Hát then - đàn tính là loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo của đồng bào Tày, Nùng, Thái ở vùng cao phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là ở Tuyên Quang. Trong thời chống Pháp, chúng trở thành "vũ khí" tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước, đấu tranh của đồng bào biên giới phía Bắc. Ngày nay, loại hình nghệ thuật này không chỉ là di sản văn hóa, giúp giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, kết nối các thế hệ trong thời hiện đại, mà còn mang đến tiềm năng kinh tế cho người dân địa phương.
Phát triển hát then - đàn tính thành sản phẩm du lịch
Năm 2019, hát then chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời là động lực để lan tỏa nét đẹp nghệ thuật văn hóa này đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ở Tuyên Quang, nhu cầu của du khách đối với dịch vụ trải nghiệm nghệ thuật văn hóa truyền thống trong du lịch địa phương ngày càng tăng, đặc biệt là với trải nghiệm nghệ thuật hát then- đàn tính. Đây có thể là một điểm sáng đầy hứa hẹn cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Khu du lịch xã Tân Trào đã có bước đầu đưa nghệ thuật hát then - đàn tính thành sản phẩm du lịch. Một số câu lạc bộ hát then - đàn tính tại xã Tân Trào, như CLB thôn Tân Lập, thường tổ chức các buổi trình diễn vào các dịp lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch, hoặc biểu diễn theo yêu cầu của du khách. Các buổi trình diễn thường diễn ra tại các homestay, khu du lịch, hoặc các địa điểm du lịch nổi tiếng của xã Tân Trào, như Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Hồ Nà Nưa,...
CLB thôn Tân Lập biểu diễn hát then - đàn tính trên Hồ Nà Nưa (Ảnh: TTXVN) |
Tuy nhiên, các buổi biểu diễn phục vụ du khách chưa được diễn ra thường xuyên. Vì chưa có phương án quảng bá phù hợp nên nhiều du khách chưa biết đến loại hình nghệ thuật này, từ đó bỏ lỡ cơ hội để thưởng thức chúng khi đến với Tuyên Quang.
Vì vậy, địa phương có thể chủ động đưa hoạt động xem biểu diễn hát then - đàn tính vào các tour du lịch để du khách lựa chọn. Bên cạnh đó, địa phương có thể liên kết với các đơn vị lữ hành để mở rộng các tour trải nghiệm học hát then, thực hành chơi nhạc cụ đàn tính cho du khách. Hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân bản địa, mà còn để giúp du khách có thêm những trải nghiệm phong phú, toàn diện về nét đẹp văn hóa truyền thống nơi đây.
Các lớp học hát then - đàn tính mang lại tiềm năng kinh tế cho địa phương
Bên cạnh phát triển thành du lịch trải nghiệm, việc mở thêm các lớp dạy hát then - đàn tính tại khu du lịch xã Tân Trào cũng đã tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương. Đây là nơi truyền đạt kiến thức và kỹ thuật trình diễn, cũng là nơi khuyến khích sự sáng tạo và hiện đại hóa trong biểu diễn. Đối tượng hướng đến không chỉ là người đồng bào dân tộc mà còn là các bạn trẻ đam mê học hỏi, yêu thích các nét đẹp nghệ thuật truyền thống.
Câu lạc bộ Hát then - Đàn tính thôn Tân Lập, xã Tân Trào được rất nhiều người dân trong thôn ủng hộ và tham gia. Học viên của CLB không chỉ có các chị, các mẹ, mà cả các bạn nhỏ mới 10,11 tuổi cũng rất tích cực học hỏi. Mỗi tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần, những làn điệu hát then ngọt ngào hòa quyện cùng âm thanh đàn tính lại vang lên tại Nhà văn hóa thôn Tân Lập như một niềm tự hào về nghệ thuật văn hóa nơi đây. Các thành viên trong câu lạc bộ hát then đều mong muốn duy trì và phát triển được điệu hát then đặc sắc của dân tộc mình.
Thông qua các lớp học, học viên có nhiều cơ hội giao lưu, biểu diễn tại các sự kiện và dịp lễ quan trọng. Nhờ đó, các học viên có thêm nhiều kinh nghiệm trình diễn trên sân khấu lớn, mài giũa kĩ năng của mình, đồng thời cũng có thêm nguồn thu nhập từ các buổi trình diễn này.
“Lần đầu tiên cháu được biểu diễn ở một sân khấu lớn là vào dịp lễ Quốc khánh 2/9. Mặc dù lúc đó cháu rất ngại và run, nhưng may mắn là cháu vẫn cố gắng tự tin để hoàn thành phần trình diễn hát then của mình.” - Em Bế Hoài Thương, một thành viên nhỏ tuổi của CLB vui vẻ chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình theo đuổi nghệ thuật hát then - đàn tính.
Một buổi sinh hoạt của CLB hát then đàn tính thôn Tân Lập (Ảnh: Phương Anh) |
Các thành viên CLB tập luyện làn điệu hát then “Ới La" (Ảnh: Phương Anh) |
Các thành viên CLB hát then - đàn tính thôn Tân Lập với trang phục dân tộc (Ảnh: Phương Anh) |
Một thành viên nhí của CLB hát then - đàn tính thôn Tân Lập (Ảnh: Phương Anh) |
Mạng xã hội - Hình thức quảng bá triển vọng
Sử dụng mạng xã hội để quảng bá di sản văn hóa là một bước đi hiện đại, sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Việc chia sẻ các video về hát then - đàn tính trên nền tảng trực tuyến giúp kết nối với du khách và khách hàng tiềm năng. Điều này mang lại những lợi ích thiết thực về kinh tế và du lịch, đồng thời tạo động lực cho sự bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Thầy giáo dạy hát then - đàn tính Xuân Hữu đã đưa nghệ thuật truyền thống hát then - đàn tính lên các trang mạng xã hội và được nhiều người quan tâm và đón nhận. Tại kênh Tik Tok Xuân Hữu Đàn Tính, thầy đã chia sẻ nhiều video khi đi dạy và giao lưu với các lớp học, các câu lạc bộ hát then - đàn tính trên cả nước. Ngoài ra, thầy cũng chia sẻ hành trình đưa trải nghiệm nghệ thuật văn hóa này đến với du khách nước ngoài tại Việt Nam.
Thông qua các video của thầy Xuân Hữu, nhiều bạn trẻ đã biết đến loại hình nghệ thuật đặc sắc này của người đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc. Bên cạnh đó, nhiều người ngỏ ý muốn tham gia vào các lớp học, cũng như nhiều khách hàng tiềm năng đã tìm kiếm nơi bán nhạc cụ đàn tính từ đây.
Thầy Xuân Hữu biểu diễn hát then - đàn tính cho du khách nước ngoài (Ảnh: Kênh Tiktok Xuân Hữu Đàn Tính) |
Với những tiềm năng sẵn có, hát then - đàn tính có thể trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của tỉnh Tuyên Quang, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Để phát huy tiềm năng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân địa phương, để tạo nên một mô hình kinh tế bền vững cho cộng đồng đồng bào dân tộc nơi đây.