World Bank: Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vững chắc

TP - GDP Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,8% trong năm 2018 trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, về trung hạn, World Bank cho rằng tăng trưởng của Việt Nam đi theo xu hướng giảm toàn cầu, kèm theo những rủi ro ngày càng lớn.

Tại cuộc họp báo “Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” ngày 11/12, Ngân hàng thế giới (World Bank -WB) cho biết, tốc độ tăng trưởng năm nay của Việt Nam dự báo vẫn ở mức 6,8%, cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu, giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và năm 2020. Lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt.

Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định. Tuy nhiên, theo World Bank, Việt Nam đang đối mặt với những tiềm ẩn những rủi ro ngày càng lớn.

Đánh giá của WB cho thấy, trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, nền kinh tế Việt Nam sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài. Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể làm giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, thanh khoản quốc tế bị thắt chặt khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm. Ở trong nước, cải cách DNNN và khu vực ngân hàng diễn ra chậm, có thể tác động đến tăng trưởng và làm tăng nợ công.

Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra phức tạp, Việt Nam dự kiến sẽ phải chịu những tác động không nhỏ, nhưng trong khả năng kiểm soát. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể thay thế các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc, hay của Trung Quốc vào Mỹ. 

Tuy nhiên, Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực khi tăng trưởng và thương mại toàn cầu suy giảm, các nhà đầu tư giảm lòng tin. Đồng thời, phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh gay gắt ngay ở thị trường trong nước khi hàng Trung Quốc tìm địa chỉ thay thế và việc Mỹ áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với hàng xuất khẩu để hạn chế thâm hụt thương mại.

Theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt và bội chi ngân sách thấp, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu kinh tế vĩ mô, hội nhập sâu vào khu vực và nâng cao năng lực cạnh tranh để giảm những tác động xấu có thể xảy ra.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định. “Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, song song với cải thiện hiệu suất đầu tư công”, ông Ousmane Dione nói.

Báo cáo của WB cũng cho thấy, hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam hiện vẫn còn phức tạp, chưa rành mạch và tốn kém, dẫn đến chi phí tuân thủ cao. Một nghiên cứu đưa ra ước tính rằng thuế quan trị giá tương đương của các biện pháp vệ sinh dịch tễ mà Việt Nam đang áp cho hàng nhập khẩu hiện ở mức 16,6%, so với mức bình quân là 8,3% ở các quốc gia ASEAN. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các biện pháp phi thuế quan, nếu được thiết kế và triển khai không tốt, có thể gây hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả, và suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia”, WB nhận định.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.