Làm theo phong trào

Làm theo phong trào
TP - Thời nay, các phương tiện thông tin đại chúng tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của cuộc sống. Như nạn nhân của cơn bão Chanchu – do thông tin kịp thời nên được nhân dân cả nước giúp đỡ về tinh thần và vật chất, có gia đình được nhận hàng trăm triệu đồng.

Cũng cách đây không lâu, những người lao động Việt Nam chạy nạn từ Li-băng trở về được cơ quan ngoại giao trực tiếp giúp đỡ, chính quyền địa phương hỗ trợ tiền và giới thiệu việc làm.

Tuy nhiên, ta hãy làm một phép so sánh, dù mọi so sánh đều khập khiễng: Rất nhiều những người bị chết vì tai nạn giao thông, vì rủi ro, những gia đình bị mất nhà cửa vì sông lở, những người lao động Việt Nam chạy nạn từ Đài Loan, Malaixia, những người đang phải ngày đêm khốn đốn vì bệnh tật, nghèo đói... đều phải âm thầm tự gánh chịu, tự lo liệu lấy mà ít được ai quan tâm, san sẻ mặc dù tính chất, mức độ rủi ro, tổn thất đâu có khác gì những nạn nhân của cơn bão và cuộc chiến nói trên.

Nạn nhân của các vụ tai nạn “nổi tiếng” thường được lãnh đạo địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp... thăm hỏi, giúp đỡ về vật chất, còn nạn nhân của các vụ không “nổi tiếng” (nghĩa là không được các phương tiện thông tin đại chúng biết đến) thì hầu như thiệt thòi.

Phải chăng ta chủ yếu làm từ thiện theo kiểu phong trào, sự kiện gì được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều, gây sự chú ý thì đóng góp, giúp đỡ, các vị lãnh đạo chính quyền địa phương mới vào cuộc, còn nữa thì bỏ qua...

Trước đây, các căn nhà không phép hồn nhiên mọc lên giữa lòng Hà Nội, ngay trước mắt các cơ quan chức năng. Chỉ đến khi báo chí đưa tin, phản ánh thì vụ việc mới được dư luận quan tâm, các cơ quan chức năng mới nháo nhào, tất bật vào cuộc, mới đề cập, tranh luận về các giải pháp...

Luôn bị theo cuốn theo phong trào, a dua theo mốt thời thượng là cách ứng xử của những người bốc đồng, thiếu bản lĩnh, thiếu suy xét và thường sai lầm, nhiều khi trở nên lố bịch.

Thỉnh thoảng thị trường lại lên một cơn “sốt” và người ta đua nhau chạy theo nó, tạo nên sự hỗn loạn và những hậu quả tiêu cực trong đời sống kinh tế: “sốt” đất,  “sốt” ngoại tệ, “sốt” xuất khẩu lao động, “sốt” vàng... Nhiều khi, chỉ một vài thông tin thất thiệt cũng đủ gây nên một cơn “sốt”.

Thuốc chữa căn bệnh “phong trào”, bệnh a dua là cách sống độc lập, có bản lĩnh, trầm tĩnh và biết suy xét cẩn thận trên một nền tảng trí tuệ và nhân cách tiến bộ.

Quang Hiển
Hà Tĩnh

MỚI - NÓNG