> Nhà văn Peru đoạt giải Nobel Văn học
Văn hào Gabriel Garcia Marquez. Ảnh: AP. |
Ngừng viết: khi chủ động và khi bị động
Một khi Marquez không thể tự nói về tình trạng của mình mà thông tin đến qua người em trai, Jaime Garcia Marquez, người tỏ thái độ rất bi quan, thì người ta hiểu rằng chuyện nghiêm trọng hơn những lần trước.
Gabriel Garcia Marquez là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ 20 còn sống, được đánh giá là “vĩ đại nhất từ sau Ernest Hemingway”, một trong hai con sư tử của nền văn học Mỹ Latin (cùng với Mario Vargas Llosa, kẻ thù của ông, Nobel văn học 2010). Marquez được Nobel năm 1982. Tác phẩm nổi tiếng: Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Ngài đại tá chờ thư, Mùa thu của trưởng lão… |
Trước đây, công chúng từng một lần hụt hẫng: Sau khi phần một hồi ký Sống để kể lại xuất bản năm 2005, tác giả đoạt giải Nobel tuyên bố sẽ ngừng viết. Nhưng năm 2007, người viết tiểu sử chính thức của Marquez là Gerald Martin cho biết ông vẫn viết, cuốn sách mới sẽ là phần hai Sống để kể lại. Chính Marquez năm 2009 khẳng định ông chưa gác bút nhưng cũng không tiết lộ bao giờ xuất bản sách mới.
Nếu như chính Marquez chủ động ngừng viết, thì chính ông cũng có thể chủ động cầm bút trở lại. Còn nếu chứng mất trí và tuổi già chặn đứng ngòi bút của ông, sẽ chẳng thứ gì thay đổi được.
Người em Jaime Marquez, trong một buổi nói chuyện với sinh viên ở Cartagena, Colombia, tiết lộ: “Ông ấy gặp vấn đề với trí nhớ. Đôi khi tôi đã khóc vì cảm giác đang mất đi người anh trai”. Lý do gây ra chứng mất trí là quá trình điều trị căn bệnh ung thư đã tiêu hủy nhiều tế bào thần kinh của Marquez.
“Cái chết không đến cùng tuổi già, nó đến cùng sự lãng quên”
Có lẽ nên dùng chính câu nói nổi tiếng trên của Marquez để nói về trường hợp của ông lúc này. Mất trí là căn bệnh di truyền trong gia đình ông, như thể lời nguyền trong Trăm năm cô đơn, dường như nhà văn đứng ở “đỉnh ngọn sóng” (chữ dùng của Gerald Martin) của văn học Mỹ Latin đã đoán trước rằng, chứng bệnh này rồi một ngày sẽ đến với ông.
Ông Jaime từng muốn giữ bí mật về tình trạng trí nhớ của người anh trứ danh, vì “đó là cuộc đời riêng của anh tôi và ông muốn bảo vệ nó”, nhưng không thể im lặng thêm nữa vì những lời đồn ác ý.
“Có nhiều tin đồn về ông, một số đúng sự thật nhưng lại bị thêm thắt nhiều chi tiết bệnh hoạn. Đôi khi tôi có cảm giác họ muốn anh tôi chết đi, đó sẽ là tin mừng đối với họ”.
Với tuyên bố này, số phận phần hai cuốn Sống để kể lại ngày càng mù mờ, bởi Jaime bi quan về khả năng cầm bút trở lại của Gabriel: “Tôi nghĩ rằng điều đó là không thể, nhưng tôi cũng hy vọng mình sai”.
Ở tuổi 85, Marquez hiện sống ở Mexico chứ không phải quê nhà Colombia. Tác phẩm mới nhất của ông là tiểu thuyết ngắn gây tranh cãi Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (2004) đã xuất bản tại Việt Nam.
Các báo hôm 7-7 dè dặt đưa tin Marquez bị mất trí. Riêng tờ Guardian (Anh) mạnh dạn giật tít: “Gabriel Garcia Marquez chấm hết sự nghiệp viết lách vì chứng mất trí”. Một cơn tiếc nuối bùng lên trong độc giả, được các mạng xã hội nhanh chóng truyền tải. Độc giả buồn, một số thất vọng, nhưng có lẽ phải một thời gian nữa họ mới cảm nhận hết sự thiếu vắng.
Khi cuốn sách duy nhất trong đời là sự cô đơn
Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của Marquez từng nhận phản hồi phức tạp từ giới phê bình, khen chê lẫn lộn. Tờ New York Times cho rằng cốt truyện tầm thường và kết thúc tầm thường- không xứng với tài năng phi thường của người viết ra nó.
Kể về một ông già tìm kiếm một đêm ân ái với cô bé trong trắng để kỷ niệm tuổi 90, cuốn sách từng bị gán mác “đồi bại, vô đạo đức”. Chuyện xảy ra ở Iran năm 2007. Cuốn sách bị cấm ở Iran sau khi phát hành 5.000 bản, sau đó bán rất chạy trên toàn thế giới.
“Vô đạo đức” là một sự hiểu lầm. “Quyền lực của sự cô đơn và sự cô đơn của quyền lực là chủ đề chính trong các tiểu thuyết, truyện ngắn và truyện vừa của tôi”- Marquez từng nói.
Đọc Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi bạn sẽ thấy nó không nói về thứ gì khác ngoài sự cô đơn, nặng nề hơn- cô đơn bởi tuổi già, nhất là khi nhân vật chính không có lấy một tình yêu thực sự trong 90 năm cuộc đời, được nhân vật kể lại bằng giọng văn thành thật và tự giễu.
“Mỗi nhà văn chỉ viết một cuốn sách” là một câu nói nổi tiếng khác của Marquez. Cuốn sách của cuộc đời ông chính là sự cô đơn.
“Tôi không bao giờ nghĩ đến tuổi tác như những giọt nước cứ lần lượt từ mái nhà rơi xuống để nhắc ta thời gian còn lại của cuộc đời mình”, nhà văn mô tả suy nghĩ của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết.
Lão nhà báo 90 tuổi này níu giữ ký ức về những người đàn bà, đều là gái điếm, trong cuộc đời, níu giữ cả tình yêu mơ hồ với cô gái điếm 14 tuổi mới quen, để biết mình vẫn sống.
Còn Marquez ngoài đời, 5 năm nữa mới bằng nhân vật của mình, những hồi ức lại đang tạm biệt ông ra đi, có lẽ là cả hồi ức về những cô gái điếm, bởi người ta cho rằng ông đã viết nên cuốn tiểu thuyết (có thể là cuối cùng) này từ trải nghiệm của chính mình.