Làng nuôi heo lớn nhất miền Bắc: Lợn bán đi, xú uế ở lại

Làng nuôi heo lớn nhất miền Bắc: Lợn bán đi, xú uế ở lại
TP - Xã Ngọc Lũ hằng năm xuất gần 10.000 tấn lợn hơi (chiếm một nửa sản lượng chăn nuôi lợn của toàn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) đang giàu lên trông thấy nhưng những hậu họa của nó lại ngày đêm đe dọa cuộc sống nơi đây.
Làng nuôi heo lớn nhất miền Bắc: Lợn bán đi, xú uế ở lại ảnh 1
Phía sau các trại lợn là các ao phân ô nhiễm trầm trọng - Ảnh: Đức Kế

Căn nhà khang trang, trị giá nửa tỷ bạc của gia đình anh Phạm Bá Thành (Đội 12, xã Ngọc Lũ) được xây lên từ tiền lãi bán mấy lứa lợn gần đây. Cơn bão lợn vì điệp khúc mất giá, dẫu có lúc khiến anh lỗ hàng chục triệu đồng nhưng với sự cần cù, giàu kinh nghiệm, anh vẫn vượt qua tất cả, trở thành một trong những hộ dân chăn nuôi lợn giỏi nhất vùng.

Còn nhớ, năm 2006 - 2007, nhận thấy nhu cầu thực phẩm tăng cao, anh Thành mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây ba trang trại, với gần 1.000 con giống siêu nạc. “Lúc đó, lợn giống thuần và khỏe, ít dịch bệnh hơn bây giờ nên dễ nuôi, dễ trúng” - Anh tâm sự.

Chỉ riêng năm 2007, anh Thành lãi ròng 600 triệu đồng. Có động lực tốt, lại có vốn, thị trường rộng mở, anh tiếp tục đầu tư, nuôi hơn 500 con lợn, tiền lãi cứ thế tăng.

Qua trang trại gia đình anh Hiển (Đội 1), hơn 150 con lợn đang tuổi ăn tuổi lớn, nằm dài trong chuồng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, anh sẽ xuất khoảng chục tấn lợn hơi, với giá hiện tại (khoảng 33.000 - 34.000 đồng/kg lợn hơi), anh sẽ lãi gần trăm triệu đồng.

Người Ngọc Lũ từ lúc làm đủ các nghề như buôn bán long nhãn, vải thiều, làm gỗ, dăm năm nay chuyển sang chăn nuôi ồ ạt. Cao điểm, cả xã có lứa xuất chuồng gần 40.000 con lợn, thu cả trăm tỷ đồng.

Lợn trong xã được các lái buôn mua, rồi tập hợp tại chợ Chủ, trước khi xuất đi các nơi (chủ yếu là Hà Nội).

Ông Bùi Xuân Hùng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, cho biết, Đội 1 là nơi tập trung nhiều hộ chăn nuôi lớn nhất xã, trong đó có nhiều đại gia phất lên từ nuôi lợn như anh Long, anh Việt, anh Hải, anh Định.

Cả xã Ngọc Lũ có khoảng 700 hộ nuôi lợn với quy mô lớn, từ 100 con lợn trở lên. Tính cả năm 2009, toàn xã xuất hơn 7.000 tấn lợn, doanh thu khoảng 200 tỷ đồng.

Hiểm họa

Đối lập trong bức tranh với những ngôi nhà cao tầng là hiểm họa môi trường đang ngày càng trầm trọng.

Khi chúng tôi đến nhà anh Phạm Bá Thành, đằng sau ngôi nhà khang trang của anh là hệ thống chuồng trại chằng chịt. Hơn 150 con lợn đang lớn như thổi, hằng ngày thải ra mấy trăm kilôgam phân.

Để làm sạch chuồng nuôi, mỗi con cần khoảng 10 lít nước, rồi thải ra phía sau nhà. Đó là cái ao tù đen sì, đặc quánh, ruồi nhặng bay tứ tung.

Anh Thành đã đầu tư xây dựng hai hầm biogas nhưng chỉ xử lý chưa được một phần ba lượng nước thải. Mỗi năm anh phải dành thêm 4 - 5 triệu đồng để mua hóa chất, khử mùi. Trong nhà anh lúc nào cũng có cả chục hộp thuốc trừ muỗi, gián. Thế nhưng, tình trạng vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ chăn nuôi ở Đội 1, ông Nguyễn Quyết Định - Chủ tịch Hội Nông dân xã, chỉ cho xem nhiều ao hồ giờ đã là hố phân thải lớn.

Tại khu chăn nuôi của anh Hiển, nước thải từ chuồng lợn trực tiếp ra môi trường, mùi xú uế nồng nặc. Đó cũng là hình ảnh chung của hàng trăm hộ chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ.

Ông Bùi Xuân Hùng - Chủ tịch UBND xã, cho biết thêm, sự bùng phát, thiếu quy hoạch trong chăn nuôi khiến môi trường sống của xã Ngọc Lũ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đáng sợ hơn, nguồn nước ngầm lại nhiễm thạch tín (ssen), một á kim cực độc hại. Xã và huyện đã hỗ trợ dân xây dựng hầm biogas để xử lý nước thải nhưng vì kinh phí quá ít (hỗ trợ 1-2 triệu đồng/hầm, trong khi mỗi hầm cần 8-12 triệu) nên năm 2009, mới xây thêm 55 hầm biogas đạt tiêu chuẩn, nâng tổng số hầm biogas của cả xã lên 400.

Môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng là nguyên nhân gây ra một số bệnh, nhất là vào mùa hè, như đau mắt đỏ, tả, lỵ dẫn đến tiêu chảy, các bệnh về đường ruột, hô hấp. Gần đây phát hiện thêm một số người mắc ung thư nghi là do môi trường sống bị xuống cấp.

“Nếu không có giải pháp căn cơ thì, về lâu dài, sức khỏe dân chúng tôi sẽ rất nguy” - Ông Bùi Xuân Hùng, nói. 

Tổng cục Môi trường vừa phê duyệt dự án thí điểm nhà máy xử lý nước thải chăn nuôi lợn, với tổng vốn đầu tư 6,8 tỷ đồng. Công suất xử lý mỗi ngày đêm 300 m3, hệ thống mương dẫn hơn 1,2 km, nước thải qua xử lý ra môi trường sẽ đạt tiêu chuẩn loại B.

Thế nhưng, nhà máy này cũng chỉ xử lý cơ bản nước thải của 90 hộ chăn nuôi ở Đội 1. Còn các thôn khác vẫn chưa có hy vọng.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.