Trưởng Ban dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
TP.HCM nâng bảng giá đất lên 8-15 lần
Sáng 13/9, đoàn giám sát báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” .
Báo cáo kết quả giám sát được thực hiện trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương; kết quả giám sát trực tiếp tại 8 bộ ngành và 6 địa phương.
Về lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong số vụ việc đã được giải quyết tỷ lệ công dân khiếu nại có yếu tố đúng là 17,1%, tố cáo có yếu tố đúng 19,7% thấp hơn khá nhiều so với bình quân 5 năm trước.
Trong số 16 bộ ngành có báo cáo, đã giải quyết được 41.032/42.135 đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,38%. Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan, số lượng đơn kiến nghị, phản ánh gửi đến các bộ ngành và UBND các cấp là 1.669.108 đơn kiến nghị, phản ánh, gấp 04 lần số đơn khiếu nại, gấp 09 lần số đơn tố cáo nhưng chưa được quan tâm đúng mức; việc thống kê, báo cáo kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh chưa được thực hiện đầy đủ.
Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính các cấp trong 5 năm (2016-2021) đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc; riêng năm 2022, đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự 31 vụ việc, 34 đối tượng, trong đó có 13 cán bộ, công chức có sai phạm.
Đáng lưu ý, UBND TPHCM đã ban hành quy định mới về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) phục vụ thu hồi đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án. Theo đó hệ số điều chỉnh giá đất ở tại thành phố Thủ Đức và các quận tăng từ 3 đến 15 lần, huyện ngoại thành tăng từ 8-15 lần so với bảng giá đất do nhà nước ban hành; hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp tăng từ 7 đến 35 lần giá đất trong bảng giá do UBND thành phố ban hành.
“Đây là một trong những giải pháp quan trọng của TPHCM nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế về cơ chế xác định đơn giá đất bồi thường hiện nay để đảm bảo yêu cầu đơn giá đất bồi thường sát với giá thị trường, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo”, đoàn giám sát cho hay.
Cũng theo báo cáo của các cơ quan, từ 01/7/2016 đến 01/7/2021 là giai đoạn cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình khiếu nại, tố cáo cũng diễn biến phức tạp, nhất là khi đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhận thức pháp luật của người dân có những chuyển biến rõ rệt. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành chính có xu hướng giảm trong một số năm gần đây nhưng số vụ việc thuộc lĩnh vực tư pháp có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là án hành chính, dân sự - kinh tế.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực hành chính có nội dung khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai trước thời điểm Luật đất đai 2013 có hiệu lực.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây có phát sinh thêm các vụ việc đông người, phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là đối với việc thu hồi đất, thực hiện dự án công viên nghĩa trang, khu xử lý rác thải tập trung, các cơ sở chăn nuôi tập trung, hoạt động của một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Thanh tra trách nhiệm người đứng đầu
Đoàn giám sát nhận định, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, các dự án phát triển kinh tế - xã hội và tập trung ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phải thu hồi, bồi thường đất.
Theo đoàn giám sát, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại sẽ tiếp tục có diễn biến hết sức phức tạp. |
“Khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản đối với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp do các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này chưa thực sự đồng bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến tranh chấp”, đoàn giám sát cho hay.
Cùng với đó, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường tiếp tục gia tăng, nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng nguyên vật liệu, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và coi đây là một kênh thông tin quan trọng để kiểm tra, đánh giá được tính khả thi của chính sách pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước và là phương thức hữu hiệu nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai; trật tự xây dựng, quy hoạch đô thị, môi trường, tranh chấp liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư và một số vấn đề mới nảy sinh được dư luận và Nhân dân quan tâm nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu nại, tố cáo.