Lập Lễ những ngày vượt cạn

Lập Lễ những ngày vượt cạn
TP - Ba mươi năm trước, cái tên “Liên tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu” ở xã Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) nổi tiếng khắp miền Bắc bởi mô hình bám biển làm giàu. Giờ đây, không chỉ là chuyện sắm tàu lớn ra khơi, ngư dân đã biết bảo vệ ngư trường của Tổ quốc.

> Trung Quốc cam kết hợp tác với ASEAN về biển Đông
> Người dám chống lại lời nguyền của biển

CEO tập đoàn lương 830 nghìn đồng

Ông Vũ Văn Cự, Liên tập đoàn trưởng, giọng sang sảng, tự hào kể về quá khứ, nhưng chất chứa nỗi niềm của một ngư dân làng cá.

Ông Cự kể, những năm đó, cứ tháng 4, tháng 5 cá mập vào đẻ nhiều khu vực phía trên đảo Cô Tô. Ngư dân Lập Lễ sắm lưới, chèo thuyền buồm ra tận nơi “thu hoạch” vi cá mập. “Bắt được cá, chỉ xẻo lấy vi, còn thịt lấy muối đầy thùng, lên bờ bán cho dân ăn, còn lại quẳng nổi lềnh bềnh trên biển”- Vị tập đoàn trưởng nhớ lại.

Theo ông Nguyễn Đức Chiện, Chủ tịch xã Lập Lễ, năm 1987, huyện Thủy Nguyên có nghị quyết thành lập Liên tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu, và cán bộ phụ trách đó gọi là Liên tập đoàn trưởng.

“Gọi Liên tập đoàn trưởng cho oai thế thôi, chứ tôi là cán bộ hợp đồng, giúp việc cho xã hơn chục năm nay, nhận mức lương 830 nghìn đồng/tháng. Tôi lo việc giấy tờ, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, thông báo chính sách hỗ trợ, hay thông tin về thời tiết, mưa gió cho bà con. Tập đoàn là tên gọi mấy chục năm nay, nhiều người nhầm tưởng là doanh nghiệp lớn lắm, nhưng không phải thế”- ông Cự tâm sự.

Liên tập đoàn trưởng, gọi theo ngôn từ hiện đại, có thể xem là một vị CEO, nhưng vị CEO này, có lẽ, mức lương thấp nhất trên thế giới.

Sắm tàu to để át tàu lạ

Liên tập đoàn trưởng Vũ Văn Cự bên con tàu đang đóng công suất 700CV, lớn nhấp Lập Lê. Ảnh: Phạm Anh
Liên tập đoàn trưởng Vũ Văn Cự bên con tàu đang đóng công suất 700CV, lớn nhấp Lập Lễ. Ảnh: Phạm Anh.
 

Thời huy hoàng nhất ở Lập Lễ là những năm 2000-2002, khi mỗi năm đóng hơn 100 chiếc tàu, công suất từ 40-120 CV. Cả xã lúc đó xã có hơn 800 tàu. Đến năm 2011, các ngư dân Lập Lễ thực sự chao đảo do kinh tế khó khăn.

Lập Lễ trong cuộc “đại phẫu”, áp lực sắm tàu to, máy lớn, mới mong ăn nên làm ra. Anh Lê Văn Phinh, thôn Bảo Kiếm (Lập Lễ), mắt thâm quầng vì mấy tháng nay, ngày nào anh cũng tất bật đục, khoan với tốp thợ để hoàn thành con tàu 450 mã lực, trị giá hàng tỷ đồng của mình.

Anh bảo: “Khoảng một tháng nữa là ra khơi thôi, tôi đợi từng ngày. Tàu này chắc chịu được sóng gió cấp 7, còn tàu nhỏ trước, cá mắm chở được ít, chài vó nhẹ, cứ gió cấp 5 là lo sốt vó, chạy không kịp về bờ”- anh Phinh chia sẻ.

Anh Phinh kể: “Tôi đánh bắt xa bờ thường xuyên gặp tàu cá Trung Quốc. Tàu ngư dân họ to hơn, hiện đại hơn, đi đông hơn. Mình tàu bé, đôi khi bị tàu họ “bắt nạt”.

 “Khoảng một tháng nữa là ra khơi thôi, tôi đợi từng ngày. Tàu này chắc chịu được sóng gió cấp 7 tự tin ra khơi vào lộng” 

Anh Phinh chia sẻ

Cũng như anh Phinh, nhiều hộ ở Lập Lễ buộc phải sắm tàu to. Tàu to nhất xã đang đóng của ông Đinh Như Sưa ở thôn Láng Các, 700 mã lực, giá hơn 5 tỷ đồng. Đến nay, tàu cỡ hơn 400 mã lực ở Lập Lễ đã hơn 20 chiếc thoải mái vào lộng ra khơi đánh bắt tại ngư trường của Tổ quốc.

Dịp gặp nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc gần đây, được nghe ông nhắc đến 2 anh em Sông, Nhẫn nổi tiếng làm nghề cá giỏi ở Lập Lễ.

Anh Nguyễn Đức Nhẫn, là người đầu tiên đưa nghề chụp mực làng hơn 20 năm trước, cũng là ngư dân đầu tiên của Hải Phòng dám kêu lên trung ương về hỗ trợ ngư dân trong chương trình đánh bắt xa bờ. Bây giờ, anh là doanh nghiệp thủy sản có “số má” ở Hải Phòng.

Xã Lập Lễ có 3.000 hộ, trong đó khoảng 700 hộ làm nghề khai thác hải sản, chủ yếu là nghề lưới kéo, chụp mực, câu mực…Sản lượng khai thác năm 2012 đạt trên 15.500 tấn, giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của ngư dân khai thác từ 5-7 triệu đồng/tháng. Hiện cả xã có 678 tàu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG