Lao động nhập cư Trung Quốc: Nỗi khổ mang tên hộ khẩu

Lao động nhập cư Trung Quốc: Nỗi khổ mang tên hộ khẩu
TP - Họ tham gia xây các cao ốc và đường cao tốc, họ chăm sóc bọn trẻ của nhiều gia đình thành phố, may vá quần áo và trông coi cửa hàng, nhưng đội quân lao động nhập cư ở Trung Quốc vẫn bị coi là những người xa lạ ở các đô thị lớn của đất nước.
Lao động nhập cư Trung Quốc: Nỗi khổ mang tên hộ khẩu ảnh 1
Một lao động nhập cư ở Bắc Kinh đang tranh thủ ngủ trưa

Dù đã có những cam kết đổi mới trong kỳ họp quốc hội diễn ra tuần qua, việc quản lý con người bằng hộ khẩu vẫn sẽ tồn tại trong tương lai gần. Điều đó có nghĩa là các dịch vụ ở thành thị sẽ khó đến được với khoảng 200 triệu lao động nhập cư ở Trung Quốc.

Theo Reuters, một khi chính phủ Trung Quốc trao quyền đầy đủ của công dân đô thị cho dân nhập cư, họ sẽ được khuyến khích tiêu xài nhiều hơn, kích thích sản xuất và giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Tuy vậy, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, người vừa nhấn mạnh,  giảm bất bình đẳng về thu nhập là một nhiệm vụ quan trọng đối với chính phủ, chỉ kêu gọi giảm bớt các đòi hỏi về hộ khẩu ở các thành phố nhỏ và vừa.

Ông Ôn Gia Bảo cũng không nói rõ là người nhập cư sẽ được đối xử bình đẳng bên ngoài quê quán mình hay ở những thành phố lớn nhất của đất nước.

Những người bảo vệ chế độ hộ khẩu cho rằng, hệ thống đô thị không thể cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu của người nhập cư trên cấp độ toàn quốc.

Trở ngại cho việc xóa bỏ hộ khẩu có nhiều, trong đó đáng kể là việc này đặt ra nhiều câu hỏi khó trả lời về an ninh, đồng thời buộc các thành phố phải gánh thêm những khoản chi rất lớn”, Dorothy Solinger, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Đại học Tổng hợp California, người đã có công trình nghiên cứu về hộ khẩu ở Trung Quốc, nói. 

“Họ phải mở rộng trường học cho con em người nhập cư, lương hưu và phúc lợi xã hội cho những người chuyển tạm thời hoặc chuyển vĩnh viễn về thành phố. Rõ ràng là các chính quyền đô thị chẳng thích thú gì với điều này”.

Hộ khẩu ở Trung Quốc ra đời từ cuối những năm 1950, thế kỷ trước, gắn liền với chế độ tem phiếu, điều này được cho là để ngăn nông dân đổ về thành phố.

50 năm sau, một thế hệ mới của những người nhập cư coi thành phố là quê hương của mình mà không thèm nhớ rằng ông cha họ từng cày sâu cuốc bẫm nơi thôn quê.

Các chế độ mới giúp thế hệ này mua nhà cửa  rồi đưa con cái từ quê ra, giảm bớt lượng tiền gửi về quê so với trước.

“Nếu tôi có thể thay đổi mọi thứ, điều đầu tiên tôi sẽ nhập hộ khẩu Bắc Kinh”, Lu Zhaolu, một phụ nữ đến từ vùng đông bắc Trung Quốc, có một đứa con 16 tuổi đang theo học tại một trường phổ thông dành cho người nhập cư ở Bắc Kinh.

“Có hộ khẩu mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ, tôi có thể vay tiền mua căn hộ. Nhưng hiện giờ tôi không thể vay được tiền”.

Nhiều gia đình nhập cư đã ở Bắc Kinh lâu đến nỗi giới chức thành phố gần như coi họ là người thành phố, nhưng vẫn không thể cho phép 260 trường của người nhập cư, mỗi trường với 400 - 500 học sinh, tồn tại. Cuối năm ngoái, nhiều trường trong số này bị giải tỏa cùng nhiều nhà cửa lấn chiếm.

“Dù mới học đến lớp 6, nhiều học sinh của tôi phải chuyển qua tới 15 trường. Điều này thực sự ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em”, Li Dengfeng, điều hành một trường học cho trẻ em nhập cư ở ven đô Bắc Kinh, nói.

Theo ông Li, nhiều trẻ em nhập cư chỉ học hết trung học cơ sở rồi đi làm kiếm tiền.

“Những người rời nông thôn lên thành phố lâu ngày thường là đã có việc ổn định, có chỗ ở”, ông Zhang Zuoha, phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên, nói. “Nhưng ở chỗ nào, điều đau đáu với họ là có được hộ khẩu để yên tâm làm ăn”.

Tuy nhiên, chưa có cải cách nào xóa bỏ được khoảng cách giữa thôn quê và thành phố, dù các nhà máy ở ven biển và phía nam thu hút người lao động từ nhiều tỉnh cách xa hàng mấy ngàn km.

Lương hưu và bảo hiểm y tế chỉ có giá trị trong một tỉnh thành nhất định, khi chuyển đổi công việc, chứ không được duy trì khi về quê, nên người lao động tỏ ra thờ ơ.

“Nếu bạn là người nhập cư, thủ tục tìm việc làm của bạn sẽ phức tạp hơn nhiều, và lương có xu hướng thấp hơn. Các đơn vị tuyển dụng tin tưởng người nhập cư không nhiều lắm”, Shi Jing, làm công cho một cửa hàng, nói.

“Chúng ta cần thay đổi thái độ đối với dân nhập cư”, Chang Dechuan, chủ tịch một tổ chức phi chính phủ, nói.

“Trước đây, người ta thuê nhân công là dân nhập cư vì cho rằng có thể trả lương thấp hơn dân thành phố. Điều này ngày càng trở nên lỗi thời. Người nhập cư giờ đây không còn là những nông dân chỉ biết làm việc chân tay”. 

MỚI - NÓNG
Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
TPO - Ngày 4/5, tại Hà Nội, Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội công bố Nghị quyết và trao Quyết định của Ban Giám hiệu nhà trường bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, từ ngày 1/5/2024, thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực.