Geneva - thành phố của các điệp viên - Kỷ 2

Làn sóng ám sát của mật vụ Iran

Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, một làn sóng ám sát được lực lượng tình báo Iran triển khai ở ngay Geneva nhằm vào những nhân vật cấp cao của chế độ cũ.

Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, một làn sóng ám sát được lực lượng tình báo Iran triển khai ở ngay Geneva nhằm vào những nhân vật cấp cao của chế độ cũ.

Vào một buổi tối đẹp trời ngày 10/8/1987, một đôi tình nhân trẻ đang thư thái thả bộ bên hồ Leman, trung tâm của thành phố Geneva. Tay trong tay, họ chuẩn bị về khách sạn Edelweiss tọa lạc trên Quảng trường Navigation. Đột nhiên có hai người đàn ông xuất hiện. Một người rút khẩu súng ngắn trang bị ống giảm thanh, bắn 6 phát ở cự ly gần vào đôi tình nhân. Người đàn ông ngã gục ngay tại chỗ. Kẻ giết người để lại hiện trường một mũ lưỡi trai xanh rồi bỏ trốn.

Nạn nhân là Ahmad Moradi Talebi, một đại tá không quân Iran, người đã đào tẩu khỏi lực lượng không quân nước này cùng chiến đấu cơ của mình ngay khi đang diễn ra cuộc chiến tranh Iran - Iraq (bùng nổ tháng 9/1980). Trước đó, Talebi biết rằng mình gặp nguy hiểm và đã báo cho cảnh sát Geneva.

Trong giai đoạn hỗn loạn những năm 1979 - 1980, những thành phần như Talebi bị coi là kẻ thù của Iran. Trong số đó không thể không kể đến phong trào “Moudjahidines Nhân dân” do Massoud Radjavi lãnh đạo.

Massoud Radjavi có một người anh là tiến sĩ luật Kazem Radjavi. Ông này là đại sứ đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Liên hợp quốc ở Geneva (1979 - 1980). Tuy nhiên, sau đó ông đã từ chức, quay sang phản đối chính quyền Iran. Năm 1982, ông Kazem trở lại Geneva. Tại đây, ông xin hưởng quy chế tị nạn chính trị và trở thành đại diện của tổ chức đối lập mang tên Hội đồng quốc gia Kháng chiến Iran (NCRI) tại Thụy Sĩ.

Cũng giống như Ahmad Moradi Talebi, Kazem Radjavi biết rằng tính mạng đang bị đe dọa. Một ngày nọ, khi tới họp tại trụ sở của LHQ ở Geneva, một nhà ngoại giao Iran tiếp cận và cảnh báo Kazem: “Người ta sẽ tới lột da ông”. Năm 1986, Đại giáo chủ Khomenei, biểu tượng và người lãnh đạo cuộc cách mạng Hồi giáo, đã chính thức ban hành án tử đối với Kazem.

Làn sóng ám sát của mật vụ Iran ảnh 1

Hai nghi phạm tham gia vụ ám sát ông Kazem.

Vavak, cơ quan mật vụ của chính quyền Iran, có trách nhiệm thi hành mệnh lệnh mật này. Chiến dịch ám sát ông Kazem đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Theo tiến sĩ, luật sư Sanarbargh Zahedi, người đã theo dõi tất cả các vụ ám sát do chính quyền thực hiện, có ba kịch bản đã được Vavak vạch ra. Một là làm nổ tung ngôi nhà của Kazem cùng ông chủ của nó, hai là tạo ra một vụ “tai nạn” với chiếc xe của ông này, và ba là phục kích nạn nhân bằng xe hơi. Và phương án thứ ba đã được lựa chọn.

Để ám sát thành công, lực lượng tình báo hành động của Iran đã tập dượt tại một địa điểm ở thành phố Qazvin, phía Tây Bắc Iran với bối cảnh cuộc phục kích được làm như thật. Chỉ huy của chiến dịch còn dự trù trường hợp trời mưa, phù hợp với thời tiết của Thụy Sĩ thời gian tiến hành vụ ám sát.

Ngày 24/4/1990, ông Kazem đang lái xe về nhà ở Tannay thì đột nhiên bị hai xe khác áp sát, trong đó một xe có radar the dõi. Chiếc xe này chạy vượt lên và chặn đầu xe của ông Kazem. Chiếc thứ hai lao tới, chở một người đàn ông cầm khẩu súng tiểu liên Uzi xả một băng đạn và kết liễu mạng sống của ông Kazem. Sáu viên đạn đã bắn trúng người nạn nhân, 5 viên bắn trượt. Bên cạnh thi thể, đội biệt kích để lại một chiếc mũ lưỡi trai màu xanh làm dấu hiệu ám sát.

Cảnh sát bang Vaud của Thụy Sĩ và thẩm phán Roland Chatelain không mất nhiều thời gian để lần ra dấu vết của thủ phạm. Cũng cần phải nói rằng biệt kích Iran không tìm cách xóa dấu vết. Một lệnh truy nã quốc tế đối với các đối tượng này được Thụy Sĩ phát ra với số lượng nghi can lên tới 13 người. Họ đều mang hộ chiếu Iran, ghi rõ mục đích đến Thụy Sĩ là để “thực thi nhiệm vụ”, ở cùng một địa chỉ. Địa chỉ đó nằm trên một con phố ở Tehran, nơi có trụ sở của Bộ Ngoại giao và văn phòng Vavak. Phần lớn các nghi phạm đã vào Thụy Sĩ trên một chuyến bay trực tiếp Tehran - Geneva. Số vé máy bay được đặt nối tiếp nhau. Ngoài ra, hai giờ sau khi xảy ra vụ ám sát, nhiều nghi phạm đã bay tới Vienna. Tại đây, giới chức an ninh mất dấu họ, có thể những người này đã trở về Iran bằng giấy tờ giả. Ngày hôm sau, Massoud Radjavi, em trai của ông Kazem, đã gửi điện tín tới Tổng thống Thụy Sĩ Arnold Koller tố cáo sự can dự của hai nhà ngoại giao cấp cao, có trách nhiệm giám sát chiến dịch ám sát kể trên.

Làn sóng ám sát của mật vụ Iran ảnh 2

Giới chức Thụy Sĩ họp báo về vụ ám sát.

Một trong những chiếc xe của đội ám sát được tìm thấy sau đó gần sân bay. Nhưng chiếc thứ hai mất dấu. Để tìm được chiếc xe này, lực lượng phản gián Thụy Sĩ đã nhờ các đồng nghiệp Mỹ. Lực lượng an ninh Mỹ đã lắp đặt ở Geneva một trạm nghe lén công suất lớn và họ đã tìm thấy chiếc xe này đang nằm trong phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc ở khu phố Conches, Đông Nam Geneva.

Nhưng phải hơn hai năm sau, ngày 15/11/1992, hai trong số những nghi phạm trên mới bị bắt giữ tại Paris khi bị nghi ngờ đang chuẩn bị một chiến dịch mới. Phía Thụy Sĩ yêu cầu Pháp cho dẫn độ họ về Thụy Sĩ. Tuy nhiên, viện dẫn “lợi ích quốc gia”, Paris đã phóng thích hai nghi phạm. Năm 2006, thẩm phán bang Vaud Jacques Antenen tiếp quản vụ điều tra lại ban một lệnh truy nã quốc tế nhắm vào một quan chức cấp cao của Iran, Ali Fallaijan, Bộ trưởng Tình báo dưới thời Tổng thống Hachemi Rafsandjani.

Tháng 3/2013, một trong những người liên quan tới vụ ám sát ông Kazem xuất hiện tại Geneva. Đó là Akhondzadh Basti, Thứ trưởng Ngoại giao, dẫn đầu phái đoàn Iran tham dự Hội đồng nhân quyền tại trụ sở LHQ Palais des Nations. Nhà ngoại giao này đã đi cùng chuyến bay với những người đã ám sát ông Kazem và được cho là cùng với Đại sứ Hadi Nadjaf Abadi tại Saudi Arabia, giám sát chiến dịch. Tuy nhiên, được quy chế miễn trừ ngoại giao bảo vệ, giới chức Thụy Sĩ không thể thẩm tra nhà ngoại giao trên. Trong giai đoạn từ 1984 - 1994, Iran đã thực hiện 250 vụ ám sát lực lượng đối lập.

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.