Lên kịch bản xả lũ ứng phó bão số 9

TP - Khoảng chiều tối đến đêm nay (24/11) bão số 9 sẽ đổ bộ vào khu vực Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, gây mưa rất lớn cho các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ. Các địa phương phải di dân khỏi vùng nguy hiểm trước 12 giờ hôm nay, chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học; tính toán phương án xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cho hạ du.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khoảng 16 giờ ngày 24/11, bão số 9 cách đảo Phú Quý khoảng 300km, cách Nha Trang khoảng 290km, cách Phan Thiết khoảng 340km, cách Vũng Tàu khoảng 440km, với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Dự báo, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10-15km/h. Đến 16 giờ ngày 24/11, bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu, với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km.

Lên kịch bản xả lũ ứng phó bão số 9 ảnh 1

Dự báo đường đi của bão số 9 (theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc đi vào giữa khu vực Trường Sa và đất liền gần như bão di chuyển rất chậm. Lúc cách bờ khoảng 200 km, bão sẽ đạt cường độ lớn nhất là cấp 9-10, giật cấp 12. Do di chuyển chậm, nên khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận) sẽ bị ảnh hưởng của gió bão trên biển rất lớn, với cường độ khoảng cấp 9-10, giật cấp 12-13.

Dự báo, chiều tối tới đêm 24/11, bão số 9 sẽ đổ bộ vào bờ khu vực Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với cường độ cấp 7-8, giật cấp 10-11. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m. 

Về lượng mưa, ông Cường cảnh báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 23 đến 26/11, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt), Bắc Tây Nguyên và Nam bộ có mưa to (100-200mm/đợt). Trọng điểm mưa sẽ rơi vào ngày 24 và 25/11, với lượng mưa 200-300 mm/24 giờ.

Từ ngày 24-27/11, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Tây Nguyên khả năng ở mức báo động 1 đến báo động 2 (BĐ1 đến BĐ2) và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ rất lớn xảy lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các khu vực nói trên.

Xả lũ phải tính toán kỹ lưỡng

Đến 16h hôm qua 23/11, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, vẫn còn 1.520 tàu, với 9.618 ngư dân vẫn trong vùng nguy hiểm của bão (các tàu cá của Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM, Tiền Giang và Trà Vinh). Hiện các địa phương như  Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre đã có lệnh cấm biển. Khánh Hòa cũng cho học sinh nghỉ học từ 23 đến hết ngày 25/11 để ứng phó với bão. Theo đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đêm 23/11 sẽ bắn pháo hiệu, cảnh báo bão cho các tàu thuyền trên biển. 

Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy lợi, hiện ở các tỉnh Nam Trung bộ có trên 60 hồ đầy chứa đầy nước, còn lại đạt dung tích 40-80%; Tây Nguyên có trên 540 hồ đầy nước. Phần lớn các hồ vừa và nhỏ, làm bằng đập đất, nên với lượng mưa lớn cấp tập trong thời gian ngắn sẽ đầy nước rất nhanh, cần phải bố trí lực lượng để xử lý sự cố ngay giờ đầu.

Trước diễn biến mới của bão số 9, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai cho biết, việc di dời dân khỏi vùng nguy hiểm phải thực hiện xong trước 12 giờ ngày 24/11, đặc biệt là khu vực từ Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM.

Do lượng mưa được dự báo rất lớn ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, nên ông Hoài cũng đề nghị các đơn vị của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, phối hợp các đơn vị khoa học, tính toán kỹ lưỡng, lên kịch bản xả lũ cho các hồ chứa, nhằm đảm bảo an toàn cho hạ du.

Ngoài ra, các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở; xử lý kịp thời sự cố đối với tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Trước tình hình trên, sáng 24/11, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai sẽ dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu, còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng sẽ kiểm tra tại Ninh Thuận và Bình Thuận.

Trước diễn biến mới của bão số 9, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai cho biết, việc di dời dân khỏi vùng nguy hiểm phải thực hiện xong trước 12 giờ ngày 24/11, đặc biệt là khu vực từ Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM.

Do lượng mưa được dự báo rất lớn ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, nên ông Hoài cũng đề nghị các đơn vị của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, phối hợp các đơn vị khoa học, tính toán kỹ lưỡng, lên kịch bản xả lũ cho các hồ chứa, nhằm đảm bảo an toàn cho hạ du.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.