Khi tấm màn nhung Nhà hát Lớn mở ra, khán giả không khỏi trầm trồ trước bài trí sân khấu của đêm hòa nhạc Trăng hát. Vô vàn lớp cánh gà màu trắng được cách điệu thành những đường cong tựa đường nét của bầu đàn cello hoặc cũng có thể của người con gái. Giữa các khe có ánh trăng hắt lên. Hình chiếu trên màn hình LED thực sự là những bức tranh tiết chế, tinh tế biến ảo theo từng bài hát. Trang phục nhạc công thay vì đen truyền thống chuyển sang trắng, nền sân khấu cũng trắng. Mỗi giá nhạc và loa là đen. Bộ thiết kế sự kiện cũng được chăm sóc tận tình, xoay quanh chủ đề Trăng hát.
Dàn nhạc giao hưởng và nhạc sĩ phối khí hàng đầu, khách mời cũng là những đại diện nổi bật trong dòng nhạc của mình. Chỉnh thể chỉ còn chờ mảnh ghép quyết định là Phạm Thùy Dung... Dung bỏ ra hai tháng để tập với piano, với nhạc trưởng và dàn nhạc, luôn có huấn luyện viên thanh nhạc đi kèm. Cô vẫn duy trì việc học với nghệ sĩ opera tầm cỡ thế giới Lyubov Kazarnovskaya khi rảnh. Được biết phong độ của cô khi diễn còn tốt hơn tập…
Giờ giải lao của đêm nhạc được dành để tri ân tất cả các thầy cô giáo từng góp sức làm nên giọng hát Phạm Thùy Dung. Thế mới biết giọng hát này “tốn kém” cỡ nào. Các thầy cô thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Dung khi mới học và bây giờ giọng cô được nhà giáo nổi tiếng mực thước Hồ Mộ La đánh giá đã đạt tới độ đẹp, còn NSND Trung Kiên thì thực sự bất ngờ vì Dung hôm nay lên những nốt cao chói vói khác hẳn ngày xưa.
Có thể thấy ánh trăng đạt tới độ lấp lánh trong phần đầu dành cho thứ âm nhạc Dung được học trong trường. Dung chinh phục được những bài bản đòi hỏi kỹ thuật khá cao như trích đoạn Alleluja của W. Mozart hay Mein Herr Marquis của J.Strauss. Với kỹ thuật đang ở độ chín như vậy, Dung nên hát nhiều aria hơn- là đề xuất của “khán giả” NSND Trung Kiên. Tất nhiên nếu đúng chuẩn trường lớp, cô sẽ phải hát cùng dàn nhạc mà không có tăng âm. Nhưng như thế lại không phù hợp với phần sau của chương trình mang tính chất giao thoa. Hãy tưởng tượng Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh mà phải vận dụng kỹ thuật để hát không mic sẽ thế nào... Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã phối khí bài này một cách súc tích, rất chặt về nhịp. Để theo được bản phối này, Dung cũng không thể luyến láy ngâm ngợi theo kiểu hát truyền thống. Và cách luyến láy của Dung giờ đây cũng Tây hóa đáng kể. Rõ ràng cô đã thành công trong việc lột xác từ một thí sinh dân gian Sao Mai thành một giọng ca chuẩn thính phòng. Việc hát lại Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh giống như để tri ân quê hương.
Độc đạo là một bản phối thăng hoa và trau chuốt Trần Mạnh Hùng dành cho khách mời Tùng Dương. Nó làm khán giả phải nghĩ đến khả năng Tùng Dương trình diễn với dàn nhạc giao hưởng cả chương trình. Tất nhiên hơi khó cho Tùng Dương khi phải ép mình vào cổ điển giao thoa nhưng biết đâu đấy, với công nghệ xử lý âm thanh phát triển như bây giờ.
Một thực tế nhiều ca sĩ qua đào tạo trường lớp đều thấm thía là càng đi sâu vào kỹ thuật opera, càng khó trở lại hát kiểu dân gian Việt Nam. Dung cũng không phải ngoại lệ. Cô áp dụng kỹ thuật hát liền mạch (legato) không theo chuẩn “tròn vành rõ chữ” trong những bài Việt như Ở rừng nhớ anh (An Thuyên) nghe khá lạ tai nhưng cũng không đến nỗi chỏi, cũng có thể coi như một cách “đổi gió” cho người nghe. Phần cuối dành cho những sáng tác hiện đại đa phong cách (trong đó buộc phải có yếu tố thính phòng cổ điển) từ Phantom of the Opera của A.L.Webber tới Mỗi sớm mai lại thêm bình yên (Vũ Minh Tâm). Đây chính là con đường Dung theo đuổi và cô tiếp tục chứng tỏ lựa chọn của mình hoàn toàn có căn cứ.
Ở tuổi 30 đã có trong tay một ê-kip hoành tráng từ nghệ thuật tới tổ chức sản xuất và thành công trót lọt ngay từ lần ra mắt đầu tiên, có thể nói Dung đang viết những trang “có hậu” của câu chuyện cổ tích đời mình. Xuất thân nghèo khó giờ đây cũng thành một mảng màu tôn lên bức tranh toàn cảnh sáng tươi.