Lấy lại niềm tin cho tục 'Kéo vợ'

Các thành viên chính của AHD.
Các thành viên chính của AHD.
TP - Dự án “Kéo không méo” đã tìm ra hình thức diễn đàn mới để cộng đồng nhìn nhận đúng hơn về tục kéo vợ của người Mông.

Ngày nay, ít thanh niên người Mông nắm được luật tục hôn nhân của dòng tộc. Nhiều bạn trẻ thực hiện tục “kéo vợ” vô ý thức, càng dẫn đến hiểu sai căn bản về hôn nhân và giá trị hôn nhân của người Mông.

“Tết Mông xuống phố 2018” là dự án năm thứ ba liên tiếp do nhóm AHD (Action for Hmong Development) - Hành động vì sự phát triển của cộng đồng người Mông phối hợp với Ban liên lạc sinh viên mông Hà Nội tổ chức. Kịch tương tác về chủ đề kéo/cướp vợ là điểm nhấn hấp dẫn của chuỗi hoạt động sự kiện.

Tìm kiếm qua google, khái niệm và hình ảnh tục kéo/cướp vợ của người Mông đa phần được khắc họa tiêu cực, bạo lực. Theo anh Khang A Tủa, đại diện nhóm AHD, dự án kỳ vọng “kéo” không bị méo cả về ý nghĩa lẫn hình thức thực hành. Nhiều cô gái bị xộc xệch, tả tơi khi bị kéo. Người kéo, người bị kéo và dư luận chỉ nhìn bề nổi của hành động này.

Lấy lại niềm tin cho tục 'Kéo vợ' ảnh 1 Các sinh viên người Mông đang tập kịch tương tác “Kéo không méo”. Ảnh: Lan Hương.

Bị kéo và được kéo

Theo Hỷ ca (luật tục hôn nhân qua bài hát), người  Mông chấp nhận hôn nhân qua ba hình thức: Các đôi trai gái chủ động tìm hiểu nhau, đồng ý lấy nhau rồi tự nguyện cưới hỏi; Bố mẹ sắp đặt hôn sự cho con cái, thông qua đặt cưới rồi mới đến hỏi khi con cái đã lớn; Các chàng trai không có cơ hội lấy vợ theo hai cách trên (nhà nghèo, mồ côi...) sẽ được phép kéo một cô gái về nhưng người con gái này phải đang không trong mối quan hệ với bất cứ chàng trai nào khác (được hiểu là cô gái đã có người yêu chính thức bằng việc ra mắt hai gia đình. Sau khi kéo về, nhà trai có trách nhiệm giữ danh dự cho cô gái và nhà gái, rồi tổ chức ăn hỏi, cưới xin, với điều kiện nhà gái đồng ý.

Cô gái được (hoặc bị) kéo phải ở nhà chàng trai ba ngày. Dù đồng ý hay không thì hết ba ngày cô cũng được trả về nhà. Gia đình nhà trai mang theo một lễ nhỏ để tạ lỗi và thưa chuyện với nhà gái. Nếu cô gái và nhà gái không đồng ý thì họ không nhận lễ của nhà trai. Cô gái trở thành người tự do và còn nguyên danh dự. Tuy nhiên có nhiều nhà gái do ham của cải đã nhờ họ hàng nài ép con gái cưới dù cô không hề muốn. Không ít cô gái lấy người không yêu sau hai năm mới thấy hối hận thì đã muộn.

Trong một lần đi phỏng vấn nghiên cứu, Khang A Tủa gặp một cụ bà gần 90 tuổi ở Mù Cang Chải. Cụ tâm sự “bà cảm thấy đời mình chấm dứt từ cái ngày bị kéo ấy. Điều bà thấy đau không vì việc lấy phải người chồng tệ mà là vì những người bà thân thiết, tin tưởng nhất đã dồn bà đến cuộc hôn nhân bất hạnh đó”. Người kéo và người bị kéo ở đây không quan trọng, gia đình nhà gái mới là “bạo lực”.

Kéo vợ còn là một cách phản đối hôn nhân áp đặt của bố mẹ. Cặp đôi yêu nhau không được sự ủng hộ của gia đình thì “kéo vợ” là giải pháp nhân văn cho người có hoàn cảnh éo le vẫn lấy được người mình muốn. Ngoài ra các cô gái càng được kéo nhiều lần càng đắt giá. Thanh niên nào cố tình kéo cô gái đã có người yêu (ra mắt hai gia đình) thì anh ta và dòng họ sẽ bị phạt rất nặng. Thế nhưng với cặp đôi đang yêu nhau bí mật thì cô gái vẫn có thể bị kéo.

Lấy lại niềm tin cho tục 'Kéo vợ' ảnh 2 Khang A Tủa (đeo kính) cùng nhóm chuẩn bị cho Tết Mông xuống phố 2018.

Kịch tương tác bằng tiếng Mông

Cho đến nay, chủ đề kéo/cướp vợ vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều vì vậy nhóm AHD muốn mở diễn đàn bằng kịch tương tác, khuyến khích cộng đồng bộc lộ nhiều nhất có thể những quan điểm của mình. Theo Khang A Tủa, qua talk show chỉ có thể nêu 3-4 ý kiến khác nhau còn ở kịch tương tác, có bao nhiêu khán giả ngồi dưới sẽ có ngần ấy sắc thái quan niệm.

Trên sân khấu sẽ có khoảng 10 diễn viên người Mông diễn tiểu phẩm liên quan đến chủ đề kéo vợ và hôn nhân. Nếu khán giả ngồi ở dưới bỗng không thấy đồng ý với quan điểm , diễn giải trong tiểu phẩm, họ có thể bật dậy lên sân khấu và thay đổi lời thoại, thái độ nhân vật trong câu chuyện. Buổi diễn hứa hẹn có nhiều tranh cãi nảy lửa, rất nhiều người cho rằng “kéo vợ” là phạm luật nhân quyền, một số không ít khác lại cho là rất nhân văn. Người này thấy bạo lực, người khác lại nhìn ra lãng mạn.

Là thành viên AHD, điều phối hoạt động tập kịch tương tác, sinh viên Giàng A Bê thổ lộ anh cảm động rưng rưng khi xem vòng sơ tuyển nhóm sinh viên người Mông Sơn La diễn vở kịch ngắn về cặp đôi suýt tan vỡ vì cô gái bị kéo bởi một thanh niên khác và gia đình nhà gái ép con đồng ý. Đoạn chàng người yêu cũ đi học xa trở về hẹn gặp cô gái trước giờ ăn hỏi “làm vợ người ta” lấy nước mắt của hầu hết khán giả. Từng lời thoại, cử chỉ nhân vật gây xúc động mạnh mẽ vì các diễn viên dùng tiếng Mông khẩu ngữ. Trong không gian đô thị, mỗi khán giả người Mông đều được chạm đến điều thân thuộc mà mình đã từng trải qua, Giàng A Bê chia sẻ.

AHD đặt mục tiêu kết nối cộng đồng người Mông, khám phá và lưu giữ văn hóa Mông qua trang Facebook song ngữ Mông – Việt. Gần đây số lượng người Kinh và dân tộc khác theo dõi trang của AHD đang tăng dần. Nhóm điều phối dự kiến, vào sự kiện Tết Mông xuống phố 2018 vào ngày 7/1 tới đây sẽ có khoảng 30% người dân tộc khác tham dự.

MỚI - NÓNG