Làm sao để biến Việt Nam thành 'hổ' mới của châu Á

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm quan khu vực triển lãm công nghệ năng lượng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm quan khu vực triển lãm công nghệ năng lượng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019
TPO - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng cần phải đột phá về thể chế, xây dựng được môi trường pháp lý cho kinh tế số phát triển tại Việt Nam. Cùng với cải cách thể chế, Trưởng Ban Kinh tế trung ương cũng đặc biệt nhấn mạnh tới đột phá hạ tầng với trọng tâm thu hút đầu tư.

Liên kết kinh tế để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất, điểm đến của doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các DN FDI không chỉ tăng vốn mà còn tạo hàng triệu việc làm trực tiếp, gián tiếp, mang đến xuất khẩu quan trọng cho Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của thế giới còn nông, nên chưa gặt hái được nhiều lợi ích mở cửa với bên ngoài cho doanh nghiệp nội.

Làm sao để biến Việt Nam thành 'hổ' mới của châu Á ảnh 1
  Các chính khách tham dự Diễn đàn đều đồng tình cần duy trì tăng trưởng cao ổn định đột phá  

“Cán cân xuất nhập khẩu chủ yếu thuộc về FDI, 70% giá trị thương mại trong hoạt động xuất khẩu (XK) thuộc về khu vực có vốn FDI. Trong khi đó, thâm hụt thương mại hiện nay thuộc về khu vực doanh nghiệp trong nước”, ông Ousmane Dione cho hay.

Đáng lo hơn, theo ông Ousmane Dione, tỷ trọng giá trị nội địa của Việt Nam hiện đã giảm theo thời gian, đóng góp của Việt Nam còn thấp trong các sản phẩm XK cao, giá trị nội địa sản phẩm điện tử chỉ chiếm 40%, còn lại 60% là nguyên liệu nhập khẩu (NK).

Nguyên nhân của tình trạng này là do Việt Nam thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Hiện chỉ có 9% DN trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng.

Bên cạnh đó, ông Ousmane Dione cũng cho rằng, Việt Nam cần đầu tư tạo dựng giá trị cho nền kinh tế ở tiền sản xuất và hậu sản xuất, ví dụ dẫn chứng hiện nay là Samsung Việt Nam đang tiếp tục đầu tư vào R&D ở Hà Nội và TP.HCM. Đây là điểm tích cực đối với chu trình chuỗi giá trị Việt Nam.

“Các ngành chức năng Việt Nam cần nâng cao giá trị DN trong nước để kết nối, tận dụng hợp tác với FDI và chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết kinh tế, bao gồm các lĩnh vực dịch vụ và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, cần thu hút nhà đầu tư thành đối tác chính để đưa ra hướng dẫn chỉ đạo, tiếp thị cần thiết cho nền kinh tế với bên ngoài”, ông Ousmane Dione khuyến cáo.

Duy trì tăng trưởng cao và ổn định, đột phá chính sách

"Một quốc gia muốn "hoá rồng, hoá hổ" thì phải duy trì được mức tăng trưởng cao, ổn định và đột phá trong chính sách", ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại phiên Đối thoại cấp cao.

Ông Bình cho rằng, Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế. Theo ông Bình, khát vọng của Việt Nam là tới năm 2045 sẽ trở thành nước thịnh vượng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày lập nước, có thể đứng trong hàng ngũ những nước thu nhập cao.

Làm sao để biến Việt Nam thành 'hổ' mới của châu Á ảnh 2 Cần đột phá về thẻ chế xây dựng môi trưởng pháp lý cho kinh tế số ở Việt Nam là khuyến nghị của diễn đàn .

Để làm được điều đó, theo ông Bình, cần phải đột phá về thể chế, xây dựng được môi trường pháp lý cho kinh tế số phát triển tại Việt Nam. Cùng với cải cách thể chế, Trưởng Ban Kinh tế trung ương cũng đặc biệt nhấn mạnh tới đột phá hạ tầng với trọng tâm thu hút đầu tư.

Về nhân lực, ông Bình cho rằng phải đổi mới toàn diện về giáo dục đại học, sau đại học và đào tạo nghề ở Việt Nam. “Muốn bắt kịp 4.0 và phục vụ cho nhân lực chất lượng cao, lâu dài, hỗ trợ quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng cần đổi mới toàn diện giáo dục”, Trưởng Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh. 

Theo ông Bình, thực hiện ba đột phá đó, xác định phát triển mọi thành phần kinh tế trong đó, đặc biệt quan tâm tới khu vực kinh tế tư nhân để khu vực tư nhân thực sự là động lực của nền kinh tế, tạo đà cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

Về phía Chính phủ, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,  trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển kinh tế xã hội và mội trường. Đây là nguyên tắc của sự phát triển.

"Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng ta phát triển phải không được bỏ lại ai ở phía sau.

Với năm 2019, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc. Thực hiện được mục tiêu trên sẽ tăng khả năng chống chịu và hấp thụ các xung lực từ các biến động của nền kinh tế thế giới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên.

Để làm được việc này, Chính phủ sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và kinh tế hợp tác, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa, củng cố hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng, tích cực xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng CMCN 4.0 là cơ hội hiếm hoi thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc. Việt Nam có điểm sáng dân số trẻ, tư duy logic tốt, lực lượng các nhà nghiên cứu đông đảo về trí tuệ nhân tạo trong nước cũng như thế giới.

Ông cũng cho rằng, cái mới bao giờ cũng mâu thuẫn cái cũ. Vì vậy nếu chúng ta không quyết liệt thì không thể làm được cái mới. Vì vậy, cộng đồng DN rất cần sự chỉ đạo từ phía Chính phủ, bộ, ngành và địa phương để làm sao trong năm 2019 chúng ta có sự đột phá về kết nối dữ liệu, đưa ra được cơ chế sandbox. Bên cạnh đó là tập trung đầu tư nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0.

MỚI - NÓNG