Hoàng thành Thăng Long cuối tuần này là nơi tái hiện không khí mùa thu lịch sử cách nay 65 năm. Trước hết mùa thu lịch sử hiện lên trong phần trưng bày Hà Nội mùa thu năm ấy. Hơn 200 hình ảnh tư liệu tiêu biểu, trưng bày kể lại câu chuyện lịch sử về Hà Nội. Đó là Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Pháp, từ thời điểm toàn quốc kháng chiến, trải qua chín năm chiến đấu để có được giờ phút lịch sử đoàn quân chiến thắng về lại tiếp quản thủ đô.
Ba chủ đề trong trưng bày Hà Nội mùa thu năm ấy: Ra đi giữ trọn lời thề, Tiếp quản thủ đô và lễ chào cờ chiến thắng ngày 10/10, Xây dựng cuộc sống mới. Trung tâm Bảo tồn Thăng Long giới thiệu một số hiện vật lịch sử: Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên do Bác Hồ trao tặng ông Vũ Huy Hậu khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiếc áo trấn thủ dùng tránh rét cho chiến sĩ, ra đời từ phong trào Mùa đông binh sĩ. Áo dài Hà Nội mô phỏng mẫu áo năm xưa các cô gái Hà Nội mặc trong ngày vui đón đoàn quân chiến thắng.
Một phần được mong chờ trong Ký ức mùa thu là lễ chào cờ lịch sử tại sân Đoan Môn. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức lễ rước ảnh tưởng niệm của các nhân chứng lịch sử và gia đình nhân chứng, chương trình văn nghệ Khúc tráng ca giữa mùa thu lịch sử và lễ chào cờ.
Sau lễ chào cờ, người tham dự gặp gỡ và giao lưu với một số nhân chứng ôn lại thời khắc lịch sử năm xưa, trong đó có Trung tướng Trần Quang Khánh (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng), Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng (nguyên Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục an ninh, Bộ Công an), Trung úy Nguyễn Văn Tròn (nguyên chiến sỹ tiểu đoàn 79, Trung đoàn thủ đô, Đại đoàn 308), nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà sử học Lê Văn Lan. Ông Dương Trung Quốc cũng giới thiệu cuốn sách ảnh do ông chủ biên-Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về.
Ở khu vực trưng bày, những người thực hiện trưng bày giải thích chủ đề Ra đi giữ trọn lời thề xuất phát từ những lời thề của chiến sĩ năm xưa thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh: “Khi buộc phải rút khỏi Hà Nội, nhiều người lấy gạch, lấy than viết lên tường: Hẹn ngày trở lại, Hà Nội ơi chúng tôi xa nhớ Hà Nội lắm, hẹn có ngày chiến thắng trở về”.
“Chúng tôi đi chiến đấu thì nhớ Hà Nội lắm và thường hát bài Ngày về. Hồi đó chúng tôi đóng quân ở Định Hóa, Thái Nguyên, còn lấy tre nứa lá làm thành hình tháp rùa ở giữa một khu ruộng để ngắm cho đỡ nhớ”, ông Đặng Văn Tích, 87 tuổi, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô kể. Trong ký ức ông Lê Ngọc Canh, 87 tuổi, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, khi có lệnh rút quân khỏi Hà Nội, mọi người đều không muốn đi, nên đêm rút quân đã khóc.
Những ngày thu Hà Nội năm 1954 được tái hiện sống động qua loạt hình ảnh tư liệu chọn lọc. Đó là hình ảnh cánh quân phía Tây xuất phát từ cung Quần Ngựa vào 8h sáng 10/10 do anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu, đưa đoàn qua Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang và vào Thành cổ Hà Nội vào 9h45 phút bằng Cửa Đông. Đoàn Cơ giới và pháo binh cùng chỉ huy tiếp quản Hà Nội do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ, Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu vào Thành cổ bằng Cửa Bắc.
Lễ chào cờ vào 15h chiều 10/10/1954 do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức tại khu vực Cột Cờ. Đại tá Vũ Kiếm, chiến sĩ tham dự lễ chào cờ năm xưa kể: “Lúc này đội ngũ đại diện cho các đơn vị đã đứng nghiêm chỉnh chuẩn bị làm lễ chào cờ, chúng tôi là những đơn vị cuối cùng, tôi là người đứng thấp ở cuối hàng quân”.
Lễ chào cờ còn được ghi lại trong những dòng hồi ký của Trung tướng Vương Thừa Vũ. Ông kể lại cảm xúc được đọc thư Hồ Chủ tịch trong lễ chào cờ lịch sử. “Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng, Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm… Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút, vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô”, tướng Vương Thừa Vũ viết.
Toàn cảnh lễ chào cờ tại sân Cột Cờ: Phía trước là lực lượng bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô, Trung đoàn 57, phía sau là lực lượng cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp nghiêm chỉnh.