Ngành Y tế thủ đô:

Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ

Ngành Y tế Hà Nội có nhiều đổi mới trong công tác phục vụ người bệnh.
Ngành Y tế Hà Nội có nhiều đổi mới trong công tác phục vụ người bệnh.
TP - Ngoài việc đầu tư nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh, tạo diện mạo mới tại các cơ sở y tế, ngành Y tế Hà Nội chủ động đào tạo cán bộ, nâng cao ý thức phục vụ với mục tiêu cao nhất là làm cho người bệnh hài lòng từ khi bước chân vào cổng bệnh viện.

4.000 tỷ đồng tạo diện mạo mới cho các cơ sở y tế

 Trong 5 năm qua (2010 - 2015), ngành Y tế Hà Nội đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước diễn biến rất phức tạp. Dân số đông (khoảng 7 triệu người), tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Địa hình đan xen giữa thành thị, nông thôn và có cả khu vực miền núi nên mô hình bệnh tật tại Hà Nội đa dạng và phong phú. Ngành Y tế Thủ đô còn gặp khó bởi một số nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Thiếu nguồn lực, máy móc, dẫn đến hạn chế trong khả năng xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh; Giá thu dịch vụ mới chỉ tính một phần chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh; Nhân viên y tế tại một số nơi chưa thực sự hết lòng, làm giảm lòng tin của người dân…

 Vượt qua những khó khăn, những cán bộ y tế Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Về công tác phòng chống dịch bệnh, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã được triển khai đồng bộ từ tuyến thành phố đến cơ sở giúp phát hiện sớm ca bệnh truyền nhiễm, không để xảy ra dịch bệnh.

Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến rõ nét, số lần khám bệnh bình quân đạt 2 lần/người/năm. Hệ thống khám chữa bệnh của ngành y tế hiện có 41 bệnh viện công lập đa khoa và chuyên khoa, 29 bệnh viện ngoài công lập, 52 phòng khám đa khoa thuộc các TTYT, 584 trạm y tế xã, phường.

Thành phố đã quan tâm, đầu tư nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh với nguồn vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, tạo diện mạo mới tại các cơ sở y tế: Đưa vào sử dụng Bệnh viện đa khoa huyện Gia Lâm quy mô 150 giường bệnh; Nâng cấp, mở rộng Bệnh viện đa khoa Đức Giang với quy mô 500 giường bệnh; Khởi công xây mới Bệnh viện Nhi Hà Nội với quy mô 500 giường… Công tác thu hút đầu tư nguồn vốn xã hội hóa cũng được đặc biệt quan tâm. Tại các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa thành phố đã có 52 đề án, thu hút gần 300 tỷ đồng đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực trang thiết bị y tế hiện đại.

Đổi mới hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội đề xuất một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục thực hiện tốt việc chủ động ngăn ngừa, giám sát các dịch bệnh. Không ngừng nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, phát triển kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với đó là đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, phấn đấu xây dựng 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình xây mới bệnh viện như: Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2…

Là cơ sở đầu tiên của ngành Y tế Thủ đô phát động phong trào hưởng ứng và ký cam kết thực hiện: “Đổi mới phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, Bệnh viện Xanh Pôn tập trung vào ba vấn đề chính là cải cách thủ tục hành chính, giao tiếp và truyền thông. Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, một mặt, bệnh viện cải cách, rút gọn quy trình khám chữa bệnh, đưa tin học hóa vào khoa khám bệnh. Cùng lúc, chúng tôi yêu cầu tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện phải ký cam kết trước trưởng khoa. Các trưởng khoa phải ký cam kết trước Giám đốc bệnh viện về việc thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết thêm, không chỉ tập trung vào các giải pháp cải cách hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục trong khám, chữa bệnh mà yêu cầu đặt ra đối với toàn ngành là phải nghiêm túc thực hiện 12 điều y đức, nâng cao kỹ năng giao tiếp. Cán bộ y tế phải đón tiếp, hướng dẫn và chăm sóc chu đáo cho người bệnh ngay từ khi bước chân vào bệnh viện. Đổi mới toàn diện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, với tiêu chí: “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.