Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
05/09/2020 06:25
05/09/2020 06:40
Xúc động cảnh học sinh ngồi đất, dự lễ khai giảng sớm tại Đắk Nông
Sáng hôm qua 4/9, Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) đã tổ chức lễ khai giảng cho gần 70 học sinh tại phân hiệu tại cụm dân cư số 8, xã Đắk R’măng.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, ý nghĩa với sự tham gia của đông đảo phụ huynh học sinh và đại diện chính quyền địa phương.
Phân hiệu Trường tiểu học La Văn Cầu tại cụm dân cư số 8 cũng chính là công trình phòng học Khuyến học và Dân trí đầu tiên được xây dựng tại Tây Nguyên. Công trình được xây dựng, bàn giao từ tháng 5/2020, với 5 phòng học và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 4/9/2020.
Thầy Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu, trước ngày khai giảng, nhà trường đã phối hợp với các trưởng cụm vận động, thông báo cho phụ huynh đưa con đến điểm trường để làm lễ khai giảng.
“Đây là ước mơ gần 20 năm của người dân nên nghe tin, phụ huynh học sinh phấn khởi lắm. Sáng hôm nay, có lẽ khác với những buổi sáng khác, phụ huynh không đi rẫy mà đưa con đến trường.
Không có quần áo mới, không sách vở, cặp sách nhưng học sinh nào cũng rạng rỡ, vui mừng. Chúng tôi cũng rất hạnh phúc khi chứng kiến phụ huynh và học sinh đến đông đủ như thế này”, thầy Phong xúc động. (Theo Dương Phong- Dân Trí )
05/09/2020 06:49
Thầy cô cõng học trò qua suối chuẩn bị ngày khai giảng
Để học trò có mặt đầy đủ trong lễ khai giảng, các thầy cô giáo của huyện Mường Tè, Lai Châu phải đi đến từng nhà, vận động từng em quay trở lại điểm trường từ nhiều hôm trước đó.
Nếu như Mường Tè là huyện xa xôi nhất của tỉnh Lai Châu thì Pa Ủ là xã khó khăn nhất, nhì huyện này. Nơi đây vốn là xã biên giới, tất cả người dân địa phương là người dân tộc La Hủ.
Cô Bùi Minh Khuyên là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ đã được 13 năm. Dù không còn lạ lẫm với việc phải đến từng bản làng để đón học sinh, nhưng trước mỗi mùa khai giảng, việc này lại đem đến cho cô nhiều cảm xúc đặc biệt.
“Điểm chung của học trò nơi đây là sự khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, vận động ra sao, thuyết phục như thế nào để học trò bám lớp, bám trường luôn là một bài toán khó với giáo viên”.
Các thầy cô phải bỏ ra hàng giờ đồng hồ leo đồi núi hay vượt qua những dòng suối chảy xiết, những con đường đầy sỏi đá để đón học trò.
Để chuẩn bị ngày khải giảng, các thầy cô đã chuẩn bị kỹ càng từ cuối tháng 8, từ dọn dẹp lau chùi phòng học, bếp ăn đến giặt giũ chăn màn thơm tho.
Cô Khuyên cho biết ngày trở lại trường, học trò đều cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, bởi các em được thầy cô chuẩn bị đầy đủ sách vở, quần áo, giày dép.
Mỗi học sinh được phát 2 bộ quần áo ngắn và dài tay. Đến cuối buổi học, các em được hướng dẫn cách giặt giũ, giữ gìn quần áo luôn sạch sẽ.
Ngoài ra, để học trò yên tâm ở lại trường, thầy hiệu trưởng còn thuê nhân viên là người La Hủ có uy tín ở các bản Hà Xi, Pha Bu, Ứ Ma, Nhú Ma… để các em cảm thấy quen thuộc.
Mong ước một cây cầu
Cách đó hơn 30 km, các cô giáo của Trường Mầm non Tà Tổng (Mường Tè, Lai Châu) cũng tất bật đón học sinh của bản Nậm Dính quay trở lại trường.
Nậm Dính là một điểm trường lẻ của Trường Mầm non Tà Tổng với 70 học sinh. Để đưa các em trở lại trường, các cô giáo phải đến từng nhà đón và cõng các em qua suối.
Mùa cạn, việc đón học sinh không quá vất vả do các em lớn có thể tự đi. Nhưng khoảng thời gian tựu trường là mùa nước lũ tràn về, các cô phải theo sát từng bước để đảm bảo an toàn cho học trò.
Ước mơ của cô trò Trường Mầm non Tà Tổng là có một cây cầu bắc qua con suối của Nậm Dính, giúp học sinh dễ dàng tới lớp, tới trường. Bởi vì, các cô giáo ở đây cũng như cô Khuyên rút ra sau hơn mười năm dạy học ở mảnh đất vùng cao này là chỉ có giáo dục mới có thể đổi thay của học trò.
“Khi đến trường, các con biết tự lấy cơm ăn, thu rửa gọn gàng hay tự biết gội đầu, giặt quần áo qua sự hướng dẫn của thầy cô. Việc giữ gìn sự sạch sẽ, thơm tho khiến các con cảm thấy yêu và gắn bó với ngôi trường. Từ đó, tỉ lệ đi học chuyên cần cũng sẽ tăng lên, các con không còn vẻ nhút nhát của những cô bé, cậu bé tóc khét mùi nắng như ngày nào”. (Theo Trường Giang -Vietnamnet)
05/09/2020 07:18
Hơn 1,7 triệu học sinh TPHCM khai giảng năm học mới
Sáng ngày 5/9, hàng ngàn trường học tại TPHCM đã đồng loạt khai giảng năm học mới. Năm nay do bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nên Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu lễ khai giảng ngắn gọn (không quá 60 phút), ngoại trừ các em học sinh khối đầu cấp, các lớp còn lại chỉ cử 10- 20 em tham dự lễ.
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu, quận 12 ngay từ sáng sớm các phụ huynh đã đưa con đến trường. Phụ huynh chỉ được dẫn con đến cổng. Ngay từ cổng trường, các học sinh được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, thành phố hiện có 2.348 trường học với hơn 1,7 triệu học sinh và gần 81.000 giáo viên. Theo thống kê, năm học 2020 - 2021 thành phố sẽ tăng khoảng 55.000 học sinh, trong đó bậc Mầm non tăng 3.668 học sinh, Tiểu học tăng 8.989 học sinh, THCS tăng 27.950 học sinh và THPT tăng 14.038 học sinh.
Để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), Sở GD&ĐT TPHCM đã rà soát với 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 với 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học, tổng kinh phí hơn 69.929 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, đã đạt 288 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.
“Riêng năm 2020, TPHCM đưa vào sử dụng 90 dự án xây mới và cải tạo trường học với 1.371 phòng học mới, trong đó dự kiến đưa vào sử dụng vào ngày 5/9 là 73 dự án với 1.142 phòng học mới (tăng thêm 699 phòng học mới); từ sau ngày 5/9 đến cuối năm 2020 là 17 dự án với 229 phòng học mới (tăng thêm 169 phòng học mới)”, báo cáo của Sở GD&ĐT viết.
(Nguyễn Dũng)
05/09/2020 07:32
Hà Nội: Khai giảng trong nắng nhẹ
Sáng nay thời tiết tại Hà Nội khá thuận lợi, nắng nhẹ và có gió mát khiến học sinh khá dễ chịu đến trường khai giảng.
Tại Trường tiểu học- THCS- THPT Nguyễn Siêu, từ 6 giờ 30 sáng phụ huynh đưa con đến trường để dự lễ khai giảng đặc biệt năm học 2020-2021: Lễ khai giảng 4.0 kết hợp trực tiếp tại sân trường và trực tuyến lên các lớp học.
Học sinh trường Nguyễn Siêu hôm nay trong trang phục trắng tinh khôi, giày trắng, đội viên quàng khăn đỏ hân hoan tới trường. Trường Nguyễn Siêu siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19. Tất cả phụ huynh đưa con tới trường đều không được vào cổng.
Giáo viên đón con ở cổng và bố trí lực lượng đưa học sinh đến từng lớp học. Tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh đeo khẩu trang tới trường. Bố trí người phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện vào trường học.
Năm nay, vì lo sợ COVID-19, tránh tụ tập đông người, phụ huynh không được vào trường. Nhiều người cố nạn lại dõi theo, chụp ảnh con từ ngoài cánh cổng trường.
Mỗi học sinh đến dự lễ khai giảng được Trường Nguyễn Siêu khuyến khích chuẩn bị một món quà tặng các bạn vùng cao. Đại diện trường cho biết, đơn vị đang thực hiện dự án "Xây con đường em đến trường" cho học sinh Mù Căng Chải (Yên Bái) và tặng quà hỗ trợ học sinh tại những bản làng nghèo vùng cao khác.
Trường tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thông báo phụ huynh đưa con đến trường 7 giờ sáng với quần áo đồng phục và cờ hoa cầm tay . Học sinh khối 1 và đại diện mỗi lớp khối 2,3,4,5 mỗi lớp chọn 10 em xuống sân dự lễ khai giảng. Số học sinh còn lại dự lễ khai giảng tại lớp học. Sau lễ khai giảng, học sinh được lên lớp học giờ học tiên về cách phòng, chống dịch COVID-19.
Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa ưu tiên học sinh lớp 1, lớp 5 dự lễ khai giảng dưới cờ ở sân trường, học sinh từ khối 2 đến 4 dự lễ trong lớp học. Trước đó, trường này cũng tổ chức lễ đón học sinh lớp 1 ngắn gọn để học sinh nhận lớp; các phòng học được sơn mới, trang bị lại hệ thống đèn điện; vệ sinh trường lớp, treo khẩu hiệu chào mừng năm học mới. Trong khi các trường có diện tích sân trường rộng như Trường tiểu học Đại Từ (Hoàng Mai); Tiểu học Trung Yên (Cầu Giấy)…cho 100% học sinh xuống sân dự lễ khai giảng.
Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh ở 2 cơ sở khác nhau lại có hình thức khai giảng khác nhau, một nơi sân trường đủ rộng, học sinh toàn trường được khai giảng tập trung dưới sân trường và 1 nơi chỉ tổ chức trong lớp học. Lễ khai giảng trong lớp học, học sinh cũng được chào cờ, hát quốc ca, nghe giáo viên chủ nhiệm đọc thư Tổng bí thư, Chủ tịch nước, thông điệp của nhà trường gửi học sinh.
Điểm đặc biệt, trường này tặng áo cờ đỏ, sao vàng cho 100% học sinh toàn trường. Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cho biết, việc tặng áo cờ đỏ sao vàng trở thành truyền thống của trường và áo sẽ được học sinh mặc trong ngày thứ 2 hàng tuần để thực hiện nghi lễ chào cờ.
Tất cả các trường đều được phun khử khuẩn, chuẩn bị đặc biệt phòng y tế với số lượng thuốc cơ bản, giường và cả phòng cách ly dự phòng.(Nguyễn Hà)
05/09/2020 07:49
Đà Nẵng khai giảng trực tuyến
Do dịch bệnh COVID – 19, năm nay, Đà Nẵng khai giảng trực tuyến. Hàng nghìn học sinh Đà Nẵng sẽ dự khai giảng trực tuyến với chương trình Tọa đàm “Đà Nẵng - Chào năm học mới”. Các trường cũng sẽ làm các clip giới thiệu về trường đăng lên website, fanpage, zalo... để các em theo dõi.
Chương trình Tọa đàm “Đà Nẵng - Chào năm học mới” được phát sóng vào lúc 7h sáng ngày 5/9 trên kênh DanangTV1 và DanangTV2 (Đài PT-TH Đà Nẵng), phát lại vào lúc 15 giờ chiều cùng ngày trên các kênh trên.
Nội dung buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề: phản ánh công tác triển khai năm học mới 2020-2021 tại các trường học, địa phương trên địa bàn thành phố; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; của phụ phụ huynh và học sinh thành phố trong năm học mới; thông tin về công tác chuẩn bị cho năm học mới và truyền tải thông điệp của lãnh đạo thành phố gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và phụ huynh, học sinh thành phố.
Tại trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng), từ 6h sáng, khoảng 20 thầy cô giáo đã có mặt để dự lễ khai giảng năm học mới trực tuyến qua truyền hình. Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường, trường cũng đã thông báo đến toàn thể phụ huynh, học sinh để theo dõi chương trình khai giảng trực tuyến “Đến 7h30, trường sẽ phát video giới thiệu về trường, giới thiệu về chủ nhiệm các lớp... để các em, đặc biệt là học sinh lớp 1 có thể nắm được”, cô Nguyệt cho hay.
Theo cô Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng giáo dục quận Hải Châu, sau lễ khai giảng, các trường trên địa bàn sẽ triển khai năm học mới bằng việc dạy học trực tuyến. “Chúng tôi đã lên kế hoạch dạy học trực tuyến dự kiến trong 2 tuần, sau đó, tùy tình hình dịch bệnh để tiếp tục triển khai năm học 2020 – 2021. Đối với những em không có điều kiện tiếp cận internet, các trường sẽ phát tài liệu đến tận nhà để hướng dẫn các em ôn tập”, cô Hà nói. (Giang Thanh-Nguyễn Thành)
Chùm ảnh khai giảng tại Đà Nẵng:
05/09/2020 07:57
Quảng Nam: Học sinh đeo khẩu trang, ngồi giãn cách trong lễ khai giảng
Sáng nay, cùng với học sinh cả nước, hàng nghìn học sinh Quảng Nam bước vào năm học mới.
Năm học 2020-2021, tỉnh Quảng Nam có 799 trường (giảm 4 trường so với cuối năm học 2019-2020) với tổng số 356.763 học sinh.
Tại Quảng Nam còn 4 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 gồm TP Hội An, thị xã Điện Bàn và các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc.
Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch, buổi lễ khai giảng tại các trường ở 6 địa phương trên được tổ chức với quy mô hẹp, gọn nhẹ. Học sinh các lớp đầu cấp (1, 6, 10) tham dự lễ khai giảng trực tiếp, các khối lớp còn lại cử đại diện.
Lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) diễn ra lúc 7h sáng nay 5/9. Tại buổi lễ các em học sinh cùng thầy cô thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trường cũng không tập trung đủ học sinh các khối lớp mà chỉ đại diện học sinh khối lớp 10. Buổi lễ khai giảng diễn ra trong không khí vui tươi, đảm bảo công tác an toàn trong mùa dịch. (Hoài Văn)
05/09/2020 08:08
Hà Tĩnh: Đảm bảo an toàn trong ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Sáng nay (5/9), 668 trường học ở Hà Tĩnh tổ chức khai giảng năm học mới 2020 - 2021. Công tác phòng dịch được thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo an toàn trong ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Tại trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đóng tại huyện Hương Khê năm nay có 247 em tham gia lễ khai giảng.
Trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh được xem là trường “đặc biệt” ở Hà Tĩnh khi có 11 anh em dân tộc gồm: dân tộc Chứt, Lào, Mường, Mán, Tày, Thái.......học tập tại đây.
Bắt đầu từ 7h30’ sáng, các học sinh đã tập trung đến tại sân trường để tham dự đầy đủ.
Thầy Đặng Bá Hải, Hiệu phó trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho hay, năm nay do tình hình diễn biến phức tạp của dịch, để thực hiện hướng dẫn chỉ có phần lễ không có phần hội, chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Ngoài ra học sinh phải đeo khẩu trang đầy đủ. Đến 8h, buổi lễ khai giảng kết thúc. (Hoài Nam)
05/09/2020 08:12
Một tiết mục văn nghệ của học sinh trường Nguyễn Siêu chào mừng năm học mới. Clip Nguyễn Hà
05/09/2020 08:17
Trường Nam Trung Yên siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19. Tất cả phụ huynh đưa con tới trường đều không được vào cổng.
Giáo viên đón con ở cổng và bố trí lực lượng đo thân nhiệt, đưa học sinh đến từng lớp học. Tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh đeo khẩu trang tới trường. Đúng 7h30 lễ khai giảng năm học mới bắt đầu. (ĐỖ HỢP)
05/09/2020 08:26
Sáng nay, gần 400 nghìn học sinh Nam Định dự lễ khai giảng
Lễ khai giảng năm học mới luôn là một ngày trọng đại với người dân vùng "đất học" Nam Định.
Từ gần 6 giờ sáng, vợ chồng anh Phạm Văn Tuân (38 tuổi, trú tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) đã sẵn sàng quần áo tề chỉnh để đưa con gái là cháu Phạm Ngọc Minh Phương đến khai giảng tại trường tiểu học Phạm Hồng Thái, ngôi trường chất lượng cao của thành phố thủ phủ "đất học".
Tại trường tiểu Phạm Hồng Thái, cô giáo hiệu trưởng Vũ Thị Vân cho biết năm nay nhà trường có trên 700 học sinh, trong đó có hơn 140 học sinh bước vào lớp 1. "Các công tác chuẩn bị đón học sinh đều đã hoàn thành, đặc biệt là việc phòng chống dịch COVID-19. Trường đã tổ chức phun khử khuẩn 3 lần. Sáng nay, tất cả giáo viên, học sinh đến trường đều phải đo nhiệt độ, rửa tay bằng nước sát khuẩn. Cũng do dịch COVID-19 nên lễ khai giảnh rút gọn, chỉ diễn ra trong 45 phút với các nội dung chính, trong đó tập trung vào việc đón các cháu học sinh lớp 1", hiệu trưởng Vũ Thị Vân thông tin.
Tương tự, tại trường tiểu học Trần Quốc Toản và các trường THCS, THPT tại Nam Định đều thực hiện khai giảng trong 45 phút. Giáo viên, học sinh dến trường đều phải đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5m.
Đại diện Sở GD-ĐT Nam Định cho biết, năm nay tỉnh này có gần 400 nghìn học sinh các cấp, trong đó có 34.600 học sinh vào lớp 1 sẽ dự lễ khai giảng năm học mới diễn ra vào sáng 5/9. Hầu hết các trường đều bắt đầu lễ khai giảnh lúc 7 giờ 30 với thời gian khai giảnh là 45 phút.(Hoàng Long)
05/09/2020 08:29
Nghệ An: Năm học 2020-2021, toàn tỉnh Nghệ An có 1.532 trường học, trong đó có 548 trường mầm non, 495 trường tiểu học, 399 trường THCS và 90 THPT.
Tổng số học sinh ở các bậc học là 841.528 học sinh, tăng gần 30.000 học sinh so với kế hoạch phê duyệt trong năm học trước. Ngày 5/9, giáo viên, học sinh toàn tỉnh này đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chỉ đạo các trường tổ chức buổi lễ ngắn gọn nhưng trọn vẹn niềm vui. (Cảnh Huệ)
05/09/2020 08:31
Gần 400.000 học sinh Thái Bình dự lễ khai giảng
Sáng 5/9, tại Thái Bình, gần 400.000 học sinh của 739 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, GDTX đã tổ chức Lễ khai giảnh năm học mới 2020-2021.
Các trường đều thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình về việc tổ chức khai giảng không quá 60 phút và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đảm bảo khoảng cách an toàn. Một số trường học do điều kiện diện tích chật chội hoác có lý do đã phải tổ chức khai giảng trực tuyến.
Lúc 8 giờ sáng nay, 5/9, hầu hết các trường đều hoàn thành việc tổ chức Lễ khai giảnh và nổi trống bước vào năm học mới. (Hoàng Long)
Học sinh trường THPT chuyên Thái Bình tham dự Lễ khai giảng năm học 2020-2021
05/09/2020 08:37
HÀ NỘI: Ngay từ sáng sớm, học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên đã đến trường đông đủ để tham dự buổi lễ khai giảng đặc biệt trong năm học mới 2020- 2021.
Tham dự lễ khai giảng có sự góp mặt đồng chí Nguyễn Văn Sửu, phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội, đồng chí Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận uỷ quận Hoàn Kiếm, đồng chí Phạm Tuấn Long, phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm.
Lễ khai giảng trường THCS Ngô Sĩ Liên đồng thời gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và đại hội đại biểu thành phố Hà Nội lần thứ XVII.
05/09/2020 08:41
05/09/2020 08:44
05/09/2020 08:54
Bí thư Hà Nội- Vương Đình Huệ dự khai giảng trường THCS Giảng Võ,Quận Ba Đình,Hà Nội
Tới dự lễ khai giảng cùng hơn 3.600 học sinh Trường Trung học cơ sở Giảng Võ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Cùng dự có: Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng; Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến; Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình Tạ Nam Chiến...
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ Tô Thị Hải Yến cho biết: Năm học 2019 - 2020 đã khép lại với những dấu ấn khó quên, những kết quả tốt đẹp trên nhiều mặt. Vượt qua và khắc phục hiệu quả những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ do dịch bệnh, hoạt động dạy và học của thầy trò nhà trường từng bước tiệm cận và thực hiện thành công các tiêu chí: Đổi mới, sáng tạo; chủ động thích ứng.
Ý thức làm việc tận tụy, trách nhiệm; tấm lòng bao dung, từ ái của các thầy cô giáo; ý thức học tập tự giác, tinh thần hứng khởi vui vẻ, mến bạn, yêu trường của các con học sinh; sự tin tưởng và tinh thần hợp tác tích cực của các vị phụ huynh và nhân dân trong khu vực không chỉ là sự khích lệ mà còn là lời khẳng định cho một hướng đi đúng; là động lực mạnh mẽ để tập thể nhà trường không ngừng cố gắng vươn lên.
Năm học mới đã bắt đầu. Thay mặt cho Hội đồng giáo dục nhà trường, cô giáo Tô Thị Hải Yến đã nêu lên thông điệp của năm học 2020 - 2021. Theo đó, thông điệp năm học mới với các mục tiêu giáo dục: Học sinh an toàn, phụ huynh an tâm, giáo viên an vui.
Để phòng dịch Covid-19, lễ khai giảng năm nay Trường Trung học cơ sở Giảng Võ có 2 khối 6 và 9 tham dự trực tiếp dưới sân trường, các học sinh ngồi gian cách, 2 khối 7 và 8 khai giảng trên lớp. Tất cả các đại biểu, học sinh đều đeo khẩu trang. Nhà trường cũng đã thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn tay từ cổng trường. (Như Ý)
05/09/2020 08:58
Ninh Bình đón trên 19 nghìn học sinh lớp 1 tới trường
Sáng nay, 5/9, trừ trường THPT chuyên Lương Văn Tuỵ đã tổ chức Lễ khai giảng sớm vào chiều 4/9, hơn 220 nghìn học sinh các cấp tại Ninh Bình đồng loạt tham dự buổi lễ bước vào năm học mới. Trong đó, các trường tiểu học Ninh Bình sẽ chào đón trên 19 nghìn học sinh của 600 lớp 1 bắt đầu cắp sách tới trường.
Trước lễ khai giảng, toàn bộ các trường học đã hoàn thành việc dọn vệ sinh, phun khử khuẩn và các biện pháp chống dịch. Ninh Bình cũng rà soát, sửa chữa 209 phòng học và 115 phòng chuyên môn xuống cấp nhẹ, niêm phong để xây mới, niêm phong không sử dụng 10 phòng học và 34 phòng chuyên môn bị xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn cho việc dạy và học để tiến hành xây mới hoặc sửa chữa lớn.
Lễ khai giảng năm học 2020-2021 tại Ninh Bình đều diễn ra trong vòng 45 phút. Các trường đều tập trung học sinh ở sân trường để thực hiện 2 nghi lễ chính là đón học sinh đầu cấp và đánh trống khai trường rồi đưa học sinh vào lớp để hướng dẫn các em các chương trình, nội dung của năm học mới. (Hoàng Long)
Ảnh: Lễ khai giảng tại trường THPT chuyên Lương Văn Tuỵ
05/09/2020 09:06
Khai giảng giãn cách tại trường Liên cấp THCS – TH Vietschool Pandora
Trước yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục, Nhà trường đã lên kế hoạch chi tiết và tổ chức chương trình ngắn gọn, chỉ trong 45 phút nhưng vẫn đầy đủ các nghi lễ trang trọng, ấm cúng.
Ngay từ đầu giờ sáng, cô Vũ Hồng Loan (Hiệu trưởng Nhà trường) đã đứng tại cổng trường, vẫy tay chào các em học sinh, cùng các em đón chờ thời khắc thiêng liêng đầu năm học mới.
Do có không gian rộng nên toàn bộ học sinh Vietschool vẫn tham gia buổi lễ trực tiếp dưới sân trường và bố trí ngồi giãn cách. Khi đến trường, học sinh đã được rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ ngay từ cổng và di chuyển lên lớp cất cặp sách và ra sân dự buổi lễ. Học sinh khối 1 được giáo viên chủ nhiệm đón từ cổng và hướng dẫn các em ngồi đúng lớp của mình. Riêng năm nay, các em lớp 1 không diễu hành như mọi năm mà ngồi tại chỗ, vẫy tay, hô khẩu hiệu khi được giới thiệu từng lớp.
Chương trình diễn ra trong không khí ấm áp với nghi lễ chào cờ quen thuộc. Hiệu trưởng Nhà trường đã đọc bức thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp khai giảng năm học 2020-2021 và đánh tiếng trống đầu tiên, báo hiệu khởi đầu tốt đẹp.
Trước đó, Nhà trường đã tiến hành vệ sinh và phun khử khuẩn toàn bộ trường, lớp, xe bus, các phòng học chức năng, nhà bếp, khu vui chơi…nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho các em. Học sinh đến trường bằng xe bus của Nhà trường đều được đeo khẩu trang đầy đủ và bố trí chỗ ngồi giãn cách. Tại các phòng học, công tác đón học sinh, trang trí lớp học chào mừng các con đã được giáo viên chuẩn bị chu đáo. (Nghiêm Huê)
05/09/2020 09:09
HẢI PHÒNG: Sáng nay (5/9), các điểm trường tại Hải Phòng tổ chức khai giảng năm học mới cho các em học sinh.
Trao đổi với Tiền Phong, cô Nguyễn Thị Kim Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cho biết, khai giảng năm nay được tiến hành khác so với những năm trước do bối cảnh dịch bệnh.
Với tiêu chí chuẩn bị một lễ khai giảng vui tươi, phấn khởi mà vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho các con, nhà trường năm nay ưu tiên các cháu khối lớp 1 đến dự. Đối với các khối lớp khác chỉ cử đại diện tới tham gia để đảm bảo giãn cách.
Trước khi lễ khai giảng diễn ra, nhà trường đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ sân trường, phòng học, tổng vệ sinh bàn ghế, tủ sách. Ảnh và ghi nhận: Phương Linh
05/09/2020 09:15
05/09/2020 09:23
Bộ trường Phùng Xuân Nhạ chung vui cùng thầy trò trong ngày khai giảng
Sáng nay (5/9), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến dự khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Đan Phượng và Trường tiểu học Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội).
Tại Trường tiểu học Đan Phượng, cùng dự có ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; lãnh đạo huyện Đan Phượng, xã Đan Phượng; các thầy cô giáo và 1.234 học sinh Trường tiểu học Đan Phượng, trong đó có 248 học sinh lớp 1.
Cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đan Phượng cho hay, kết thúc năm học 2019-2020, các chỉ tiêu nhiệm vụ của nhà trường đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt là chất lượng mũi nhọn môn Tiếng Anh. Đồng thời, duy trì và giữ vững các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia mức độ 2, là điểm đến thăm quan của nhiều đơn vị bạn. Tập thể trường được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. (Nguồn Báo GD&TĐ)
05/09/2020 09:33
Gần 250 ngàn học sinh Cần Thơ tưng bừng chào năm học mới
Ghi nhận của phóng viên tại trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Sáng nay, thời tiết tại TP Cần Thơ rất mát mẻ, không mưa. Từ lúc 6h sáng, đã có rất nhiều phụ huynh đưa con em đến trường để dự lễ khai giảng.
Trong khi các anh chị lớp 2 – 5 thì hào hứng vì được gặp lại bạn cũ thì những em học sinh lớp 1 lại vô cùng bỡ ngỡ, níu lấy tay cha mẹ rụt rè bước vào ngôi trường mới.
Lễ khai giảng diễn ra vô cùng trang trọng, với các nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cùng nhiều tiết mục văn nghệ rộn ràng của các em học sinh.
Trong năm học này, toàn TP Cần Thơ đón hơn 249 ngàn học sinh. Trong đó, có 7,9 ngàn trẻ nhà trẻ; 42,4 ngàn trẻ mẫu giáo; 97,5 ngàn học sinh tiểu học, 70 ngàn học sinh THCS, 32 ngàn học sinh THPT.
Năm nay, lễ khai giảng diễn ra trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Do đó, trước khi đón chào năm học mới, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch, với tiêu chí thiết thực, hiệu quả và an toàn.
Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh như: Nơi rửa tay, nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, phòng y tế, có đủ cơ số thuốc và thiết bị y tế thiết yếu… chuẩn bị tốt cho buổi lễ khai giảng năm học mới. (Kim Hà)
05/09/2020 09:44
Thư gửi học sinh trường Lương Thế Vinh
Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của các em ở trường Lương Thế Vinh. Các em rồi sẽ đón những khai giảng tiếp theo của trường Lương nhưng khai giảng này vẫn là đặc biệt nhất – khai giảng của năm học có dịch covid 19, khai giảng trong lớp học, không có trống giong cờ mở, bóng bay... những nghi thức quen thuộc của lễ khai giảng thường niên.
Thế nhưng, cả trường vẫn chào đón các em bằng tình cảm chân thành và sự quan tâm đối với lớp em út của trường.
Hôm nay, được mặc bộ đồng phục đặc biệt in hình chiếc lá Mobius, em đã trở thành một thành viên trong đại gia đình Lương Thế Vinh – Ngôi trường mà các em đã lựa chọn, ước ao. Chúc mừng các em!
Trở thành học sinh Lương Thế Vinh, em đã biết những gì về trường mình để yêu thương, gắn bó hơn?
Các em có biết: Bằng tình yêu thương học trò và trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, thày Văn Như Cương đã sáng lập và gây dựng trường Lương Thế Vinh – một trong những trường phổ thông dân lập đầu tiên ở Việt Nam.
Là một Phó giáo sư, Tiến sĩ toán học, dạy ở trường Đại học sư phạm Hà Nội, là người từng có đề thi hay được chọn trong kì thi toán quốc tế... nhưng thày Văn Như Cương lại chọn con đường mở trường để giúp các thày cô giáo và học sinh có một môi trường giáo dục trong lành với phương châm “Dạy thật, học thật”.
Thày yêu học trò như con cháu và học trò trường Lương cũng rất kính yêu, thần tượng thày Văn Như Cương. Hình ảnh thày Cương râu tóc bạc trắng, nụ cười hiền giữa đám học trò tíu tít vây quanh trở nên quen thuộc ở trường Lương chúng ta, là biểu tượng của tình thày trò gần gũi mà thiêng liêng.Thày quan tâm giáo dục học sinh về mọi mặt: từ kiến thức đến ứng xử xã hội.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày khai giảng, thày lại có một bài nói chuyện sâu sắc súc tích với học sinh trường Lương về một vấn đề giáo dục nóng hổi. Những lời dạy của thày đã lan tỏa, được xã hội ca ngợi, đồng tình.Thày dạy học trò: “ Có chí thì nên”và “Tự học là phương pháp tốt nhất để phát huy trí tuệ, để nắm vững kiến thức và linh hoạt áp dụng”.
Thày còn lo cho tương lai của trò khi trưởng thành nên nhắc nhở trò phải sống tốt, sống có ích: “ Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kĩ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiêp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc...nhưng trước hết phải là những người tử tế.”
Hiểu rõ vai trò của gia đình trong việc giáo dục, thày cũng khuyên phụ huynh: “Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó.” (Nguyễn Hà)
05/09/2020 10:40
Đồng Nai: Lễ khai giảng trong 30 phút
Hôm nay 5/9, trên 750 ngàn học sinh các cấp học của tỉnh Đồng Nai chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Khác với mọi năm học trước, trên tinh thần chung tỉnh Đồng Nai và ngành giáo dục đã đề ra, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 không được tổ chức quy mô, đầy đủ như mọi năm nhưng được chuẩn bị chu đáo nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và giữ được sự trang trọng và ý nghĩa của ngày khai giảng.
Theo đó, các trường học tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ; học sinh, giáo viên, dại biểu dự lễ khai giảng mang khẩu trang, thục hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Mỗi trường chỉ có các lớp đầu cấp và đại diện học sinh các cấp dự lễ khai giảng. Tại nhiều trường, lễ khai giảng được ghi nhận chỉ diễn ra trong 30 phút.
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang, cho biết các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo cho lễ khai giảng theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Theo đó, các trường chỉ tổ chức khai giảng cho học sinh đầu cấp. Từ đại biểu đến học sinh đều được bố trí chỗ ngồi giãn cách nhau từ 1m.
Những trường hợp là cán bộ, giáo viên và học sinh đi từ vùng dịch trở về chưa đủ 14 ngày đều không được tham dự khai giảng. Những học sinh đầu cấp được dự khai giảng nhưng nếu có biểu hiện ho, sốt thì có thể ở nhà theo dõi. Lễ khai giảng năm nay, lãnh đạo tỉnh không đến tham dự tại các trường.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh CCOVID -19, ngành GD-ĐT đã quán triệt và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và triển khai thực hiện tốt các giải pháp dạy và học phù hợp với điều kiện thực tế. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đợt 1/2020 tỉnh Đồng Nai đạt 99,55% và hệ giáo dục thường xuyên đạt 90,17%. Đây là kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nhất từ trước đến nay ở tỉnh này. (Mạnh Thắng)
05/09/2020 10:45
Học sinh Cà Mau 'lướt sóng, đội mưa' tới trường
Đúng 7 giờ 30 ngày 5/9, Sở GD- ĐT Cà Mau cho biết, có 238.150 học sinh mầm non, tiểu học, THCS và THPT vào năm học mới tại 514 đơn vị trường học trên địa bàn Cà Mau.
Chương trình khai giảng ngắn gọn, xúc tích và thiết thực với sự có mặt của lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đến các điểm trường.
Trước đó, các nhà sách, cửa hàng bán trang thiết bị học tập nhộn nhịp, không xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa, dụng cụ học sinh.
Do dịch Covid-19, các bậc cha mẹ học sinh chuẩn bị sách vở, dụng cụ và khẩn trang y tế cho học sinh đến trường.
Sở GD- ĐT Cà Mau chỉ đạo các đơn vị trường học rà soát, lập danh sách cán bộ quản lý, giáo viên, học viên, học sinh đi về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với trường hợp F0, F1, F2 để theo dõi, xử lý kịp thời, tuyệt đối không để dịch bệnh xảy ra trong trường học.
Ông Phạm Hoàng Gan, Chánh Văn phòng Sở GD- ĐT Cà Mau cho biết, trong điều kiện dịch còn đang phức tạp, các trường học phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phòng chống dịch như: yêu cầu học sinh đi khai giảng phải đeo khẩu trang, trường chuẩn bị bồn, nước rửa tay...
Trong ngày khai giảng, tùy theo điều kiện từng trường, những trường học sinh quá đông thì cho học sinh đầu cấp dự đầy đủ, các lớp khác cử đại diện dự, đảm bảo giữ khoảng cách 1 mét để đảm bảo phòng chống dịch.
Từ sáng sớm, các cha mẹ học sinh đã đưa con em mình đến dự lễ khai giảng. Tại Trường Tiểu học Tân Hưng 3 (Cái Nước, Cà Mau) long trọng khai giảng năm học mới với sự xúc động, tin yêu lễ đón học sinh lớp 1 vào trường. (Nguyên Hương)
05/09/2020 10:48
Sóc Trăng khai giảng gọn nhẹ, trang trọng
Sáng 5/9, tất cả học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã chính thức bước vào năm học mới 2020-2021 trong không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng gọn nhẹ nhưng vẫn trang trọng, phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID -19 đang diễn biến phức tạp.
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, khai giảng năm nay ở Sóc Trăng diễn ra gọn nhẹ nhưng vẫn trang trọng, vui tươi và bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh.
Tại lễ khai giảng, lãnh đạo các địa phương đã đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với lời thăm hỏi thân chân tình, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh trên cả nước. Chuẩn bị lễ khai giảng, thầy trò đều dành những bộ quần áo đẹp nhất để đến trường.
Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 484 trường công lập từ bậc mầm non tới THPT, với 1.014 điểm trường. Chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021, bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh và của các địa phương đã đầu tư hơn 567 tỷ đồng để xây mới 545 phòng học, sửa chữa nâng cấp 365 phòng học, sửa chữa hàng rào, sân trường, nhà xe, nhà vệ sinh… mua sắm 3.674 bộ bàn ghế, 613 bộ máy vi tính và trang thiết bị dạy học, SGK…
Đặc biệt, trong ngày khai trường, nhiều tổ chức, cá nhân đã dành những phần quà ấm áp dành cho các em học sinh đạt thành tích cao trong học tập, những em có hoàn cảnh khó khăn như: xe đạp, sách giáo khoa, học bổng 20 triệu đồng vào quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo hiếu học; cùng nhiều phần quà khác để động viên các em trong năm học mới. (Xuân Lương)
05/09/2020 10:55
Khai giảng ngắn gọn, hơn 246 nghìn học sinh TT-Huế bước vào năm học mới
Tại tất cả các trường từ mầm non đến THPT, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, trong điều kiện vừa tựu trường, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Trong ngày tựu trường, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phải tổ chức khai báo y tế trên hệ thống điện tử; các trường tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, học sinh, phụ huynh học sinh cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Một điều đáng chú ý khác, tất cả các trường tại TT-Huế đều không tổ chức diễu hành khi đón học sinh đầu cấp, không thả bong bóng bay, không tập trung học sinh để luyện tập trước ngày khai giảng.
Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở, thì tất cả phải tuân thủ không đến trường tham dự khai giảng; cha mẹ học sinh không đưa con vào trong trường học, không tụ tập đông người phía ngoài cổng trường.
Tỉnh Đoàn TT-Huế tặng quà cho Trường Tiểu học Hương Sơn, Nam Đông.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế, do liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, không ít phụ huynh vẫn còn ngại đưa học sinh đến trường trong thời điểm này.
Ngành giáo dục TT-Huế và các trường học đã chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và bồi dưỡng nguồn nhân lực để bước vào năm học mới, với quyết tâm dạy tốt, học tốt, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. (Ngọc Văn)
Hôm nay, tất cả các trường học trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới cho gần 18 triệu học sinh phổ thông và gần 5,4 triệu trẻ bậc mầm non. Do một số địa phương vẫn có dịch COVID-19, nên lễ khai giảng được rút gọn (dưới 45 phút), nhiều trường tổ chức ngay trong lớp học, không diễu hành, không bóng bay và đeo khẩu trang. Có trường cho 100% học sinh dự lễ khai giảng ở sân trường, nhưng cũng có trường chỉ ưu tiên học sinh đầu cấp, cuối cấp.
Hà Nội: Tất cả trường học sẽ khai giảng trực tiếp trong 45 phút
Sở GD&ĐT Hà Nội đã hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2020 - 2021. Theo đó, tất cả trường học sẽ khai giảng trực tiếp trong 45 phút, không thả bóng bay, không diễu hành đón học sinh đầu cấp.
TPHCM: Học sinh sẽ khai giảng trong lớp, chỉ tối đa 60 phút
Sở GD&ĐT TP cũng xin ý kiến thường trực UBND TPHCM về chương trình lễ khai giảng với tinh thần ngắn gọn, diễn ra trong khoảng 60 phút với các hoạt động văn nghệ chào mừng, nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, tuyên bố lý do - giới thiệu đại biểu, đọc thư của Chủ tịch Nước, diễn văn khai giảng của hiệu trưởng...
Văn bản cũng nêu rõ: "Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, đại biểu có biểu hiện ho, sốt, khó thở không đến trường tham dự khai giảng; cha mẹ học sinh, phụ huynh không đưa con vào trong trường học, không tụ tập đông người phía ngoài cổng trường".
Quảng Ngãi: Có khối chỉ cử lớp trưởng, lớp phó dự lễ khai giảng
Tất cả các trường học tổ chức lễ khai giảng vào buổi sáng 5/9, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Toàn tỉnh sẽ tổ chức lễ khai giảng với các nghi thức đón học sinh đầu cấp, trong lễ chào cờ hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch Nước, thông qua nhiệm vụ trọng tâm năm học, không phát biểu, không báo cáo thành tích.
Vì tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các trường học tại tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai giảng cho 100% học sinh đầu cấp. Các khối còn lại chỉ cử lớp trưởng, lớp phó dự lễ khai giảng.
Quảng Nam: Khai giảng sau 5/9
Theo khung chương trình năm học của tỉnh Quảng Nam, học sinh sẽ tựu trường từ 1/9 và tổ chức lễ khai giảng vào 5/9. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ưu tiên của ngành Giáo dục Quảng Nam là đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Do đó, lễ khai giảng có thể lùi lại hoặc không tổ chức.
Hiện tại, Quảng Nam còn 4 huyện đang thực hiện giãn cách xã hội. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Quảng Nam không tổ chức khai giảng trong ngày 5/9 vì đây là hoạt động tập trung đông học sinh. Lễ khai giảng có thể lùi lại, tổ chức sau một, hai tuần nếu dịch được kiểm soát. Nếu hết tháng 9 dịch bệnh vẫn phức tạp, rất có thể lễ khai giảng sẽ không được tổ chức.
Những địa phương thực hiện giãn cách xã hội sẽ học trực tuyến
Những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình.
Đó là một trong những nội dung trong Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành.
Căn cứ các yêu cầu trên và tình hình thực tiễn của các địa phương, của ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ thị toàn ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 giải pháp cơ bản trong năm học 2020-2021.
Riêng đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.
Hải Dương: Bậc tiểu học chỉ học 1 buổi/ ngày, không học thêm, dạy thêm
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT có văn bản số 1216 ngày 3 tháng 9 về thực hiện chương trình giáo dục sau khai giảng.
Theo đó, đối với bậc mầm non, tổ chức cho trẻ ăn bán trú, đón, trả trẻ theo đúng quy định phòng chống dịch Vovid-19.
Tạm thời chưa chưa tổ chức các hoạt động giáo dục năng khiếu, cho trẻ làm quen với Tiếng Anh Đối với bậc Tiểu học: thực hiện học 1 buổi/ ngày, tạm thời chưa tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, ngoại khóa, học Tiếng Amh với người nước ngoài. Đối với các cấp học khác, chỉ tổ chức hoạt động giảng dạy chính khóa và bồi dưỡng học sinh giỏi. Tạm dừng tổ chức học thêm, dạy thêm.
Đổi mới, đảm bảo chất lượng giáo dục
Theo Bộ GD&ĐT, mục tiêu xuyên suốt trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Nhiệm vụ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT trong cả nước phải đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Trong năm học 2020-2021 cần hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức triển khai thực hiện Đề án sau khi ban hành.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn là nhiệm vụ cốt lõi.
Bên cạnh quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, ngành Giáo dục tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, Chỉ thị yêu cầu, tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1.
Cũng trong năm học này, tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình; tiếp tục triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đồng thời, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tinh giản nội dung dạy học; đẩy mạnh giáo dục STEM trong bậc phổ thông; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm học 2020-2021 cũng chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động giáo dục và trải nghiệm; tăng cường an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Chỉ thị cũng đặt ra nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GDĐT, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển phương thức GDĐT trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng; phát triển kho học liệu số toàn ngành; triển khai hiệu quả hệ thống quản lý học tập qua mạng để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý theo phương thức thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường.
9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu bao gồm:
1-Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT trong cả nước;
2-Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; 3-Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên;
4-Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo;
5-Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GDĐT;
6-Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục; 7-Hội nhập quốc tế trong GDĐT;
8-Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT;
9-Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
05 nhóm giải pháp cơ bản là:
1-Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GDĐT;
2-Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GDĐT;
3-Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐT;
4-Tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục;
5-Đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐT.