Làng ung thư trên đường Xuyên Á

Làng ung thư trên đường Xuyên Á
TP - Bao đời nay, người dân An Bình ở xã Cam Thanh của huyện Cam Lộ (Quảng Trị) phải cơ cực khốn khổ sống trong cảnh dùng nguồn nước phèn chua đục ngầu. Nay họ lại phải đối mặt với mối đe dọa của bệnh ung thư.
Làng ung thư trên đường Xuyên Á ảnh 1
Bao năm nay bà Hồ Thị Hương phải dùng nguồn nước lờ nhờ vàng khè rợn người này để sinh hoạt

Xã, thôn lên tiếng kêu than, nhiều đoàn Trung ương, tỉnh, huyện về khảo sát rồi... đi.  Người dân thấp thỏm âu lo bởi mấy chục mạng người đã ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. An Bình, ngôi làng nhỏ áp mình bên đường Xuyên Á, chỉ cách thị xã tỉnh lỵ Đông Hà nửa phút chim bay mà ngỡ vời vợi ngái xa!

Sống chung với nước phèn đục

“Nước lọc năm lần bảy lượt rồi cũng rứa! Phèn chua, đục ngầu, vàng khè, tanh tanh là...  bản chất của nguồn nước nơi ni”-Trưởng thôn An Bình, ông Nguyễn Viết trên đường dẫn chúng tôi  đi thị sát đã không ghìm được bức xúc, bộ ria mép giật giật khiến chiếc mũ phớt ố màu trên đầu suýt rơi.

Vẫn lời trưởng thôn Viết, An Bình là rốn trũng của Cam Thanh nên sau những trận mưa to dầm dề thối đất lụt lội là thành cái túi chứa nước bẩn, tất tật rác thải ở các vùng lân cận đều dạt về đây. Sau mỗi trận mưa, mùi xú uế của đủ thứ tạp-pí-lù trùm phủ cả 6 xóm của làng ni.

Thời chiến tranh, An Bình là nơi đồn trú của bộ đội ta để đánh vào thị xã Đông Hà, Thành cổ Quảng Trị, nên đây là khu vực “mồi” cho B.52 Mỹ giội bom. Nguồn nước phèn chua đục ngầu, cộng với chất độc của bom đạn là những căn nguyên chính khiến An Bình ra nông nỗi này.

Lời buồn buồn của chị Nguyễn Thị Xanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Cam Thanh nói với chúng tôi lúc gặp ở trụ sở Ủy ban xã: “Phụ nữ trong thôn đa phần mắc bệnh phụ khoa, gần 40 người chết vì ung thư, 23 trẻ em bị chất độc màu da cam”. Một con số quặn thắt ở một làng nghèo có 348 gia đình với 1.320 khẩu.

Dân An Bình bấy lâu băn khoăn, cách làng chỉ hơn cây số, ở Ngã tư Sòng có nhà máy nước sạch của Cty cấp thoát Quảng Trị. Nhiều cuộc họp của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, rồi đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh huyện về, tất cả đồng thanh khẳng định đưa nước sạch về cho An Bình. Rốt cuộc vẫn tịnh thinh. An Bình vẫn phải “chung sống”, vẫn phải dùng thứ nước nguy cơ gây bệnh tật cao.

Làng ung thư trên đường Xuyên Á ảnh 2

Chúng tôi hỏi trưởng thôn Viết, ông bảo năm trước cán bộ xã về phổ biến với dân. Trục đường ống nước chính, Nhà nước lo. Đường dẫn phụ, bà con chịu, mỗi hộ đóng 1,55 triệu đồng. Họp bàn, bình xét cho 159 gia đình đợt đầu ưu tiên bắc nước. Những khuôn mặt sạm nắng khắc khổ mừng phổng mũi, sướng run người rướn gót chân to bè nứt nẻ đất cày đứng vỗ tay ầm ầm.

Tháng 12/2006, 159 hộ dân sung sướng hỉ hả phấn khởi làm khế ước vay Ngân hàng Chính sách-Xã hội huyện Cam Lộ. 1 hộ được vay 2 triệu đồng, lãi suất ưu đãi. “Nộp tiền cho xã rồi, không hiểu tắc đoạn mô mà chừ công trình nước sạch An Bình vẫn chưa nhúc nhích tăm dạng chi cả nên dân yêu cầu xã phải lên gửi lại ở ngân hàng để khỏi trả lãi. Đau rứa chớ!”- Trưởng thôn Viết than thở. Chúng tôi trở lại trụ sở Ủy ban ngõ hầu rõ thêm sự tình, rất không may là Chủ tịch xã Hoàng Văn Mừng đi vắng.

Chưa hết. Trước những bức bách khẩn thiết báo động về bệnh tật của dân làng, năm 2002 Bộ Y tế cử một đoàn công tác về An Bình khảo sát tình hình. Viện Khoa học Nhiệt đới cùng Sở Y tế Quảng Trị cũng về An Bình kiểm tra. Đoàn đến rồi đoàn đi! Người dân kỳ vọng, khắc khoải ngóng trông nhưng  không hiểu sao đến nay vẫn “lặng tiếng im hơi”.

Cuộc sống người dân An Bình vốn dĩ khó khăn lại càng khó khăn hơn từ khi trong làng có nhiều người mắc bệnh ung thư. Dự án Trồng rau sạch cho các hộ nông dân Quảng Trị, lẽ ra giao cho An Bình, nhưng khi kiểm tra thấy độ phèn trong nước quá lớn nên tỉnh không dám để cho người dân An Bình làm.

Những sản vật của người làng An Bình khi đem tới chợ cũng bị người trong xã trong huyện nâng lên đặt xuống vì sợ. Rồi người ngoài thôn lấy chồng gả vợ trong thôn vẫn bị dị nghị vì sợ... ung thư, khiến người làng không khỏi thắt lòng xót dạ. 

An Bình, bao giờ mới bình an?

Lật trang sổ ghi chép người làng đã mất bởi căn bệnh ung thư, dẫu không chính thức, nhưng có lẽ bắt đầu là anh Hồ Văn Hồng, bệnh viện trả về với bệnh án “K” vào tháng 9/1995. Sống với vợ con được mấy hôm anh ra đi khi vừa bước vào tuổi 37, để lại người vợ trẻ teo tóp cùng bầy con lít nhít 6 đứa.

Dân làng An Bình tiếc thương người xấu số nhưng chẳng ai mảy may nghĩ rằng căn bệnh ung thư quái đản đang rình rập bủa vây xóm làng. Ba tháng sau cái chết thảm của anh Hồng, chỉ trong vòng 1 tháng làng An Bình có thêm một loạt người bị Bệnh viện T.Ư Huế trả về và tất cả họ đều mắc bệnh ung thư. Nguyễn Thuý Thị ung thư vú, Hồ Văn Cò, Nguyễn Văn Quốc ung thư dạ dày... Đến lúc này người làng An Bình thực sự hoang mang.

Trưởng thôn Viết bảo, từ ngày ông làm trưởng thôn đận 1997 tới nay ngót nghét chục năm đã có 54 người trong làng bị chết thì 28 người dính ung thư. Con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người làng mắc bệnh song gia cảnh quá cơ hàn nên không có điều kiện đến bệnh viện.

Ở An Bình, nhiều gia đình có từ 2 đến 3 người chết, đặc biệt có gia đình đến 4 người chết vì ung thư như gia đình anh Hồ Văn Hồng, Hồ Thỏn, Hồ Thạch, Hồ Chanh.

Trưởng thôn Viết còn thêm rằng, những người trong thôn chết bệnh ung thư đều ở độ tuổi 35 đến 50. Những người chết là lao động chính của gia đình, khi họ mất đi thì cha mẹ già, vợ con thơ đều lâm vào cảnh túng quẫn. Vào nhà chị Hoàng Thị Hoa, quá chạnh lòng trước cảnh người vợ trẻ goá bụa liêu xiêu với 6 đứa con thơ dại.

“Eng Hồng ung thư mất, một mình tui tảo tần cũng chỉ mong kiếm được miếng cơm miếng cháo cho mấy đứa con. Còn chuyện học hành của các cháu coi như tui có tội với tụi nó vậy. Gắng đứt hơi cũng chỉ cho thằng cu đầu học hết lớp 9, mấy đứa còn lại biết chữ là thôi”- chị Hoa lau nước mắt trên khuôn mặt bung bủng hốc hác.

Ông Nguyễn Văn L. (xin được giấu tên), người đã ghi tên mình vào sổ tử căn bệnh K của làng. Bệnh viện bó tay, trả về. Và chắc ông không còn trụ được bao lâu nữa nhưng những đứa cháu nội của ông sẽ ra sao khi mà làng An Bình vẫn sống chung với nguồn nước phèn chua đỏ quạch đục ngầu kia?

MỚI - NÓNG