Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính đều có những quy định nhằm tạo hành lang pháp lý, tránh rủi ro cho các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Theo NHNN, tỷ trọng đầu tư TPDN trong tổng dư nợ tín dụng hiện nay dao động 2,3-3%. Tổng số dư đầu tư TPDN liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 7/2022 ở mức 134 nghìn tỷ đồng (chiếm 49,5% so với tổng đầu tư TPDN của toàn hệ thống). Theo quy định của NHNN, toàn bộ khoản đầu tư TPDN được tính vào các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn và được kiểm soát chặt chẽ tương tự như hoạt động cấp tín dụng thông thường.

Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con ảnh 1

Trái phiếu của một DN phát hành

Tỷ lệ đầu tư TPDN của TCTD tăng nhanh trong quý 1/2022. Bước sang quý 2/2022 (sau khi Thông tư 16/2021/TT-NHNN với những quy định chặt chẽ ra đời), tỷ lệ đầu tư này giảm mạnh. Cụ thể, Thông tư 16 tiếp tục quy định TCTD không được mua TPDN phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp; đồng thời, bổ sung quy định chặt chẽ hơn nhằm góp phần kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư (TPDN của TCTD), đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng như: TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất. TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động. TCTD không được mua TPDN phát hành với mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. TCTD không được bán TPDN cho công ty con của chính mình.

Cấm chào mời, góp vốn đầu tư với nhà đầu tư nhỏ lẻ

Nhà đầu tư không được phép bán hoặc cùng góp vốn đầu tư TPDN với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổ chức phân phối trái phiếu nếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành khống hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự (tùy theo mức độ vi phạm).

Tại họp báo chuyên đề về Nghị định 65/2022 (vừa ban hành ngày 16/9) do Bộ Tài chính tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Dương-Vụ phó Tài chính, ngân hàng cho biết, Nghị định 65 bổ sung một số điều của Nghị định 153 theo nguyên tắc: Tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp; Bổ sung quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua. Đồng thời, nghị định cũng tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Theo đó, nghị định bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm: Kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ 1/01/2023). Hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xác nhận của NHTM về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.

Bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua TPDN riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua TPDN riêng lẻ...

MỚI - NÓNG