Trong những năm qua, Lào Cai đã đầu tư được nhiều công trình cấp nước sinh hoạt bằng nhiều nguồn vốn như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường, Chương trình 134, 135, 30 a, Chương trình dựng nông thôn mới…
Giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, tỉnh đã đầu tư 194 công trình, với tổng vốn đầu tư trên 316 tỷ đồng. Ngoài đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước nhỏ, lẻ quy mô hộ gia đình.
Giai đoạn 2011-2020 vốn cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã lên đến gần 260 tỷ đồng, cho trên 42.600 lượt hộ vạy, xây dựng trên 30.500 công trình cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ hộ gia định.
Đến năm 2019, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh của Lào Cai đạt 93%, tăng 7,3% so với năm 2015 và tăng 13,9% so với năm 2010. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế là 34%.
Theo Sở NN&PTNT Lào Cai, về Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2020, Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng 6 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đạt 2.242 đấu nối (tương đương số hộ hưởng lợi từ công trình cấp nước).
Như vậy, toàn tỉnh đã có trên 11.430 đấu nối (mục tiêu giai đoạn giao theo văn kiện là 11.000 đấu nối), góp phần tăng tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đến năm 2020 đạt 95%.
Đến nay, số xã đạt vệ sinh toàn xã là 35 xã, đạt mục tiêu; đảm bảo 100% trường học chính các cấp, trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, có thiết bị, xà phòng rửa tay đầy đủ, sạch sẽ.
Trong giai đoạn 2021-2025, Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ cấp nước hợp vệ sinh cho hộ dân nông thôn lên 98% vào năm 2025, trong đó 50% là sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn của Bộ Y tế.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, để đạt mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung công tác nâng cấp, sửa chữa và quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, nhằm duy trì ổn định công trình hiện có, tăng và ổn định bền vững tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Chỉ thực hiện đầu tư xây dựng công trình khi có ít nhất 75% người dân cam kết trả tiền sử dụng nước.
Khi đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa hoặc làm mới công trình, phải quan tâm xử lý đảm bảo chất lượng nước cấp cho sinh hoạt theo Quy chuẩn của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nước nông thôn hàng năm theo chương trình.
Qua đó, kịp thời phát hiện công trình có nguồn nước bị ô nhiễm để có giải pháp phù hợp, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt. Kiên quyết loại bỏ công trình có nguồn nước bị ô nhiễm nặng (như Asen) để đảm bảo sức khoẻ cho người dân.
Lào Cai cũng sẽ tổ chức đào tạo công nhân kỹ thuật, thợ có tay nghề về thuỷ lợi, cấp nước cho xã, thôn, bản nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý công trình; đảm bảo mỗi xã có ít nhất 1 công nhân kỹ thuật.
Cùng với đó, Lào Cai sẽ đưa công nghệ mới vào công tác cấp nước nông thôn như: trạm lọc tinh, khử khuẩn clo… để nâng cao tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn của Bộ Y tế.
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn có nhu cầu đầu tư nâng cấp, sửa chữa và làm mới trên địa bàn Lào Cai là gần 276 công trình, với tổng mức đầu tư trên 317 tỷ đồng.
Về giải pháp về vốn, UBND tỉnh Lào Cai cho biết, do nhu cầu vốn lớn, nên ngoài việc tăng cường kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế, hoặc đề nghị Trung ương hỗ trợ bằng các chương trình, dự án.
Lào Cai cũng sẽ tập trung mạnh vào truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, nhằm thay đổi tập quán sinh hoạt, tự đó đẩy mạnh việc xã hội hoá thực hiện chương trình. Cùng đó, địa phương sẽ thực hiện lồng ghép chương tình lớn như: 30a, vay vốn của Ngân hàng Thế giới, Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…