Linh thiêng mộ bia liệt nữ

Mộ liệt sỹ Võ Thị Sáu
Mộ liệt sỹ Võ Thị Sáu
TP - Liệt nữ, từ ấy là của một người, nói như thế nào nhỉ? Không phải là những đồng chí của nữ anh hùng Võ Thị Sáu mà ở bên kia chiến tuyến...

Côn Đảo muộn

Mộ liệt sỹ Võ Thị Sáu
Mộ liệt sỹ Võ Thị Sáu.

Từ liệt nữ ấy không phải là lời nói gió bay mà được khắc vào bia đá.

Mà tự tay người ấy dựng tấm bia tạc những dòng này:

Liệt nữ Võ Thị Sáu. Sinh năm 1933 tại Bà Rịa. Từ trần ngày 23-12-1952.

Người ấy là Tư Tăng, giám thị hay còn gọi là chúa ngục Côn Đảo.

Lần giở lại kho tư liệu của Côn Đảo tra trong danh sách các chúa ngục Côn Đảo từ năm 1955-1975, có 14 chúa ngục là người Việt cả thảy. Chỉ có mỗi một dòng vỏn vẹn: Trung tá quân đội Việt Nam cộng hòa Tăng Tư Tự Sao. Giám ngục Côn đảo 1964-1965. Chấm hết. Không có họ cùng tên đệm. Tăng Tư Tự Sao? Có thể hiểu ông này họ Tăng tên Tư và còn có tên nữa là Sao? Sơ suất khi ghi biên hồ sơ chăng?

Bỏ qua chi tiết nhầm lẫn sơ suất ấy? Chỉ biết đậm trong tâm trí lính và dân Côn Đảo một việc lạ gần như là huyền thoại thế này. Tiết Thanh Minh năm 1964, lối khoảng giờ Tý, giám ngục Côn Đảo, Tăng Tư cùng vợ và 3 người lính tâm phúc đã khênh tấm bia bằng đá trắng có ghi tạc những dòng trên đây đặt trên mộ người nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại nghĩa địa Hàng Dương.

Không phải chỉ đặt, theo sự hướng dẫn của viên chúa đảo, những người lính đã khơi một độ sâu vừa đủ để lấy chỗ cho chân bia. Viên chúa đảo thân dùng tay lấp đất chôn chân bia. Sau đó cả hai vợ chồng thắp nhang sì sụp khấn vái!

Du khách trước bia mộ
Du khách trước bia mộ.

Viên trung tá Quân đội Việt Nam Cộng hòa chúa ngục Côn Đảo ấy khấn gì vậy? Chẳng thể biết được! Lính tráng thuộc hạ không dám tò mò. Và Tư Tăng cũng khép miệng. Nhưng chắc Tư Tăng (sau này nguời ta kêu là Tư Tăng chứ không phải Tăng Tư?) phải có lời ở những nơi cần phải nói chứ? Có phải như Tư Tăng sau này đã phân trần ở những nơi cần phải nói đại loại mộ cô Sáu linh lắm. Vợ chồng tui làm vậy là để cầu cho Côn Sơn, cho binh sĩ và gia đình đóng trên đảo được an lành!

Chợt nhớ thêm, quyền uy của chúa đảo còn gọi là Tỉnh trưởng Côn Sơn không nhỏ! Dưới tỉnh trưởng có phó tỉnh trưởng phụ trách nội an, phó tỉnh trưởng là phụ tá hành chánh và văn phòng. Dưới nữa là 13 Ty, Ty công an cảnh sát, Ty thông tin, Ty bưu điện, Ty canh nông, thuế vụ...

Ở hầu hết các cấp của bộ máy này nhất là bộ máy nội an đều có cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ đạo. Mỗi lần tổ chức đàn áp người tù thì lực lượng công an cảnh sát trên đảo được tăng cường thêm cảnh sát dã chiến từ đất liền ra phối hợp!

Nhưng việc động trời đặt bia ở mộ Việt Cộng Võ Thị Sáu của Tư Tăng đã qua được hệ thống bộ máy phiền toái lẫn chết chóc ấy. Đến tận bây giờ vẫn chưa có tài liệu nào biên chép những diễn tiến sau việc làm ấy của Tư Tăng? Tỷ như sẽ có ai, cấp nào đó hạch hỏi tại sao lại ghi là liệt nữtừ trần trên tấm bia?

Trong nghĩa trang Hàng Dương
Trong nghĩa trang Hàng Dương.

Mộ cô Sáu linh lắm... Thẫn thờ ngồi giở lại chồng hồ sơ. Xã Phước Thọ, lần đầu được biết xã của Chị Sáu chứ trước nay chỉ biết là tên huyện Đất Đỏ thôi. Sau hơn một năm bị giam cầm tra tấn rồi lãnh án tử hình ở nhà lao Chí Hòa, chừng như bọn giặc không dám hành hình chị ở trong đất liền?

Đêm 21-1-1952 Võ Thị Sáu bị bí mật đưa xuống một chuyến tàu chở hàng Tết ra Côn Đảo. Hàng Tết là thứ dành cho binh lính cùng gia đình họ chứ tù nhân đâu được hưởng? Chị Sáu là nữ tử tù đầu tiên trẻ nhất bị đưa ra hành hình ở Côn Đảo.

Có vẻ như viên chúa ngục Côn Sơn nhớ lầm hoặc ghi chưa rõ lắm? 23 tháng 12 dương hay âm lịch? Số tù là G.267 Chị Sáu bị hành hình nhằm 28 Tết lúc 7 giờ sáng. Số thứ tự mộ là 195. Ngay đêm đó kíp thợ hồ khám 2, Banh 1 đã dựng tấm bia bằng xi măng lên mộ chị Sáu. Sáng hôm sau chúa ngục Jarky dẫn lính ra đập tan bia và san phẳng mộ. Nhưng ít ngày sau, như có phép lạ, mặc dù cắt cử việc canh gác cẩn thận nhưng mộ chị Sáu vẫn vồng lên vì có người bí mật đắp. Rồi tấm bia lại xuất hiện. Jarky không nản, vẫn xua lính cào bằng mộ lẫn đập bia! Nhưng tên chúa ngục một thời gian sau đã phải chùn tay.

Số là trong đám lính trực tiếp đi làm cái việc cào mộ và đập bia ấy có vợ con ngoài đảo, tự dưng có hai tên lăn ra bệnh. Thuốc thang chi cũng không khỏi. Vợ con họ lén mang nhang và trái cây lên mộ chị Sáu kêu cầu không hiểu sao bệnh dứt. Chuyện loang ra cùng với việc vợ con họ mang nhang lên tạ mộ Chị Sáu lan khắp đảo. Người ta nói từ đấy mộ chị Sáu cùng tấm bia không ai dám đụng tới nữa.

Mộ được vun cao dần lên. Những nắm đất, những viên đá của tù nhân đi làm về bí mật tranh thủ đắp. Nhưng thứ hoa tươi vài ba bữa lại có là do vợ con đám lính lại lén đặt lên mộ! Mộ cô Sáu linh lắm... Có phải vậy không mà nhiệm kỳ chúa ngục của Tư Tăng đã từng xảy ra một sự lạ như thế?

"Đến tận bây giờ vẫn chưa có tài liệu nào biên chép những diễn tiến sau việc làm ấy của Tư Tăng? Tỷ như sẽ có ai, cấp nào đó hạch hỏi tại sao lại ghi là liệt nữ là từ trần trên tấm bia? "

Chúa ngục thời Tây ác hơn chúa ngục thời Mỹ? Không biết trúng trúng trật trật tới đâu? Ngôi mộ chị Võ Thị Sáu và một số ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa địa Hàng Dương khang trang thì chưa phải nhưng được thường xuyên đắp điếm cẩn thận, có bia mộ lại thi thoảng có hoa tươi như một thứ tượng đài như một biểu tượng tinh thần trung kiên bất khuất của tù nhân Côn Đảo đã làm kẻ thù cay cú! Những năm đầu bảy mươi, các chiến dịch mang cái tên quái gở chiến dịch thanh trừng bia mộ cộng sản diễn ra tại nghĩa trang Hàng Dương này.

Cũng kỳ lạ, chúng chỉ đập một số bia mộ nhưng bia mộ chị Sáu thì không có tên nào dám rờ tới. Bị quan thầy quở trách nặng nề, dưới thời chúa ngục Nguyễn Văn Vệ, tiết thanh minh năm 1973, thanh minh thì thiên hạ nhang khói tảo mộ cầu an lành nhưng giám ngục Vệ quyết làm cái việc đập tan bia mộ chị Sáu! Quyết vậy, nhưng Vệ không dám hành sự mà sai đàn em.

Nhưng đàn em lại tìm cách lảng hoặc đùn đẩy. Thế nhưng, trong đám thuộc hạ có một ác ôn một hung thần tên là Sước. Sước là đứa tích cực nhất trong đám cảnh sát cai ngục chuyên hành hạ đánh đập tù nhân. Sước tuyên bố cộng sản sống còn chả ngán nữa là cộng sản... chết! Không thèm hành sự vào ban đêm mà giữa thanh thiên bạch nhật, Sước cùng đám thuộc hạ nốc đủ rượu để lấy khí thế rồi mỗi đứa thủ theo cái búa tạ lẫn xà beng. Đến nơi, đám thuộc hạ của Sước bất thần chồn chân ở cửa nghĩa địa Hàng Dương mặc cho Sước la hét chửi rủa... Rồi rốt cuộc chỉ mình Sước ra tay!

Không biết Sước đã ra tay đập phá những gì, có thể do quá chén hay lý do gì gì nữa, hơn một tiếng đồng hồ sau, đám thuộc hạ hớt hải khiêng thân hình mềm nhũn của Sước về. Người Sước lạnh ngắt mắt trợn ngược. Một bên ống chân toe toét máu do chính ngọn xà beng của Sước lụi vô...

... Như những khách du lịch đang nghiêm ngắn trước mộ chị Sáu tôi kính cẩn chia bó nhang thắp lên mộ chị Sáu và những ngôi mộ bên cạnh. Vừa chăm chú việc lễ, tôi vấn vít những chuyện không đầu cuối linh thiêng quanh ngôi mộ chị Sáu. Tự dưng ngón tay cứ miết miết trên lòng phiến đá trắng tấm bia mà vợ chồng chúa ngục Tư Tăng dựng năm 1964.

Săm soi thật kỹ, tịnh không hề có một vết gợn nào của việc chắp nối? Như vậy bia mộ chị Sáu ngày ấy đã không hề hấn gì trước sức quai búa tạ lẫn đòn xà beng của tên Sước ác ôn? Mà tấm bia này đâu có nhỏ? Mà mộ chị Sáu lại nhỉnh hơn các mộ kế bên? Sức mạnh, uy lực nào đã khiến ngọn xà beng vô tri làm cái việc phản đòn thế vậy? Một cảm giác lành lạnh khiến tôi rùng mình khi rời nghĩa trang Hàng Dương đang ngập nắng. Hơn 20 ngàn ngôi mộ bạt ngàn ở đây mà chỉ có 1.283 ngôi có bia mộ?

Nghe theo lời mách của một nhân viên bảo tàng Côn Đảo, tôi có ghé qua hai địa chỉ ở Sài Gòn để lần tìm nơi ở của Tăng Tư Tự Sao nhưng kiếm hoài không có thấy? Nghe đâu ông Tư Tăng không bỏ xứ mà đi như nhiều chúa ngục khác... Chả biết thực hư ra sao?

Còn tiếp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG