Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi:

Lãnh đạo địa phương phải chịu sự chất vấn của ĐBQH

TP - Sáng 16/6, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, đại biểu (ĐB) Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhấn mạnh: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của dân, nếu nhân dân thấy anh không phù hợp với vai trò đại diện nữa thì phải thay…”.

Phải thay nếu đại biểu xa dân

ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị, phải làm rõ việc cụ thể hóa yêu cầu về nhà nước của dân, do dân, vì dân, thể hiện quyền lực của nhân dân trong tổ chức Quốc hội. 

“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của dân. Anh là đại biểu của tôi thì phải tuân theo ý chí của tôi; hai, anh phải thường xuyên gặp tôi; ba, tôi thấy anh không phù hợp với vai trò đại diện của tôi nữa thì tôi phải thay, tôi phải để người khác làm. Khái niệm về cơ quan đại biểu cao nhất của dân đối với Quốc hội cần phải được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và quy định cụ thể trong luật”, ông Hùng kiến nghị.

Theo ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình), cơ chế mới về kiểm soát quyền lực không đơn thuần chỉ là sự kiểm soát một chiều của Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp. Đây là một chế định có nội dung mới về cơ chế kiểm soát quyền lực, phải được quán triệt, thể hiện ngay trong các Luật Tổ chức bộ máy, trước hết là Luật Tổ chức Quốc hội. “Trong quá trình hoạt động, Quốc hội phải chịu sự kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành pháp, tư pháp, chịu sự giám sát của nhân dân”, ông Diệu đòi hỏi.

Ấn nút còn hình thức

Các ĐB cho rằng cần quy định rõ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội không nên chỉ chung chung là phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, có sức khỏe…, vì dường như ai cũng có.

“Lãnh đạo các địa phương cũng phải chịu sự chất vấn của đại biểu Quốc hội như trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Nội dung chất vấn những gì luật phải quy định cụ thể”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương

Vấn đề mấu chốt, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), phải làm rõ hệ thống cơ cấu tổ chức của Quốc hội Việt Nam về hệ thống tổ chức. Nếu căn cứ vào các quy định nằm rải rác trong dự thảo luật, rất khó để thể hiện ra một sơ đồ tổ chức của Quốc hội với đầy đủ các mối quan hệ trên dưới, dọc ngang. Chính vì thế, cần có sự kiện toàn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các ủy ban, tránh sự chồng chéo và không hiệu quả như hiện nay. 

“Ví dụ Quốc hội quyết định ngân sách hiện nay là hình thức nhất. Vấn đề đặt ra là tăng cường năng lực cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách để có đủ sức tham mưu cho Quốc hội quyết định ngân sách một cách thực chất. Một vấn đề quan trọng đến như vậy mà khi thảo luận chỉ có một vài đại biểu phát biểu ý kiến rồi ấn nút thông qua”, ông Cương phân tích.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương đề xuất, cần có quy định lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu sự điều trần của Quốc hội, phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội như các Bộ trưởng, trưởng ngành. Trên thực tế, rất nhiều quyết định của Quốc hội như các chương trình dự án, chỉ dành cho một hoặc cho một số địa phương. Đối tượng thực hiện là địa phương chứ không phải các Bộ, cho nên thật vô lý khi các tỉnh, thành phố là người trực tiếp thực hiện mà chỉ các Bộ trưởng lo trả lời chất vấn trước Quốc hội.

MỚI - NÓNG