'Làng họa sĩ' đang cần nơi học vẽ

'Làng họa sĩ' đang cần nơi học vẽ
TP - Làng Cổ Đô, xã Cổ Đô (Ba Vì – Hà Nội) được mệnh danh “Làng họa sĩ”. Đây là vườn ươm tài năng hội họa, trong đó có những đứa trẻ tật nguyền. Thầy dạy đã sẵn sàng nhưng thiếu nơi học vẽ.

Ông Nguyễn Trung Thành – Chủ tịch UBND xã Cổ Đô cho biết: “Đến nay, làng Cổ Đô đã có hơn 40 họa sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư. Người khơi nguồn phong trào học vẽ ở đây là cố họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt”.

Ở Cổ Đô, mỗi thế hệ đều có những họa sĩ xuất sắc, lớp con cháu tiếp bước tạo nên danh tiếng Làng họa sĩ. Có những người không qua đào tạo, nhưng nhờ năng khiếu, niềm đam mê, cộng với sự chỉ bảo của thế hệ đi trước đã trở thành họa sĩ và trở thành Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Thương binh Nguyễn Ngọc Cũi (67 tuổi) là một điển hình.

Ông Cũi tâm sự: “Sau khi qua đời, họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tại nhà họa sĩ Tốt hiện có bảo tàng mỹ thuật riêng, trưng bày các tác phẩm của cụ. Trong dòng họ hiện có khoảng 14 người theo hội họa”.

Mảnh đất khoa bảng này còn sinh ra nhiều họa sĩ có tên tuổi như Trần Hòa, Giang Khích, Sỹ Khiết, Ngô Bình Thiểm, Ngọc Thạch, Sỹ Tuấn, Hoàng Việt, Huy Khôi... Trong đó có những người hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Hiện nay, nhiều họa sĩ trẻ tâm huyết đang dạy nghề cho thanh thiếu niên trong làng, đặc biệt là các trẻ em khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn. Được sự giúp đỡ của Tổng cục Dạy nghề, xã Cổ Đô đã mở 4 lớp học mỹ thuật, thu hút 120 học viên tham gia. Trong đó, riêng lớp học dành cho người khuyết tật có 30 học viên.

Học viên tham gia các khóa học không phải đóng học phí. Suốt hơn 10 năm qua, họa sĩ Hoàng Việt và một số họa sĩ dạy vẽ miễn phí cho nhiều con em trong làng. Hiện anh đang phụ trách CLB mỹ thuật của làng.

Bảo tàng Mỹ thuật tại thôn Cổ Đô được hoàn thành 2 năm nay vẫn chưa bàn giao
Bảo tàng Mỹ thuật tại thôn Cổ Đô được hoàn thành 2 năm nay vẫn chưa bàn giao.

Mỗi năm, các họa sĩ ở đây đào tạo từ 70-100 học viên. Từ lò đào tạo này, nhiều em đã đỗ vào các trường đại học, cao đẳng mỹ thuật, kiến trúc. Có em sau khi tốt nghiệp đại học trở về làng cùng họa sĩ Hoàng Việt ươm mầm các họa sĩ tương lai.

Họa sĩ Hoàng Việt bộc bạch: “Họa sĩ trong làng rất nhiệt tình dạy vẽ cho các em nhưng lại thiếu chỗ học. Có một nghịch lý là: Bảo tàng Mỹ thuật ở thôn đã xây xong cách đây 2 năm với số tiền đầu tư nhiều tỷ đồng, khang trang, rộng rãi, nhưng đến nay vẫn đóng cửa bỏ đấy, chưa bàn giao để các họa sĩ hoạt động. Sắp tới, chúng tôi đành mượn nhà văn hóa thôn để tiếp tục chương trình dạy vẽ”.

Các họa sĩ làng Cổ Đô không khỏi bức xúc vì Nhà nước đã đầu tư xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật phục vụ cho công tác phát triển làng nghề, nay lại đóng cổng, lãng phí.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG