Lỡ U23 Việt Nam vô địch…Sea Games

Lỡ U23 Việt Nam vô địch…Sea Games
No dồn đói góp. Sau 3 trận đầu tấn công ào ào nhưng ghi bàn nhỏ giọt, đến trận gặp Brunei thì ta đã tiến hành xả lũ khi dội vào lưới đội bạn những 8 bàn.

Sau khi thua 4 trái đầu, đội bạn thay luôn thủ môn. Ai dè thủ môn mới thua tiếp 4 trái y chang. Nghe đâu cả 2 đều phải trị bệnh đau lưng vì… khum xuống nhặt bóng. Điều đó có nghĩ là bất chấp đội bạn có thay đổi thế nào, Việt Nam ta vẫn cứ nhè thẳng khung thành mà sút với sức mạnh vũ bão.

Khúc trên tui nói hơi quá. Thiệt ra là gặp Brunei thì đội nào muốn “vũ bão” mà chả được. Bởi vậy mà tui cảm thấy buồn cười (buồn nhiều hơn cười) khi mà ở thành phố Hồ Chí Minh, dân ta xuống đường đi bão khiến mấy anh công an phải trải qua một đêm vất vả cứ như ta vừa hạ Thái Lan hay… Tây Ban Nha không bằng.

Không biết mọi người thấy sao, chứ tui thấy cảnh xuống đường sau khi thắng Brunei sao mà tội quá, bèo quá, quê quá. Làm vậy chả khác nào ta hạ trình ta xuống thấp hơn… Brunei. Yếu thắng mạnh mới là bất ngờ, chứ mạnh thắng yếu thì có gì đáng nói. Một thằng nhóc 4 tuổi đánh một thằng 10 tuổi nằm thẳng cẳng thì còn có lý do về khoe: “ẹ ơi, on úc ằn ia ằm ột ống” (thằng nhóc 4 tuổi còn đang nói ngọng, dịch ra là “Mẹ ơi, con múc thằng kia nằm một đống”). Chứ cái thằng 10 tuổi mà cho thằng 4 tuổi “nằm một đống” thì chả ai khen, nhiều khi còn bị mang tiếng là ăn hiếp con nít.

Tui không nói Việt Nam giỏi “ăn hiếp con nít”. Sau 3 trận đầu có phần chệch choạc, chiến thắng trước Brunei thật sự đã mang lại niềm tin không chỉ cho các chân sút mà cho cả người hâm mộ. Nhưng cái gì cũng vừa vừa phải phải thôi. Thắng 1-0, 8-0 hay 36-0 thì cũng chỉ có 3 điểm. Sự sung sướng thái quá có thể làm cho người ta nhấc chân khỏi mặt đất. Tui không biết các tuyển thủ nghĩ sao khi hay tin dân mình xuống đường sau trận thắng Brunei. Tui đi trên đường, thằng Tây nó hỏi: “Ủa, tụi bây mới thắng Bờ Ra Xin hả”. Chả lẽ tui trả lời nó: “Ừa thì cũng thắng Bờ, nhưng mà là Bờ Ru Nây”. Thiệt quê. Nếu đã có người đề xuất luật nhà văn nhà thơ gì đó thì tui nghĩ cũng nên có “luật xuống đường” để tránh tình trạng “xuống đường bừa bãi”.

Nếu có một sự kiện nào đáng để xuống đường trong thời gian qua thì là chuyện Việt Nam bước đầu lọt vào 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Nhưng câu hỏi đặt ra: nếu lỡ Hạ Long lọt vào “Top 7” rồi thì họ sẽ làm gì? Liệu họ có phấn đấu để trở thành đỉnh cao của cái top 7 ấy, cơ hội nào sẽ mở ra cho du lịch, chúng ta sẽ cải thiện dịch vụ thế nào, bảo vệ nó ra sao… Có những cái là đích đến, nhưng có những cái chỉ là những trạm dừng chân trên đường. Giống như Đường Tăng thỉnh kinh thì đích đến là Tây Trúc, chứ không phải ăn trái nhân sâm ngon quá nên ở lại chuyển sang nghiên cứu ẩm thực hay thấy vương quốc nữ giới trù phú quá mà ở lại giúp họ mở mang bờ cõi. Nên nhớ Hạ Long vào “top 7” thực ra cũng chỉ là trạm dừng chân chứ chưa phải là cái đích. Đừng quên là Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị cảnh quan (1994) và Khoa học địa chất địa mạo (2000). Chúng ta đã tiến những bước gì sau những sự kiện ấy?

Từ Hạ Long, ngẫm đến chuyện SEA Games. Cứ cho như ta đã đè bẹp Brunei, chuyện gì sẽ xảy ra khi ta tiếp tục “làm gỏi” Lào và giành ngôi nhất bảng? Rồi ta “xử đẹp” một đội ở bảng kia rồi thắng nốt trận chung kết và đoạt chiếc Huy chương vàng mơ ước? Lại xuống đường ư? Lại đặt ra mục tiêu “Top 2 Đông Nam Á” ư? Trước giờ ta chỉ mong thắng Thái Lan, giờ thì Thái Lan đã chính thức bỏ cái ao làng để tập trung vào mục tiêu châu Á. Ngày xưa ta hay ví von mình với Thái là, “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng”. Giờ thì Lượng đã đi du học từ lâu, Du thì vẫn miệt mài thi chưa xong cái tú tài. Buồn ơi là sầu.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG