Lính hải quân duyên nợ với trẻ lang thang

Anh Hải dạy trẻ lang thang Ảnh: Q.M
Anh Hải dạy trẻ lang thang Ảnh: Q.M
TP - Anh Nguyễn Thiên Hải đã dành gần 15 năm để dìu dắt, chăm sóc những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh. Tuổi trẻ của anh gắn liền với cuộc đời của những đứa trẻ ở mái ấm Ánh Sáng ở thành phố HCM.

> Giúp trẻ lang thang, mồ côi

Cơ duyên với trẻ bất hạnh

Học xong cấp 3 ở một quê nghèo Hà Tĩnh, Nguyễn Thiên Hải khăn gói vào TPHCM. Vừa lúc đó, cả nước kêu gọi thanh niên nhập ngũ, Hải làm đơn xung phong đi bộ đội. Lúc đó, Hải mới 18 tuổi.

Những ngày đầu, đơn vị của Hải đóng ở cảng Cát Lái, sau đó chuyển về Bộ Tư lệnh Hải quân ở số 1A Tôn Đức Thắng (Quận 1). Khi có lệnh động viên chiến sỹ ra Trường Sa, Hải đăng ký ngay. Trường Sa những năm 1995, 1996 còn khó khăn.

“Mỗi lần thủy triều lên, đảo chìm mất hút trong lòng biển, nơi ở của anh em cán bộ chiến sỹ được dựng từ những tấm gỗ, tấm ván trôi dạt trên biển. Cuộc sống kham khổ nhưng anh em vẫn luôn động viên nhau vững vàng ý chí”, Hải tâm sự.

Năm 1998, Hải được đơn vị đưa về Nha Trang đào tạo sỹ quan. Rời quân ngũ lúc đang mang quân hàm thượng sỹ, Hải tiếp sự học còn dang dở. Để có tiền trang trải việc học và nuôi sống bản thân, Hải làm thợ xây.

Một lần, đội xây của Hải nhận thầu sơn quét, sửa chữa một căn nhà nhỏ nằm khuất trong con hẻm đường Trần Quang Diệu (Quận 3), Hải ngạc nhiên khi thấy nơi đó có nhiều trẻ em. Mỗi em một nghề, đứa đánh giày, đứa bán báo, đứa làm công nhân xí nghiệp...

Thấy anh chàng phụ hồ có vẻ thân thiện, lũ trẻ lân la làm quen, nói chuyện. Những niềm vui, nỗi buồn chúng đều kể cho anh. Một tháng trôi qua, đội xây cũng đến ngày bàn giao nhà.

Thế nhưng, Hải cảm thấy bản thân mình không thể nào rời bỏ ngôi nhà và những đứa trẻ. Thấy anh thợ hồ chân tình, yêu mến lũ trẻ, người quản lý mời anh ở lại.

“Từ một anh lính hải quân mình trở thành người phụ trách, coi sóc lũ trẻ. Hải ăn cùng với các em với khẩu phần 5 ngàn đồng/người/ngày.

Nhiều em giận cha mẹ, buồn chuyện gia đình mà bỏ nhà ra đi, tìm đến mái ấm này, Hải đều nhận vào ở rồi động viên các em.

Theo lời kể của Hải nhiều em ở Thanh Hóa, Nghệ An… bỏ nhà tìm đến đây. Mình cùng tâm sự để các em vơi bớt nỗi lòng. Từ những thông tin các em cung cấp, Hải viết thư về địa phương báo cho gia đình các em. Nhiều em sau khi nghe khuyên nhủ đã trở về nhà.

Với mong muốn giúp các em trở lại với gia đình, Hải cần mẫn thu thập từng thông tin nhỏ nhất về quá khứ của các em.

Dạy các em để giảm bớt “xù lông”

Sau 15 năm gắn bó với mái ấm Ánh Sáng, anh Hải đã có hơn 130 chuyến đi tìm lại quê nhà cho các em.

Nhiều em sau khi tìm được gia đình vẫn thường xuyên lui tới chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ ở mái ấm. Hằng ngày, anh Hải vẫn đi xin từng viên phấn, từng cuốn vở cho các em. “Mình vừa xin được 2 bộ máy vi tính ở điện máy Phong Vũ. Có internet, các em sẽ tiến bộ hơn rất nhiều”, anh Hải cười cho biết.

Mái ấm hiện giờ có 25 em, đều đã hơn 12 tuổi. Tầng trệt vừa là chỗ để xe, vừa là nơi tiếp khách. Bàn tiếp khách chỉ là cái bàn gỗ sơ sài với chi chít nét chữ nguệch ngoạc.

Căn bếp nhỏ do một người vú già tình nguyện nấu ăn cho lũ trẻ. Những em sau khi đã lớn, đều chủ động xin ra ngoài mướn phòng trọ, nhường chỗ lại cho những em nhỏ vào sau.

Không ít người thường có thái độ đề phòng, e dè, khi gặp những đứa trẻ đường phố, thậm chí còn tỏ ra lo sợ khi chúng cứ chèo kéo, quấn lấy trên đường.

Anh Hải tin rằng, các em dù thế nào đi nữa vẫn là những đứa trẻ. Và có chăng chúng chỉ khôn, lõi đời hơn tuổi mà thôi. Sau một ngày đi làm về, các em cùng học, cùng chơi, hồn nhiên và đáng yêu.

Tuy nhiên, gương mặt đó không xuất hiện trên đường phố. Chính đường phố đã khiến các em phải cố gắng thay đổi, xù lông. “Chúng nghĩ rằng, chúng phải thay đổi như vậy mới thích nghi được với cuộc sống”, anh Hải nói, giọng thoáng buồn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG