Sau thời gian nỗ lực vận động cộng đồng quốc tế, với sự ủng hộ tuyệt đối của Chính Phủ, Thực hành tín ngường thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên, UNESCO vinh danh Người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu.
Ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, cũng là một người rất ủng hộ vở diễn Tứ Phủ nói riêng cũng như quá trình đệ trình hồ sơ Đạo Mẫu lên UNESCO.
GS Ngô Đức Thịnh, “pho từ điển sống” về Đạo Mẫu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cũng bày tỏ niềm hạnh phúc trước sự kiện trọng đại của văn hóa Việt.
Với tư cách là Giám đốc sáng tạo của Viet Theatre và vở diễn Tứ Phủ, Đạo diễn Việt Tú là người gắn bó và có nhiều tâm huyết trong việc đưa tín ngưỡng Đạo Mẫu của Việt Nam ra với cộng đồng quốc tế.
Buổi lễ chào mừng có phần trình diễn Cô Bé Thượng Ngàn, trích từ vở diễn Tứ Phủ của tập thể nhạc công, nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam, những người đã góp một phần không nhỏ trong việc gìn giữ, phát huy những vẻ đẹp, sự trong sáng thuần khiết nhất của Thực hành nghi lễ thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trên sân khấu nghệ thuật.
Cùng với phần trình diễn này là các tiết mục trình diễn hầu đồng đặc sắc của các nghệ nhân dân gian như nghệ nhân dân gian Đặng Ngọc Anh, Nguyễn Kim Loan, Đỗ Thị Vui, Nguyễn Đại Dương, Trần Thị Chung, Nguyễn Văn Mười, Dương Thị Phương Đông.
Việc hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại một mặt góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại, mặt khác sẽ làm cho cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc thêm về di sản của mình để họ tự hào và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Ảnh: Quang Minh