Lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ chỉ được rút một phần

0:00 / 0:00
0:00
Gặp khó khăn, nhiều lao động khi nghỉ việc đã rút BHXH 1 lần (công nhân tại xóm trọ Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) Ảnh: Phạm Thanh
Gặp khó khăn, nhiều lao động khi nghỉ việc đã rút BHXH 1 lần (công nhân tại xóm trọ Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) Ảnh: Phạm Thanh
TP - Nhiều người lao động (NLĐ) khi nghỉ việc sẽ nghĩ ngay tới việc hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, vì đây là khoản tiền không hề nhỏ với nhiều người mất việc làm. Còn lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan BHXH đề xuất chỉ cho rút BHXH một lần với phần mà NLĐ đóng góp, phần doanh nghiệp đóng phải tới tuổi nghỉ hưu mới được rút.

Tính từng ngày để rút BHXH một lần

Cách đây 1 năm (tháng 5/2020), lấy lý do ảnh hưởng dịch COVID-19, Công ty TNHH Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TPHCM) giảm một nửa số LĐ sử dụng, tương ứng khoảng 2.200 LĐ mất việc làm. Chị Lê Thị Hoa (31 tuổi, quê Nghệ An), sau 6 năm cống hiến sức trẻ cho Công ty Huê Phong, cầm quyết định nghỉ việc và một khoản tiền chế độ hỗ trợ mất việc làm.

Do dịch COVID-19, nhiều công ty cũng phải thu hẹp sản xuất,tới nay chị Hoa vẫn chưa xin được việc làm. Ngót 1 năm qua, chị chỉ ở nhà chăm con nhỏ và làm việc vặt chờ tìm việc. Gia đình chị thuê phòng trọ cấp 4 chưa tới 10m2 trong ngách nhỏ ở phường 9, quận Gò Vấp. Chị Hoa mất việc làm, nhờ vào khoản Bảo hiểm thất nghiệp, chị tạm có đủ tiền trả tiền thuê nhà. Tuy nhiên, 3 tháng nay, chị xin chủ trọ cho nợ tiền nhà.

“Cuộc sống gia đình chật vật, xoay xở đủ kiểu, đếm từng ngày để làm thủ tục nhận BHXH 1 lần”, chị Hoa nói và cho biết, với 6 năm đi làm và đóng BHXH, chị đề nghị được rút BHXH 1 lần được hơn 40 triệu đồng, sẽ nhận trong vài ngày tới. Theo chị Hoa, có nhiều công nhân trong xóm trọ của chị khi nghỉ việc, chuyển việc nếu đủ điều kiện 1 năm không tham gia BHXH đều rút BHXH 1 lần.

Chị Phạm Thị Minh (33 tuổi, ở Hà Nam) cho biết, đã làm công nhân tại nhà máy điện tử lớn ở Thái Nguyên gần 3 năm. Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, có con nhỏ nên chị quyết định nghỉ việc. Sau khi về quê, chị Minh rút BHXH 1lần để chuyển nghề. “Tháng 3 vừa qua tôi rút BHXH được hơn 32 triệu đồng để mở cửa hàng bán quần áo tại nhà”, chị Minh nói. Nói về tương lai sau này, khi tới tuổi nghỉ hưu, cả chị Hoa và chị Minh đều trả lời: “Giờ còn chật vật lo sống qua ngày, chạy vạy mỗi khi con ốm đau, sức đâu lo cho sau này”.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, với BHXH 1 lần cần các chính sách khác nhau để NLĐ lựa chọn, trong đó ưu tiên giải pháp giữ NLĐ ở lại hệ thống BHXH.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty may Hưng Yên đồng tình với đề xuất cần siết lại quy định hưởng BHXH 1 lần. Theo ông Dương, đồng ý là phải lo cho cuộc sống trước mắt của NLĐ, nhưng đóng BHXH bắt buộc là để lo cho NLĐ lúc về hưu, do đó cần chế tài buộc để lại. “Không thể quy định bắt buộc LĐ đóng nhưng cho rút tự nguyện, sau này lại chờ Nhà nước trợ giúp.

Với các nước phát triển, dù Nhà nước chi trợ cấp xã hội rất lớn, nhưng NLĐ vẫn phải đóng BHXH để chủ động 1 phần cho lúc nghỉ hưu, nên không dễ để rút BHXH 1 lần. Nước ta còn nghèo, trợ cấp xã hội còn khó càng cần sự chủ động của NLĐ”, ông Dương nói. Theo ông chủ doanh nghiệp này, rất nhiều NLĐ tham gia BHXH được 7-10 năm, khi nghỉ việc đều rút BHXH 1 lần, rất lãng phí. Tới đây, khi điều kiện hưởng lương hưu NLĐ chỉ phải đóng 15 năm, thậm chí còn 10 năm, cần chính sách để giữ chân NLĐ ở lại hệ thống BHXH.

Giữ một phần cho lúc già

Trước đề xuất nếu lao động hưởng BHXH 1 lần chỉ cho rút phần NLĐ đóng, phần doanh nghiệp đóng phải giữ lại cho Quỹ BHXH, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, không nên quy định như vậy. Thay vào đó, ông chủ doanh nghiệp này đề xuất, vẫn cho hưởng BHXH 1 lần, nhưng khi NLĐ còn tuổi LĐ chỉ được hưởng phần họ đóng, phần doanh nghiệp đóng thì NLĐ phải tới tuổi nghỉ hưu mới được rút. Trường hợp NLĐ chết khi chưa tới tuổi nghỉ hưu, phần đóng của doanh nghiệp sẽ sử dụng để giải quyết chế độ tử tuất cho thân nhân. Giải pháp này có thể giảm tỷ lệ rút BHXH 1 lần, góp phần giữ cho Quỹ BHXH không mất cân đối.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, với BHXH 1 lần cần các chính sách khác nhau để NLĐ lựa chọn, trong đó ưu tiên giải pháp giữ NLĐ ở lại hệ thống BHXH.

Theo ông Liệu, có thể vẫn cho NLĐ hưởng BHXH 1 lần sau khi nghỉ việc 1-3 năm nhưng chỉ được nhận phần mà NLĐ đóng; phần doanh nghiệp đóng, khi nào NLĐ tới tuổi nghỉ hưu mới được rút (hoặc đóng bù để hưởng lương hưu). Cũng có thể thêm chính sách cho NLĐ mất việc làm gặp khó khăn được vay tối đa một nửa số tiền BHXH đã đóng với lãi suất ưu đãi, khi có việc làm họ sẽ đóng tiếp để sau này có lương hưu.

MỚI - NÓNG