Những nhà đầu tư “khóc ròng”
Cách đây hơn 2 năm, condotel “vỡ trận” khi chủ đầu tư Dự án condotel Cocobay Đà Nẵng (Cocobay) ngừng trả lãi cho nhà đầu tư. Thị trường condotel vốn được coi là kênh đầu tư béo bở, DN cam kết lãi suất hơn 14%/năm thu hút hàng nghìn nhà đầu tư bỗng trở thành “con ghẻ" trên toàn thị trường. Nhưng chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những nhà đầu tư Cocobay. Đến thời điểm này, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa đòi được tiền gốc đầu tư vào đây.
Những tưởng condotel với lãi suất “trên trời” là lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư nhưng sau khi loại hình này lắng xuống, trái phiếu DN lại bùng lên cũng với cách thức cũ: hưởng lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất khi gửi tiền ngân hàng. Sự việc hủy lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh và lãnh đạo tập đoàn này bị bắt liên quan đến trái phiếu khiến 7.000 nhà đầu tư mua trái phiếu ngậm “trái đắng”. Đến thời điểm hiện nay, sau hơn 6 tháng, nhà đầu tư vẫn mất ăn, mất ngủ vì không biết bao giờ mới nhận lại được tiền gốc.
Vụ việc Tân Hoàng Minh chưa lắng xuống, mới đây, Công ty An Đông phát hành trái phiếu sai trái khiến lãnh đạo DN bị khởi tố lại làm vấn đề bùng lên, khiến nhà đầu tư lo lắng.
Hàng triệu tỷ đồng huy động từ trái phiếu đi về đâu?
Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ trái phiếu DN đang lưu hành trên thị trường đã lên tới gần mốc 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 52 tỷ USD. Thế nhưng, đường đi của dòng tiền này vẫn là một bí ẩn, bởi không cơ quan, tổ chức nào có thể giám sát. Bơm tiền cho DN vay vốn, hàng vạn nhà đầu tư không biết tài sản của mình đang được DN sử dụng vào mục đích gì.
Ngay cả trong 2 năm (2020-2021) xảy ra đại dịch COVID-19, số lượng dự án bất động sản được cấp phép mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, song các DN vẫn phát hành lượng trái phiếu với số lượng lớn. Riêng năm 2021, lượng trái phiếu mà các DN bất động sản phát hành lên tới 9 tỷ USD, cao gấp 3 lần lượng huy động được năm trước đó.
Sang năm 2022, từ câu chuyện trái phiếu của Tân Hoàng Minh, các DN đã thu hẹp con đường huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Một lãnh đạo DN địa ốc Hà Nội đang làm dự án tại Gia Lâm xin giấu tên cho biết, bản chất trái phiếu DN không sai nhưng trong bối cảnh thị trường khát vốn, ngân hàng hạn chế cho vay, chủ đầu tư tìm đủ mọi cách huy động vốn. Đây là một kênh huy động tốt nhưng thị trường thì trắng đen lẫn lộn vì không ai quản lý.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, nhóm DN bất động sản chỉ phát hành trái phiếu DN riêng lẻ đạt giá trị hơn 47.000 tỷ đồng, chiếm 21,3% tổng giá trị trái phiếu phát hành, xếp thứ hai sau lĩnh vực ngân hàng (với lãi suất trung bình khoảng 10,2%). Cụ thể, Cty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu DN riêng lẻ vào ngày 17/5/2022; Công ty Hội An Invest cũng phát hành một số đợt riêng lẻ trong tháng 5, huy động 300 tỷ đồng… Cty CP tập đoàn đầu tư địa ốc Nova phát hành trái phiếu huy động lượng vốn nhiều nhất: 9.857 tỷ đồng; Cty CP đầu tư và phát triển Eagle Side huy động 3.930 tỷ đồng.
“Các DN bất động sản có rất nhiều bài học từ những dự án chủ đầu tư huy động vốn. Có những DN phát hành trái phiếu huy động vốn xong rồi đem tiền đi đâu và làm gì thì không ai biết. Khi DN không thể trả lãi, bàn giao nhà cho nhà đầu tư, mọi việc mới vỡ lẽ. Từ câu chuyện của các DN vừa bị “sàng lọc” có thể coi đây cũng là tín hiệu tốt cho thị trường và nhà đầu tư phải trả bằng một bài học đắt giá”, vị này nói.
Vụ Tân Hoàng Minh là một bài học cho nhà đầu tư |
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, thị trường trái phiếu đã xuất hiện những “bom nợ” trái phiếu với những DN phát hành trước đây. Nghị định 65 ra đời không hấp dẫn chủ đầu tư phát hành trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư với thị trường giảm sút.
Theo ông Vũ Đình Ánh, cơ quan quản lý giờ phải tìm lối thoát cho DN đã phát hành trái phiếu, đặc biệt là với những DN có trái phiếu sắp đến thời kỳ đáo hạn. “Phải đảm bảo khả năng trả nợ cho nhà đầu tư nếu không thị trường trái phiếu sẽ sụp đổ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà nó còn tác động đến cả thị trường chứng khoán”, ông Ánh nói.
Cũng ông Ánh cho biết, nhiều người nghĩ rằng, DN phát hành trái phiếu trên thị trường đều có vấn đề sau hàng loạt những vụ việc xảy ra. Vì vậy, nếu DN phát hành thêm trái phiếu sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư. “DN sai phạm sẽ bị xử lý nhưng cần khéo léo tránh ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường. Giờ cần tìm lối thoát cho DN, đặc biệt là DN đến thời kỳ đáo hạn từ nay đến cuối năm, thậm chí đến quý 1 năm sau khi số tiền đáo hạn khá lớn, lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng”, ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, giải pháp trước mắt là gia hạn, tức là cho phép DN thay đổi kỳ hạn trái phiếu đã phát hành, chẳng hạn từ 3 năm lên 5 năm. Gia hạn để DN chống chịu, vượt qua được qua khó khăn để có thể trả nợ. Tất nhiên, việc này phải được sự thống nhất của các trái chủ và được tiến hành công khai, minh bạch qua thương thảo giữa nhà phát hành và trái chủ.