Lát đá mặt đường tại phố cổ Hà Nội: Dư luận đồng thuận mới làm

Đầu tư hơn 10 tỷ đồng để lát đá, chỉnh trang nhưng phố cổ Tạ Hiện vẫn lộn xộn xe cộ, mạng nhện dây điện và chưa có bản sắc riêng. Ảnh: Anh Trọng.
Đầu tư hơn 10 tỷ đồng để lát đá, chỉnh trang nhưng phố cổ Tạ Hiện vẫn lộn xộn xe cộ, mạng nhện dây điện và chưa có bản sắc riêng. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Trước việc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có kế hoạch nhân rộng lát đá xanh trên 11 tuyến phố cổ mà Tiền Phong ngày 10/8 đã phản ánh, sáng qua lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, đây chỉ là đề xuất và nếu nhận được sự đồng thuận của dư luận thì quận Hoàn Kiếm mới làm.

Trao đổi với PV Tiền Phong sáng 11/8, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - người trực tiếp ký văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội chấp thuận việc lát đá xanh trên 11 tuyến phố cổ cho rằng, nằm trong kế hoạch tổng thể bảo tồn phố cổ, ngoài giãn dân thì quận Hoàn Kiếm đang phải triển khai nhiều kế hoạch để bảo tồn kiến trúc, các giá trị văn hóa truyền thống. Việc cải tạo hạ tầng trong đó có việc lát đá mặt đường các tuyến phố cũng nằm trong các kế hoạch trên.

Tuy nhiên, ngoài một đoạn mặt đường phố Tạ Hiện đã được lát thí điểm, để thực hiện tiếp các tuyến phố quận đã lên danh sách thì phải được thành phố Hà Nội chấp thuận về chủ trương. “Do vậy kế hoạch lát đá tự nhiên trên 11 tuyến phố mà quận vừa có văn bản báo cáo chỉ là đề xuất. Sau khi thành phố lấy ý kiến các sở ngành, đặc biệt nếu nhận được sự đồng thuận của dư luận thì quận mới làm”, ông Hoa nói.

Việc cần làm phải là quản lý

Liên quan đến việc cải tạo, chỉnh trang trong đó có lát đá xanh trên đoạn phố Tạ Hiện có mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng, đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết, đây là dự án thí điểm đã được quận Hoàn Kiếm thực hiện trong các năm 2010, 2011. Theo đó, dự án đã cải tạo mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện kết hợp với cải tạo hè, đường phố Tạ Hiện đoạn từ Lương Ngọc Quyến đến Đào Duy Từ.

Với đoạn được lát đá được thực hiện với quy mô đổ bê tông lót nền mác 300, dày 25cm, mặt lát đá tự nhiên khổ 10x10x10cm. Sau khi hoàn thành, phố Tạ Hiện đã trở thành điểm thu hút khách đến với phố cổ. Theo đại diện quận Hoàn Kiếm, dự án trên cũng thuộc sự hợp tác giữa thành phố Hà Nội với thành phố Toulouse (Pháp), do vậy trong khoản kinh phí trên 10 tỷ đồng thì phía thành phố Toulouse hỗ trợ 40.000 euro (gần 1 tỷ đồng). “Ban đầu dự án chỉ có nội dung cải tạo mặt đứng kiến trúc hai bên tuyến phố, sau đó quận đề xuất thêm và được UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho triển khai hạng mục lát đá mặt đường”, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm thông tin.

Dư luận và nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, việc lát đá mặt đường chỉ có thể triển khai với các tuyến đường dành riêng cho đi bộ. Các tuyến phố cổ hiện nay, vẫn sử dụng cho giao thông hỗn hợp. Nếu lát đá, ngoài sự lãng phí còn gây nguy hiểm với phương tiện do mặt bám ma sát kém.

“Để tạo nên những nét riêng cho phố cổ ngoài cảnh quan kiến trúc, phố phường còn phải văn minh, trật tự. Tuy nhiên điều này hiện khó tìm kiếm tại các tuyến phố cổ. Việc lát đá cũng không thể thay đổi được gì khi phương tiện giao thông vẫn đi lại tấp nập, hàng quán và xe máy đổ kín lòng đường. Việc đầu tiên cần phải giải quyết ở phố cổ hiện nay là phải tăng cường công tác quản lý”, ông Trần Trọng Hanh, nguyên hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết.

MỚI - NÓNG