Từ chuyện PV Tiền Phong suýt bị đầu gấu bắt tại sân bay:

Lao động VN tại Đài Loan: Sự thực lần đầu được biết

Lao động VN tại Đài Loan: Sự thực lần đầu được biết
Lao động Việt Nam bỏ trốn tràn lan khỏi gia đình chủ, khỏi Cty môi giới trở thành vấn nạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt trong xã hội Đài Loan.
Lao động VN tại Đài Loan: Sự thực lần đầu được biết ảnh 1
Một lao động nữ bị tù

Theo thống kê, trong năm 2004 toàn Đài Loan có 16.593 lao động chạy trốn thì người Việt Nam đã chiếm quá nửa - 8.957 người. Đài Loan cho biết trong cùng năm đã trả về Việt Nam khoảng 2.000 người lao động bỏ trốn bị bắt được, song trên thực tế, chỉ có 897 người bị trả về!

Trong tháng 3/2005, cảnh sát Đài Loan cũng trả về Việt Nam 267 người, song dường như lệnh tạm dừng nhập cảnh lao động giúp việc nhà Việt Nam cũng không cải thiện được tình hình. Hiện tại chỉ riêng tháng 3/2005 đã có gần 900 lao động bỏ trốn.

Tháng 11/2004, rất nhiều đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng các Cty môi giới sang Đài Loan họp bàn vấn đề xử lý lao động chạy trốn, song cũng ngay trong tháng đó, hai phía phối hợp vận động và tìm kiếm được 800 lao động Việt Nam ra trình diện thì cùng lúc lại có 1.600 lao động bỏ trốn.

Bắt người ở sân bay, trả người vào… trại giam

Tôi vừa bước xuống sân bay Đào Viên, đặt bước chân đầu tiên, lần đầu trong đời sang đất Đài Loan thì một gã đàn ông cao hơn 1m80, tóc vàng khè, ăn mặc bụi bặm xán ngay tới hỏi: “Tên mày là gì?”. Tưởng người của trường Đại học đến đón, tôi nói tên tôi là Nguyễn...

Gã đàn ông lật ngay ra một cuốn sổ in laze toàn danh sách tên người Việt Nam, số hộ chiếu, địa chỉ v.v… rồi lật ra một trang bảo tôi: “Mày là đứa nào?”. Tôi nhìn hoa cả mắt, chỉ thấy một loạt toàn tên Nguyễn.... y hệt tên tôi nên chỉ đại vào một dòng, bảo: “Tên tao là tên này!”.

Gã túm lấy tôi và nghiêm giọng bảo: “Mày là lao động bỏ trốn của Cty tao, tao phải bắt mày về cho chủ!”. Tôi giãy giụa bảo không, tôi là nhà báo của Việt Nam, tôi chả biết gì về lao động cả, tôi vừa xuống sân bay chứ không phải là đang chờ bay về Việt Nam!

Tôi bảo tôi sẽ kêu cảnh sát tới tóm cổ thằng bắt cóc! Hắn đòi xem hộ chiếu, tôi từ chối bởi nếu không phải hải quan không phải công an thì không ai có quyền đòi xem hộ chiếu của tôi!

Gã đàn ông gọi điện thoại, hai phút sau sân bay xuất hiện một tay môi giới lao động cao hơn và đầu gấu hơn. Dưới sự uy hiếp của hai người này và cũng để tránh phiền hà, tôi đành đưa ra hộ chiếu chứng minh tôi là nhà báo. Lúc đó hai người đàn ông mới chịu bỏ đi.

Trong lúc giằng co, tôi để ý thấy những người lao động Việt Nam đang chờ chủ ở sân bay đều rúm người lại sợ hãi nhìn tôi, nếu là người lao động, chỉ biết chào 1-2 câu tiếng Hoa, địa chỉ sắp đến là đâu cũng không biết, tên người chủ sắp gặp là gì không biết, liệu rơi vào hoàn cảnh của tôi có bị bắt vào một trung tâm môi giới nào?

Sau này một nhân viên của sân bay Trung Chính cho tôi biết, chuyện các Cty môi giới thuê hẳn một bọn “xã hội đen” đi bắt lao động Việt Nam ở sân bay rất phổ biến. Nó trở thành một nghề! Thậm chí lao động không bỏ trốn chúng cũng bắt!

Lừa đón được một lao động của Cty khác về cho Cty mình, Cty sẽ không mất tiền đào tạo ban đầu, tiền trả phí dịch vụ 15% lương cho phía Cty Việt Nam, không mất tiền giao dịch và trốn cả thuế nộp cho Chính phủ Đài Loan. Như vậy, rất nhiều lao động Việt Nam đáng lẽ là hợp pháp song biết đâu, đã bị biến thành lao động bất hợp pháp ngay từ bước chân đầu tiên lên đất Đài Loan.

Những chiêu lừa của Cty môi giới Đài Loan không chỉ ở việc đón lõng lao động, mua chuộc lao động bỏ Cty khác, thu nhận lao động bất hợp pháp, nhận tiền của chủ lao động để “bán” cho họ lao động bất hợp pháp, mà còn nhẫn tâm lừa người lao động vào trại giam.

Cho nên không hiếm trường hợp công ty môi giới báo cảnh sát bắt giam… lao động của chính Cty mình. Tất nhiên đây là lao động bất hợp pháp mà trước đây, chính họ đã rủ rê, vẽ ra viễn cảnh thu nhập cao hơn để dụ người lao động bỏ trốn.

Khi người lao động Việt Nam lê bước vào trại giam, Cty môi giới ở ngoài lãnh trọn tiền lương phi pháp của người lao động đang gửi tạm ở đó, có khi lên tới hàng trăm nghìn Đài tệ.

Vạch mặt các chiêu lừa đảo người lao động Việt Nam

Lao động Việt Nam bỏ trốn rất nhiều bởi lý do nghe vào những lời hứa hẹn của môi giới hoặc một số cô dâu Việt Nam nhẫn tâm tiếp tay cho môi giới, kiếm tiền trên sức lao động của đồng bào. Trong thời gian ở Đài Loan tìm hiểu tư liệu để thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi đã không ít lần đau xót thắt lòng khi gặp những trò lừa đảo mà người lao động Việt Nam phải đối diện.

Một giám đốc xưởng sản xuất ở huyện Đài Nam thẳng thắn thú nhận với tôi, đã và đang thu nhận khoảng gần 200 lao động Việt Nam bỏ trốn. Tiền lương trả đủ 15.000 Đài tệ /tháng/người.

Ông (xin giấu tên) cho biết ông là người chủ rất đàng hoàng, đối xử tốt với lao động, còn vì sao thu nhận người giúp việc bỏ trốn (nữ) hoặc công nhân (nam) từ nơi khác đến, ông giải thích: Cty tôi quá bé và không đủ tư cách để xin chính phủ Đài Loan cho nhận lao động hợp pháp.

 Mà lao động Đài Loan tôi phải trả lương 3 vạn Đài tệ/ tháng trở lên. Trong khi Cty ông nếu thu nhận lao động Việt Nam bất hợp pháp, chỉ cần chi cho Cty môi giới 3 vạn Đài tệ tiền chi phí “mua lao động” ban đầu và sau đó trả lương chưa đến 1,5 vạn tệ/tháng. Tính ra Cty lời lớn.

Cty môi giới thường thông qua một tầng lớp trung gian để tiếp cận với người lao động.  Những người này hiểu biết tình hình địa phương, dễ dàng tiếp cận với người lao động, thông thạo đường đi lối lại, có thể đón người lao động đến ở tạm trong thời gian vừa trốn chạy và đợi đưa đi bán!

Chiều 1/6/2005, khi tôi đang tìm thông tin ở Đào Viên, ông lái taxi chở tôi đi có khoe, đã từng giúp một lao động giúp việc nhà VN chạy trốn! Người lao động gọi taxi qua máy để bàn của gia đình chủ, khi taxi đến, cô giúp việc VN đó kêu xe chạy ra chờ ở phía đằng sau nhà.

Vừa đỗ xe ông taxi đã thấy “bịch” một cái, một bọc quần áo rất to vứt qua tường lên nóc taxi, sau đó cô giúp việc trèo qua tường, bảo, tôi là lao động chạy trốn đây, bây giờ ông chở tôi về nhà Đỗ Thị X. ở số xxx đường Trung Sơn-Đào Viên!

Tôi hỏi vì sao người lái taxi nhớ rõ tên và số nhà đó, được trả lời: “Tôi biết cô này vì cô ta… rất giàu có! Chỉ ngồi không mà một tháng kiếm được tiền hơn trăm nghìn Đài tệ, gấp 2-3 lần giáo sư đại học!”. Thì ra Đỗ Thị X. sau khi li dị người chồng Đài Loan đã biến nơi ở của mình thành trạm trung chuyển người lao động Việt Nam chạy trốn trong vùng.

Một lao động chạy trốn X. nhận không dưới 500 USD của Cty môi giới, thậm chí, từng có cô dâu Việt Nam ở Cao Hùng cho tôi biết, những người như X. từng “ra giá” cho mỗi một nam lao động đi thuyền đánh cá, rủ một người lao công như thế chạy trốn được nhận ngay 1.000 USD!

Tất cả mọi chuyện còn lại như làm thế nào để có đường dây đưa người từ Cao Hùng lên tận Đào Viên ngay trong đêm đó, làm giả giấy tờ hộ chiếu và thẻ cư trú Cty môi giới đều lo được tất!

Số tiền như thế làm không ít người mờ mắt, sẵn sàng tiếp tay cho môi giới Đài Loan, vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp thu nhập cao để rủ rê lao động bỏ trốn, trong khi biết chắc điểm đến cuối cùng của lao động là… trại giam hoặc về nước!

Từ bỏ lương 2 vạn để trốn đi làm với lương 10 ngàn tệ

Thực tế, mức lương 15.480 tệ cùng vài nghìn tệ tiền làm Chủ nhật của người lao động giúp việc nhà, hoặc như tiền lương hơn 2 vạn của lao động làm trong nhà máy chẳng thấm vào đâu nếu biết, trong một tháng họ bị cắt bớt đi từng này khoản tiền:

Phí quản lý nộp cho môi giới Việt Nam tương đương 1 tháng lương/1 năm, tức là 8,33% lương tháng, tương đương 1.320 tệ/tháng, song không hiểu sao nhiều Cty thu tới tận hơn 3.000 với nhiều phí không tên; Phí quản lý nộp cho phía Đài Loan năm đầu 1.800 tệ/tháng, năm thứ 2 là 1.700 tệ/tháng; nộp một khoản lớn vào tiền tiết kiệm cá nhân (thực chất là vào tài khoản Cty để đề phòng lao động chạy trốn) thuế thu nhập Đài Loan nhiều chủ không khấu trừ song nhiều chủ thẳng tay thu.

Người lao động sang Đài Loan sau 2/7 hàng năm đều phải nộp năm đầu 20% thu nhập (khoảng hơn 3.000 tệ/tháng) cho Cty và số tiền đó bị mất trắng! Nếu sang trước 2/7 hàng năm thì chỉ phải nộp 6% thuế thu nhập và sau này được hoàn lại. Ngoài ra còn hàng chục thứ phí khác như khám sức khỏe, đưa rước v.v…

Người lao động Việt Nam không nắm được khoản tiền nào thực nhận, khoản nào sẽ được hoàn lại, chỉ thấy làm một tháng lương 2 vạn song thu nhập… 3.000 Đài tệ, vậy thì tại sao không bỏ trốn, nếu bỏ trốn đi làm lương 1 vạn song được nhận cả 1 vạn Đài tệ? Hoặc sẵn sàng chi cho một số cô dâu VN như Đỗ Thị X. mỗi người 5.000 Đài tệ/tháng để có thể kiếm được chỗ làm phi pháp 15.000 Đài tệ/tháng?

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.