Lo vỡ quỹ

Lo vỡ quỹ
TP - Mục tiêu của bảo hiểm xã hội (BHXH) là bảo hiểm dài hạn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ) khi về già. Theo dự báo của các chuyên gia, Quỹ bảo hiểm hưu trí có thể bị mất cân đối vào năm 2029, nhưng với thực trạng như hiện nay, có thể quỹ sẽ bị vỡ sớm hơn.

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam rất đáng báo động: Trong năm 2012, số đối tượng hưởng BHXH một lần là 601.020 người, tăng 26% so với năm 2011 và có xu hướng năm sau tăng so với năm trước.

Mức đóng BHXH như hiện nay, NLĐ đóng 20 năm chỉ đủ trả khoảng 7-8 năm lương hưu. Tuổi về hưu thấp - bình quân trên 53 tuổi (nam 55; nữ 51,5), trung bình NLĐ phải đóng BHXH 29 năm, nghĩa là quỹ lương hưu chi trả khoảng 10 năm. Trong khi đó, tuổi thọ bình quân ở nước ta hiện nay tăng nhanh (năm 2010 là 73 tuổi). Như vậy, rõ ràng bài toán quỹ lương hưu chỉ đủ trả được 10 năm, thiếu hẳn 10 năm, đồng nghĩa quỹ mất cân đối tới 50%.

Theo BHXH Việt Nam, trong năm 2000, có 34 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu và năm 2011 chỉ còn 9,9 người đóng/1 người hưởng và đang có xu hướng giảm tiếp. Đây là thực tế đáng báo động. Nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ vỡ quỹ hoàn toàn có thể xảy ra trước thời điểm năm 2029.


Thực tế trên cũng giống với một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Theo ILO, với các chính sách hiện hành, đến năm 2021, Quỹ BHXH của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả. Tuy nhiên, đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn, dẫn đến khả năng vỡ quỹ. Đến lúc đó, NLĐ sẽ không nhận được lương hưu. Tuy nhiên, cũng theo ILO, thực tế khả năng vỡ Quỹ BHXH tại Việt Nam có thể xảy ra sớm hơn dự đoán.

Trong lúc nhiều cơ quan liên quan cảnh báo về nguy cơ vỡ quỹ BHXH, tình tạng trốn đóng, nợ đọng BHXH vẫn tiếp diễn ở hầu hết các địa phương. Tổng số nợ BHXH năm 2013 là 4.700 tỷ đồng nhưng chỉ trong quý I/2014, đã lên đến hơn 11.000 tỷ đồng. Theo BHXH Việt Nam, hiện chỉ có 150.000 DN tham gia BHXH, trong khi cả nước có 300.000 DN đang hoạt động. Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, số người thuộc diện phải nộp BHXH bắt buộc vào khoảng 16 triệu người, nhưng chỉ có gần 11 triệu người đóng, làm cho số thất thu lên đến 56.000 tỷ đồng.

Trong khi tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH đang diễn ra tràn lan, hoạt động đầu tư, tăng trưởng Quỹ BHXH cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Hiện, nguồn quỹ này chủ yếu cho ngân sách Nhà nước vay và mua trái phiếu Chính phủ (chiếm 73,41%), trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước (thu được lãi suất cao hơn) chỉ chiếm 24,72%. Đó là chưa kể đến những khoản nợ “khó đòi” như khoản 1.000 tỷ đồng cho Cty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Agribank) vay nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được.

Muốn không vỡ quỹ, điều quan trọng là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, nhất thiết phải tăng thời gian đóng BHXH (kéo dài tuổi nghỉ hưu); xác định mức đóng - hưởng hợp lý; bảo tồn và phát triển Quỹ; mở rộng đối tượng tham gia BHXH và nhất thiết phải sớm thực hiện BHXH toàn dân.

MỚI - NÓNG