Ngày 17/2, trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ ra mắt CLB Thư pháp Việt và CLB đàn tính, hát then tỉnh Đắk Lắk.
Tại đây, du khách được thưởng thức nhiều làn điệu hát then, đàn tính độc đáo của bà con người vùng cao Tây Bắc. Trong đó, có những làn điệu then cổ, được các thành viên trong CLB kỳ công sưu tầm, học hỏi, biểu diễn, với mong muốn gìn giữ, lan tỏa nghệ thuật truyền thống của người dân vùng cao.
Các thành viên vừa hát vừa vẫy cờ Tổ quốc. |
Cụ Hoàng Thị Nguyên (71 tuổi, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết tự hào mỗi lần mặc lên mình bộ trang phục truyền thống, cầm cây đàn tính vừa đàn vừa hát điệu then của quê hương Lạng Sơn.
Cụ Nguyên biết đến điệu then, đàn tính từ năm lớp 7. Khi ấy, cụ được nghe các bà, các mẹ biểu diễn văn nghệ. Ca từ mộc mạc, gần gũi quyện cùng tiếng đàn nghe rất thấm. Từ đó, cụ Nguyên bắt đầu tìm hiểu cách đàn, cách hát then.
Theo cụ Nguyên, người Tày quan niệm "then" có nghĩa "Thiên", là "Trời". Hát then được ví là "điệu hát thần tiên", điệu hát của "Trời". Đây là nghệ thuật diễn xướng dân gian, được bà con vùng cao Tây Bắc lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Hiểu được ý nghĩa đó, khi vào Đắk Lắk lập nghiệp, cụ Nguyên vẫn gìn giữ lời ca tiếng hát của quê hương.
"Dẫu trong khó khăn, tôi và bà con xung quanh vẫn không quên điệu then, đàn tính. Sau giờ lao động, chúng tôi lại ngồi cùng nhau ngân nga làn điệu quê hương. Đây cũng là cách chúng tôi gìn giữ văn hóa, hướng về cội nguồn", cụ Nguyên tâm sự.
Điệu hát then luôn đi liền với cây đàn tính. |
Sau bao nỗ lực, bà Luân Thị Liên, Chủ nhiệm CLB hát then, đàn tính tỉnh Đắk Lắk cũng mãn nguyện khi tạo được sân chơi nghệ thuật bổ ích cho những thành viên đam mê nghệ thuật truyền thống của người Tày, Nùng.
Bà Liên chia sẻ trước khi lập nên CLB có quy mô toàn tỉnh, các thành viên đã tự lập nhóm với nhau để duy trì điệu hát truyền thống của quê hương. Dẫu hàng ngày còn bận rộn với cuộc sống mưu sinh, song bà con đã dành thời gian tập luyện, gìn giữ văn hóa dân tộc.
"Việc thành lập CLB đàn tính, hát then cấp tỉnh sẽ tạo thêm cơ hội, thuận lợi để làn điệu quê hương được lan tỏa sâu rộng, vang xa, cùng các làn điệu dân tộc khác làm nên sắc màu văn hóa các dân tộc trên cao nguyên Đắk Lắk", bà Liên nhấn mạnh.
Nghệ thuật thư pháp mang theo những câu chúc bình an, may mắn trong cuộc sống. |
Cũng với mong muốn gìn giữ nét văn hóa của dân tộc, chị Đinh Thị Huế đã lập nên CLB Thư pháp Việt tỉnh Đắk Lắk.
Theo chị Huế, hình ảnh "ông đồ" xuống phố cho chữ đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi khi Tết đến xuân về. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống mà chị Huế và những người yêu nghệ thuật thư pháp muốn gìn giữ, lan tỏa. Đó là lý do CLB thư pháp Việt ra đời, mang theo sứ mệnh đưa nghệ thuật này đến gần hơn trong cuộc sống hiện đại.
Chị Đinh Thị Huế, trình diễn nghệ thuật thư pháp ngay trong lễ ra mắt. |
Bà Trương Thị Ánh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk cho hay sự ra đời của 2 CLB trên góp phần gìn giữ, lan tỏa những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn, là sân chơi bổ ích cho những ai đam mê nghệ thuật truyền thống. Phía trung tâm sẽ tạo mọi điều kiện để các thành viên CLB có cơ hội tham gia biểu diễn, giao lưu văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc...
"Cô đồ" cho chữ đầu xuân |
Một số điệu hát then được biểu diễn tại lễ ra mắt:
Làn điệu then da diết được các mẹ, các bà gìn giữ trên cao nguyên Đắk Lắk. |
Màn biểu diễn đàn tính, hát then kết hợp múa phụ họa. |
Với bà con Tày, Nùng, điệu then, đàn tính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. |
Điệu múa bát rất cuốn hút người xem. |
Một làn điệu then cổ được thể hiện. |
Rất đông các thành viên yêu nghệ thuật đàn tính, hát then trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. |