Lãng phí hàng trăm triệu đồng

Nhiều vùng đất ở Đăk Pơ vẫn canh tác kém hiệu quả
Nhiều vùng đất ở Đăk Pơ vẫn canh tác kém hiệu quả
TP - Đăk Pơ là huyện mới chia tách, nhiều khó khăn. Nhiều năm qua UBND huyện Đăk Pơ đã giao cho phòng NN&PTNT huyện đưa nhiều loại cây trồng vật nuôi vào nuôi, trồng thử nghiệm để nghiên cứu chuyển giao cho nông dân. Tuy nhiên, do tắc trách, nhiều dự án tốn tiền mà hiệu quả không có.
Nhiều vùng đất ở Đăk Pơ vẫn canh tác kém hiệu quả
Nhiều vùng đất ở Đăk Pơ vẫn canh tác kém hiệu quả.
 

Ngày 10-9-2008, UBND huyện Đăk Pơ phê duyệt 2 phương án do Phòng NN& PTNT đệ trình gồm trồng thử nghiệm khoai sọ và na dai, tổng kinh phí hơn 87 triệu đồng. Sau đó, Phòng NN&PTNT ký hợp đồng mua giống khoai sọ với Công ty Sản xuất giống chất lượng Bắc Nam, thanh lý hợp đồng ngày 21-10-2008.

Việc trồng khoai sọ trong mùa mưa không đảm bảo tính thời vụ nên đa số bị ngập úng chết, không đánh giá được hiệu quả, lãng phí toàn bộ số vốn hơn 20,9 triệu đồng ngân sách và 9,3 triệu đồng của dân. Với cây na dai tổng kinh phí cho dự án gần 57 triệu đồng trong đó vốn ngân sách 33 triệu đồng cũng triển khai rất hình thức, đến nay 90% số cây chết.

Các hộ trồng na dai cho biết, giống không đạt chất lượng, cây nhỏ, lá vàng úa, nấm mốc ở đáy hom bầu song vẫn nghiệm thu nhận giống. Tương tự như vậy, việc trồng khảo nghiệm mít nghệ, xoài Đài Loan với quy mô 5ha ở 9 trang trại do ngân sách bỏ ra hơn 57,5 triệu đồng trong năm 2008 đã không đúng đối tượng như trong dự án đề ra.

Công việc triển khai qua loa, giao giống cho dân rồi họ tự chia chác cho nhau trồng thử mỗi hộ một ít. Kết quả là cây chết hơn 85 %, khi các ngành chức năng kiểm tra thì không có cơ sở để đánh giá kết quả.

Phòng NN&PTNT Đăk Pơ còn có nhiều dự án chuyển giao khoa học lãng phí tiền ngân sách khác như mô hình nhân rộng mía quy mô 9 ha của 18 hộ tại 4 xã, tổng kinh phí hơn 126 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách bỏ ra hơn 65,4 triệu đồng.

Hai năm sau khi Huyện ủy Đăk Pơ kiểm tra chỉ còn 2 hộ lưu lại gốc mía này với tổng diện tích 0,8ha. Các hộ khác phá bỏ bởi giống mía cấp cho họ không thuần chủng, năng suất thấp, kém chất lượng không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.

Năm 2009, Phòng NN&PTNT dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Trường tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ triển khai tiếp mô hình trồng chuối tiêu hồng, khảo nghiệm giống mía K88-65. Việc trồng chuối tiêu hồng triển khai 12 hộ tại xã Tân An, Cư An, An Thành quy mô 2 ha tổng kinh phí đã chi hơn 30 triệu đồng.

Trồng không đúng thời vụ, giống chuối không đảm bảo chất lượng nên hiệu quả của dự án này cũng không thể đánh giá được. Việc trồng khảo nghiệm mía K88-65 theo phương án được UBND huyện phê duyệt thì mô hình được triển khai cho 2 hộ dân ở xã Tân Thành, quy mô 2 ha, tổng kinh phí hơn 63 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 34 triệu đồng.

Người ta thấy có hộ ông Trần Văn Định ở xã An Thành có tên nhận thực hiện khảo nghiệm 1 ha. Qua kiểm tra ông Định cho rằng, không biết gì về việc triển khai mô hình này trên địa bàn xã, cũng không đăng ký tham gia mô hình, không ký vào danh sách nhận giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Thanh tra Nhà nước, rồi Ủy ban kiểm tra Huyện ủy vào cuộc kiểm tra và đã có kết luận, chỉ ra nhiều sai phạm, song Trưởng phòng Phòng NN &PTNT Đăk Pơ ông Nguyễn Trường vẫn được cất nhắc lên chức Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ trong nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG