Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng lừa đảo ở Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết, các băng đảng tội phạm đã lôi kéo hàng trăm nghìn người ở Đông Nam Á tham gia những hoạt động lừa đảo trực tuyến bất hợp pháp, bao gồm lừa đảo yêu đương, đầu tư giả mạo và đánh bạc bất hợp pháp.
Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng lừa đảo ở Đông Nam Á ảnh 1

Cảnh sát Philippines đột kích một văn phòng lừa đảo Las Pinas, Philippines ngày 27/6.

Báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc dẫn “các nguồn đáng tin cậy” cho biết, ít nhất 120.000 người ở Myanmar và khoảng 100.000 người ở Campuchia “có thể bị giam giữ trong tình huống buộc họ phải thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến”.

Báo cáo làm sáng tỏ tình trạng lừa đảo tội phạm mạng đang trở thành vấn đề lớn ở châu Á, khi nhiều công nhân bị mắc kẹt trong tình trạng nô lệ và buộc phải tham gia vào các vụ lừa đảo nhằm lôi kéo nhiều nạn nhân khác qua mạng internet.

Theo báo cáo, Lào, Philippines và Thái Lan là những quốc gia đến hoặc quá cảnh chính của hàng chục nghìn người. Các băng nhóm tội phạm ngày càng nhắm vào người di cư và dụ dỗ một số nạn nhân bằng kiểu tuyển dụng lừa đảo.

Báo cáo nói rằng dù những hoạt động này diễn ra trên quy mô lớn, nhưng khó có thể ước tính tác động chính xác về mặt con người và doanh thu, vì những hoạt động đó diễn ra bí mật và có khoảng trống trong phản ứng của chính phủ, nhưng người ta tin rằng nó lên tới hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Một số nạn nhân bị tra tấn, trừng phạt tàn nhẫn, bị bạo lực tình dục và giam giữ tùy tiện cùng nhiều tội ác khác.

Bà Pia Oberoi, cố vấn cấp cao về di cư và nhân quyền của Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết có 2 nhóm nạn nhân: Những người bị lừa mất một số tiền lớn, có thể là tiền tiết kiệm cả đời của họ; và nhóm những người bị buôn bán, phải làm việc cho những kẻ lừa đảo.

Phát biểu với các phóng viên ở Geneva qua video từ Bangkok, bà Oberoi cho biết nhiều vụ lừa đảo bắt đầu từ đại dịch COVID-19, khi lệnh phong tỏa dẫn đến việc đóng cửa các sòng bạc vốn là một phần quan trọng của nền kinh tế dọc khu vực biên giới và ở Campuchia.

Tháng 6 năm nay, cảnh sát Philippines kết hợp với lực lượng biệt kích tiến hành một cuộc đột kích để giải cứu hơn 2.700 công dân từ Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Indonesia và hơn chục quốc gia khác. Họ bị buộc phải làm việc cho các trang web chơi game trực tuyến lừa đảo và các kiểu bịp bợm khác.

Theo AP
MỚI - NÓNG