Bài báo của tờ Washington Post đánh dấu một sự thay đổi nhỏ trong giọng điệu của giới truyền thông Anh – Mỹ khi đề cập đến xung đột Ukraine. Trong bài báo, những người được phỏng vấn đã than thở về việc thiếu trang thiết bị, vũ khí và đường dây liên lạc kém.
Dakota - một cựu binh Thủy quân lục chiến Mỹ - đã đến Ukraine vài ngày sau khi Nga khai màn chiến dịch quân sự vào ngày 24/2. Dakota và một số chiến binh nước ngoài khác được cho là có nhiệm vụ hỗ trợ, huấn luyện quân đội Ukraine cách sử dụng tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất.
Đầu tháng 3, đơn vị của Dakota được điều động đến một thị trấn ở phía Tây Bắc Kiev – nơi thường xuyên hứng hỏa lực của Nga. Đơn vị được cung cấp tên lửa Javelin và các loại vũ khí chống tăng khác, nhưng theo Dakota, số tên lửa này không thể sử dụng được do thiếu một số bộ phận quan trọng.
Sau 2 đêm bị Nga pháo kích dữ dội, 8 trong số 12 chiến binh nước ngoài thuộc đơn vị của Dakota đã bỏ vị trí. Một cựu binh Thủy quân lục chiến của Mỹ khác đã tìm cách đập gãy súng bằng một tảng đá, trong khi một người phải đóng giả bị thương.
Dakota cuối cùng đã trở về nhà sau khi được chẩn đoán bị chấn thương não, có khả năng là do ở quá gần khu vực bị pháo kích.
Một cựu binh Mỹ khác, Dane Miller, không trực tiếp tham chiến ở Ukraine mà chỉ giúp đánh giá hồ sơ của các lính đánh thuê tiềm năng ở Ba Lan, tiết lộ với Washington Post rằng một số chiến binh đã đánh giá quá cao năng lực quân sự của bản thân.
Theo Miller, không phải tất cả những người muốn chiến đấu cho Ukraine đều có kinh nghiệm chiến trường, dù nhiều người là cựu chiến binh. Có những người mới chỉ tham gia một số hoạt động chống nổi dậy. Vì lí do này, Miller cuối cùng đã phải khuyên một số chiến binh không nên đến Ukraine.
Tờ báo của Mỹ cũng phỏng vấn một cựu binh Đức tên là Pascal. Pascal thuộc cùng đơn vị với Willy Joseph Cancel, 22 tuổi, cựu binh Thủy quân lục chiến Mỹ được cho là đã thiệt mạng ở vùng lân cận của thành phố Nikolayev, miền Nam Ukraine vào cuối tháng Tư.
Pascal cho biết các vấn đề đã xuất hiện ngay từ khi nhóm lính đánh thuê bắt đầu được triển khai. Đặc biệt, bộ đàm 2 chiều của lực lượng này dường như bị Nga theo dõi. Các chiến binh buộc phải sử dụng điện thoại di động và Whatsapp để liên lạc, vốn không an toàn trên chiến trường.
Cựu binh Đức nghi ngờ rằng sau khi các đồng đội chia sẻ kế hoạch tấn công thông qua các kênh liên lạc này, vị trí của họ sẽ bị lộ và Nga sẽ pháo kích.
Theo Pascal, các chiến binh nước ngoài cảm thấy mù thông tin, thậm chí thường không biết rõ họ đang ở đâu và vị trí của quân đội Nga ở đâu. Ngày Willy Joseph Cancel thiệt mạng, đơn vị của họ đã hứng hỏa lực từ một vị trí mà họ nghĩ là của quân đội Ukraine, Pascal tiết lộ. Tuy nhiên, Pascal không có thiết bị liên lạc vô tuyến để xác nhận thông tin này.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã không có cơ hội,” Pascal kết luận.
Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Cancel vẫn chưa được xác định, và thi thể cựu binh Mỹ này vẫn chưa được tìm thấy.
Ngay sau khi Nga khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine, các tình nguyện viên và lính đánh thuê nước ngoài đã đổ về quốc gia Đông Âu này để tham chiến. Một số chiến binh cuối cùng đã bị bắt.
Ba lính đánh thuê nghi từ Anh và Morocco bị Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) bắt giữ hiện có thể phải đối mặt với án tử hình, cơ quan công tố DPR cho biết hôm 28/5.