danh “Trăm năm cô đơn” vừa qua đời ở tuổi 87. Bằng văn chương, ông đã mở ra cho loài người thêm nhiều cánh cửa để khám phá những thế giới kỳ vĩ khác.

Cả thế giới tiếc thương, nhưng không quá buồn đau, tiếc nuối. Chỉ có điều, với một người khổng lồ luôn chiến đấu chống lại nỗi cô đơn khổng lồ cho nhân loại như Marquez, sự ra đi của ông sẽ để lại nhiều khoảng trống cô đơn hơn người ta tưởng.

Chiếc máy bay Boeing 777 kềnh càng, “siêu sao” của khoa học kỹ thuật hiện đại, được mệnh danh “không thể rơi”, nhưng rồi một ngày biến mất như chiếc kim rơi chui tọt vào sa mạc đem theo sinh mạng của hai trăm mấy chục người. Vô tăm tích đến kinh ngạc. Cũng như không thể tin được mấy trăm mạng người trên chuyến phà ở Hàn Quốc mấy hôm trước lại có thể chìm nghỉm một cách dễ dàng mà không thể cứu vớt như vậy.

Khi thời kỳ còn lạc hậu của thảm nạn hàng hải Titanic đã qua từ hơn trăm năm trước đó. Người ta cũng không thể tưởng tượng được hàng loạt siêu máy bay Boeing bỗng chốc xuyên thủng tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới và Lầu Năm góc tại Mỹ, khiến trên 3 ngàn người thiệt mạng trong phút chốc.

Những ngày này, dòng phim tận thế, dịch bệnh kỳ dị biến đổi con người thành quái thú trở nên quen thuộc với màn ảnh và các sê ri truyền hình. Dù lạc quan đến mấy, con người càng ngày càng cảm thấy nhỏ bé và cô đơn.

Tiến bộ siêu phàm của khoa học, công nghệ sinh học hứa hẹn khả năng cải lão hoàn đồng cho con người, thậm chí “bất tử”. Thế nhưng còn đang tranh cãi gay gắt giữa những tập đoàn chuyên nghiên cứu áp dụng biến đổi gen sinh học với số đông người tiêu dùng lo ngại về rủi ro, mất an toàn của những sản phẩm biến đổi gen với sức khỏe, môi trường canh tác. Và hoảng hốt trước tốc độ khai thác tự nhiên, tàn phá môi trường sống để thu lợi nhuận.

Lo sợ sẽ tiến tới những thế hệ loài người yếu ớt, kém sức đề kháng, lệ thuộc vào máy móc và thuốc men, thậm chí biến thái khó lường… Người ta không hiểu vì sao xảy ra hàng loạt bệnh lạ. Vì sao những ngày này ở miền Bắc hơn 100 trẻ em chết bất thường vì bệnh sởi chỉ trong một đợt dịch, gấp tới 30 lần những đỉnh dịch của 10 năm trở lại đây?

Bài diễn từ của Marquez tại lễ nhận giải Nobel văn chương 1982 mang tên “Nỗi cô đơn của Mỹ Latinh”. Không chỉ châu Mỹ Latinh, mà còn là của cả hành tinh. Với Marquez, “thực tại đáng sợ” trong suốt lịch sử nhân loại này dường như chỉ là một thứ không tưởng. Ông tin rằng vẫn chưa quá muộn để dấn mình sáng tạo ra một thứ “không tưởng” mới ngược lại.

“Một thứ không tưởng mới toàn thắng của sự sống, nơi không còn ai có thể quyết định chuyện người khác chết ra sao, nơi tình yêu chứng tỏ là có thật và hạnh phúc là có thể, nơi mà những chủng tộc bị kết án trăm năm cô đơn rốt cuộc sẽ có và mãi mãi có một cơ hội thứ hai trên mặt đất này” (bản dịch của Nguyễn Trung Đức).

Liệu niềm tin đơn giản ấy có là không tưởng, khi con người không còn yêu thương và cần có nhau ?

MỚI - NÓNG