Làm thế nào để giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc?

Hàng hóa Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tràn vào Việt Nam tạo sức ép cho cán cân thương mại. ảnh:Hồng Vĩnh
Hàng hóa Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tràn vào Việt Nam tạo sức ép cho cán cân thương mại. ảnh:Hồng Vĩnh
TP - Đầu vào nhiều ngành công nghiệp cũng như đầu ra của nhiều doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Cơ quan chức năng, giới doanh nhân, học giả… đang tìm cách để doanh nghiệp Việt đứng vững trên đôi chân của mình.

Bài 1: Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu

Cùng với tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự kiện xung đột biển Đông đang là cú hích mạnh đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nỗ lực tìm lối thoát khỏi sự ràng buộc về thị trường, nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị từ người láng giềng Trung Quốc.

Khai thác nguồn nguyên liệu mới

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Cty TNHH Giày Gia Định cho biết, Cty đã tìm kiếm và chuyển sang nhập mặt hàng da từ Ấn Độ, Bangladesh và Ý thay cho nhập từ Trung Quốc.

“Mặt hàng này của các nước kể trên không những tốt mà có giá cả cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc”, ông Trung lý giải.

Ông cho biết, da này được sử dụng cho giày cao cấp, trong khi giày cao cấp chiếm 30% trong tổng số sản phẩm của Cty. Trong mỗi đôi giày da, giá trị mũ da chiếm 50%, 50% còn lại là đế và các phụ liệu khác.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) mới đây kêu gọi các doanh nghiệp (DN) trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu nguyên phụ liệu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc… là các thị trường mà DN Việt Nam có thể hợp tác nhập khẩu xơ, sợi và vải.

Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Cty May Garmex Sài Gòn, cho biết, Cty này đang tích cực khảo sát thị trường nhập khẩu từ các nước ASEAN, đặc biệt Malaysia, để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.

Bản chất không phải là thoát ra khỏi sự phụ thuộc của Trung Quốc mà là thế trận thặng dư thương mại của mình chưa được tốt. Các DN Việt Nam thường không chịu đầu tư vào nền móng phát triển sản phẩm theo chuỗi của nó. Đa số DN Việt Nam chỉ thích kinh doanh ngắn hạn, kể cả các doanh nghiệp nhà nước, từ đó dẫn đến hệ quả là quyền quyết định trong việc mua bán vật tư, phát triển vật tư, nguyên phụ liệu thuộc về đối tác chứ không phải thuộc về mình. Theo tôi, nếu Chính phủ quyết tâm và có chính sách thích hợp để làm cú hích mạnh thì có thể thay đổi được tình hình”.


Ông
Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Giày Thái Bình

Không chỉ tìm kiếm nguồn nhập khẩu mới, nhiều DN tập trung khai thác nguồn nguyên liệu trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas, cho biết, gần đây, Hội Dệt may thêu đan TPHCM tổ chức kết nối các DN may mặc và DN sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu dệt may trong nước, để khai thác tối đa nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ như sợi, dệt và các phụ liệu khác.

“Trước đây, các DN lâu lâu mới gặp nhau và mua cầm chừng cái này cái khác, bây giờ thường xuyên giao lưu và đặt hàng”, ông Hồng cho biết.

Theo ông Hồng, bước đầu đã có những kết quả rất khả quan và nhờ đó, một số DN dệt trước đây chỉ làm 50% năng lực, nhưng nhờ kết nối được, sản xuất tăng lên khoảng 80% năng lực. Cũng có DN mạnh dạn đầu tư thêm máy kéo sợi vì có đầu ra.

Theo ông Hồng, nhiều DN chuyển mạnh từ gia công sang sản xuất hàng FOB từ nguồn nguyên liệu trong nước để xuất sang Nhật Bản. Đẩy mạnh sản xuất FOB từ nguồn nguyên liệu trong nước sẽ đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ hàng gia công, giảm sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc và tăng tính chủ động cho DN.

Cân đối thị trường

Nông sản là mặt hàng lâu nay phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Riêng mặt hàng gạo, nước này hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong quý I/2014, thị trường Trung Quốc chiếm đến 40% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và tỷ lệ trong tháng 4/2014 là 60%.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc đã trở thành thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 năm qua do nhu cầu ngày càng tăng và lợi thế thị trường gần, vận chuyển thuận lợi, đặc biệt là xuất khẩu qua biên giới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA, việc phụ thuộc vào một thị trường tạo ra áp lực rất lớn, chưa kể thị trường Trung Quốc có nhiều rủi ro, ép giá và nguy cơ không thực hiện hợp đồng khi giá thị trường biến động.

Làm thế nào để giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc? ảnh 1

Các DN da giày Việt Nam đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc. Ảnh: Đại Dương

Vì vậy, “dù thị trường Trung Quốc đang giải quyết cho các DN Việt Nam lượng gạo tương đối tốt, giá cả ổn định thì các DN và VFA cũng không xem đây là thị trường sống còn mà đang tiếp tục tìm kiếm và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường châu Phi, châu Âu, Nam Phi… và nhiều thị trường khác”, Chủ tịch VFA nói.

Ông cho biết, vừa qua, Việt Nam trúng thầu 800.000 tấn gạo của Philippines, mặc dù từ tháng 5 đến tháng 8/2014 chỉ giao hàng 200 ngàn tấn/tháng, nhưng đã góp phần tiêu thụ lúa gạo mua tạm trữ vụ Đông Xuân và thu hoạch vụ Hè Thu, giảm bớt áp lực ép giá từ thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh tìm kiếm thị trường, ngành nông nghiệp các địa phương cũng định hướng và khuyến khích bà con nông dân thay đổi cơ cấu trồng lúa, nâng tỷ lệ trồng gạo thơm vốn là ưu thế của gạo Việt Nam để phát huy thế mạnh ở các thị trường.

Việt Nam đang có ưu thế về gạo thơm đối với thị trường lớn thứ 2 của mình là châu Phi. Tháng 4 năm nay, sản lượng gạo thơm xuất khẩu chiếm 25%, tăng so với cùng kỳ năm trước. “Chúng ta phát triển ra nhiều thị trường và từng bước tăng tỷ lệ gạo thơm, tăng chất lượng gạo để cạnh tranh. Đây là biện pháp để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, ông Linh nói.

Tận dụng lợi thế thương mại tự do

Với 80% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu, để hạn chế rủi ro vì phụ thuộc Trung Quốc, các DN ngành nhựa đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường mới. Và thị trường được nhắm đến nhiều nhất là các nước ASEAN nhằm tận dụng lợi thế về thuế suất.

Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, do thuế nhập khẩu trong các nước ASEAN bằng 0%, nên các DN nhựa đã tăng nhập nguyên liệu của các nước trong khu vực, nhất là Singapore. Nguồn cung nguyên liệu nhựa khá dồi dào, các DN tùy vào chiến lược, nhu cầu của mình mà lựa chọn nhà cung cấp dựa trên tiêu chí chất lượng và giá cả.

Theo ông Lam, lợi thế giá rẻ của hàng Trung Quốc không còn là ưu tiên hàng đầu để DN lựa chọn. Hiện nguyên liệu nhựa Trung Quốc nhập về Việt Nam đang phải chịu thuế trung bình 5%, cao hơn các nước ASEAN nên đây chính là cơ hội để DN trong nước từ bỏ nguồn nhập khẩu này.

Không riêng ASEAN, các DN cũng chú trọng khai thác lợi thế về thuế suất từ các khu vực thương mại tự do khác để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc.

Ngày 9/6, làm việc với các DN, hiệp hội để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu các DN nghiên cứu mở thêm thị trường mới, thị trường trung gian. Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương, nói: “Mới đây, các DN kinh doanh rau quả cho biết sẽ chuyển sang thị trường Campuchia, Malaysia, Singapore vì chi phí vận tải không cao”.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, gỗ trong nước (gỗ rừng trồng) đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất xuất khẩu. Việt Nam chỉ nhập gỗ từ Trung Quốc mỗi năm khoảng 300.000 USD và một số loại đơn giản nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Phạm Lê Thư

MỚI - NÓNG