Bán ngô trên vỉa hè. |
Theo kết quả điều tra vừa công bố, Pretoria là thành phố có mức lương trung bình cao nhất Nam Phi, nhưng chi phí sinh hoạt lại rẻ hơn nhiều so với trung tâm kinh tế Johannesburg. Mức thu nhập cho thấy, chênh lệch giàu nghèo tại Nam Phi ngày càng lớn.
Chênh lệch giàu nghèo
Nhân viên bảo vệ làm việc tại ký túc xá Đại học Công nghệ Tshwane như anh Sakin, chị Evlyn được trả khoảng 3.500 rand (tiền Nam Phi) mỗi tháng, tương đương 10 triệu đồng.
Đến từ Johannesburg, với mức thu nhập trên, anh Sakin phải chi tiêu thắt lưng buộc bụng mới đủ sống. Sakin sống trong căn phòng tồi tàn được thuê với giá chỉ 300 rand/tháng (900 nghìn đồng) và tự nấu ăn, cả năm trời không mua quần áo mới, không có bạn gái, nhưng túi lúc nào cũng rỗng.
Tuy nhiên, anh Sputa, bảo vệ cho tư dinh của một người giàu có trên đại lộ Skinner, cũng chỉ được trả gần 2.000 rand/tháng (6 triệu đồng).
Trong khi đó, theo kết quả điều tra, mức lương trung bình mỗi tháng ở Pretoria là hơn 20.600 rand/người (khoảng 65 triệu đồng), so với mức chung của Nam Phi là hơn 19.200 rand.
Anh Singh, chủ cửa hàng điện tử trên phố Bosman & Schoeman, cho biết mức thu nhập của những vị trí như giám đốc “con” trong tập đoàn viễn thông Vodacom, Telestream… lên tới hàng chục ngàn USD, không thua kém các nước phát triển ở Âu, Mỹ.
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết những mặt hàng đều có giá gấp 3-6 lần so với Việt Nam. Tại nhà hàng bình dân do người Nga làm chủ trên phố Bosman, mỗi suất cơm được bán với giá từ 20 đến 30 rand (60.000 - 90.000 đồng); Coca - Cola hay Pepsi có giá 7 rand (21.000 đồng). Quần bò hoặc áo thun hàng chợ made in china có giá từ 25 đến 40 rand (750 .000 - 1,2 triệu đồng). Một căn hộ chung cư bình dân cho thuê với giá trung bình 2.800 rand (8,4 triệu đồng)/tháng và nếu rộng hơn với 2 phòng ngủ thường có mức giá gấp đôi.
Là thành phố phát triển, mỗi gia đình có ít nhất 1 xe ô tô, có đường truyền internet riêng nên dịch vụ công cộng như xe buýt, taxi, internet…tại Pretoria rất nghèo nàn. Ngoài vấn đề an ninh, dịch vụ công cộng cũng được xem là rào cản đối với ngành du lịch.
Thủ đô Pretoria cũng có 6-7 hãng taxi, nhưng hiếm khi thấy taxi trên phố. Xe mini buýt 14 chỗ ngồi thường phóng bạt mạng, không có biển hiệu để du khách nhận biết, dừng đỗ loạn xạ và cũng không có chỉ dẫn nào khác. Giá cước taxi lên tới 13 rand/km (gần 40.000 đồng) và hiếm có khách nước ngoài nào dám bắt taxi vì lo ngại về sự an toàn.
Một trong những “đặc sản” của Pretoria là tiếng rồ ga chói tai, phóng nhanh, vượt ẩu trên các đường phố nhưng ở các ngã tư đều không có chốt cảnh sát giao thông. Người dân địa phương cho biết, tai nạn giao thông xảy ra liên tục ngay cả trong nội đô.
Những góc tối
Mọi người nước ngoài khi tới Nam Phi đều được khuyến cáo không ra ngoài ban đêm, đi theo nhóm trên 5 người, không mang theo tài sản có giá trị, không trò chuyện với người lạ, không chống cự khi bị cướp. Những vụ cướp vũ trang gây chết người được báo chí đăng tải liên tục khiến bất kỳ người nước ngoài nào cũng phải ái ngại.
Rao vặt dịch vụ nạo phá thai xuất hiện khắp thành phố. |
Ít nhất với chúng tôi, nhiều người Nam Phi, đặc biệt là thanh niên, tỏ ra cởi mở, thân thiện khi chủ động chào hỏi và bắt tay chúc mừng tới Nam Phi. Tuy nhiên, hầu như trên các đường phố Pretoria đều có các nhóm thanh niên tụ tập không biết để làm gì và luôn có ánh nhìn soi mói với người nước ngoài.
May mắn không gặp “đặc sản” cướp vũ trang, nhưng an ninh thắt chặt khắp mọi nơi. Cổng vào hội nghị, hội thảo hoặc quán bar, sân bay… đều có biển cấm mang súng và bị lục soát kỹ. Rao vặt về dịch vụ hỗ trợ an ninh, trình báo tội phạm được gắn khắp thành phố. Bảo vệ tại các cơ quan trọng yếu cùng ngân hàng được trang bị cả súng tiểu liên. Cơ quan nhà nước, cửa hàng kinh doanh đều lắp cửa sắt hạng nặng…
Cuộc sống về đêm ở Nam Phi tập trung tại các khu vực như Arcadia, Brooklyn, Sunnyside hay dọc phố Nhà thờ, Proterius, Schoeman. Đây được cho là nơi hoạt động của gái mại dâm và các tay tội phạm tụ tập ngoài quán bar mở nhạc hết công suất. Khoảng 5 giờ chiều ngày cuối tuần, chúng tôi tới khu vực này. Phố đã vắng bóng người, chỉ có sự xuất hiện của từng nhóm thanh niên vẻ mặt bặm trợn.
Qua phố Nhà thờ, chúng tôi đến Quảng trường Nhà thờ, nổi tiếng với bức tượng Tổng thống Paul Kruger. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở Pretoria, nhưng người lạ không dám nán lại lâu. Người địa phương ngồi rải rác trên bãi cỏ bên cạnh những đàn chim bồ câu, thể hiện nét thanh bình của thành phố. Tuy nhiên, Quảng trường Nhà thờ cũng là nơi tập trung đông nhất trẻ em lang thang, thanh niên thất nghiệp, người vô gia cư, nhiễm HIV.
Kenneth, 20 tuổi, sinh viên ĐH Pretoria, dẫn chúng tôi tới Quảng trường Hatfield, nơi tập trung đông nhất giới trẻ về đêm. Hàng chục quán bia bao quanh quảng trường cùng với âm nhạc cảm giác mạnh đặc trưng của thanh niên da đen tạo nên không khí náo nhiệt, tiệc tùng gần như suốt đêm. Thanh niên tập trung về đây đông vì giá rẻ và để lấy không khí, như Kenneth giải thích.
Rửa xe siêu tốc ngay trên phố. |
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nam Phi lên tới gần 50% với hệ quả rõ nhất là tội phạm gia tăng. Từng nhóm thanh niên bám trụ trên các đường phố, làm đủ thứ nghề kể cả ăn xin và xin đểu để kiếm sống qua ngày. Việc phổ biến nhất mà những nam nữ thanh niên thất nghiệp ở Pretoria là bán hàng trên vỉa hè; chèo kéo người đi đường tới cửa hàng; phát tờ rơi; dán quảng cáo rao vặt; rửa xe siêu tốc khi xe dừng dưới lòng đường với đồ nghề là xô nước và khăn lau...
Anh N.Leboga, đến từ vùng quê nghèo bên ngoài thành phố, cho biết mỗi lần rửa xe siêu tốc chỉ kiếm được 5 rand, nhưng có việc làm là may rồi.