Chỉ trong 2 tháng gần đây, hàng loạt trái cây kêu gọi giải cứu như mít, xoài, bưởi, khoai lang tím…
Cụ thể, khoai lang tím bán tại vườn chỉ có giá từ 1.000-2.000 đồng/kg vẫn không có người mua. Nguyên nhân, khoai lang tím xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nhưng thị truờng này tạm thời ngưng nhập khẩu. Nhất là khi một số tỉnh ĐBSCL xuất hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng động, nhiều thương lái và chuyên gia Trung Quốc không sang được Việt Nam để thu mua khiến giá khoai lang càng rớt thảm.
Để hạn chế câu chuyện "được mùa mất giá", các chuyên gia cho rằng cần quy hoạch lại vùng trồng, có phương án chế biến sau thu hoạch... |
Xoài Úc trước đây có giá 40.000-50.000 đồng/kg, nay sau khi thu hoạch, chở lên Sài Gòn bán với giá chỉ 15.000 đồng/kg. Ngoài ảnh hưởng do dịch không thể xuất khẩu, còn có phần kéo giá rẻ do số lượng xoài Úc tăng đột biến.
Hay hiện tại, mít Thái bán tại các chợ lẻ ở Sài Gòn chỉ có giá 8.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mít Thái được nông dân bán tại vườn với giá vài ngàn đồng/kg, so với đợt thu mua gần đây nhất có giá 50.000-70.000 đồng/kg.
Theo lý giải của nhiều nông dân, các loại nông sản như khoai lang tím, dưa hấu, thanh long, xoài mít… đều là những loại cây ngắn ngày, rất dễ trồng, vốn ít, năng suất cao nên nhanh thu lợi nhuận. Tuy nhiên, đa số thương lái thu mua nông sản của nông dân phần lớn đều thỏa thuận miệng mà không có hợp đồng, chỉ đặt cọc ít tiền để làm tin. Do đó, khi có chuyện xảy ra, thường lái dễ “lật kèo”, nông dân lãnh đủ.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT công ty Vinamit |
Chia sẻ câu chuyện “được mùa mất giá”, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT công ty Vinamit cho rằng, muốn giải bài toán này phải có chiến lược quốc gia, sự đồng lòng của doanh nghiệp, nông dân…
“Phải có chiến lược, có khâu chế biến, công nghệ bảo quản chứ không thể sản xuất ra nhiều thì bán đổ bán tháo. Cần kết hợp quy trình từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ. Những doanh nghiệp quan tâm đến chế biến, đầu tư nhiều vào công nghệ thì sẽ thoát được tình cảnh “hàng đầy đồng mà không ai mua” – ông Viên nhìn nhận và đề nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi vay cho nông nghiệp từ 1-2%, nhằm khuyến khích các trang trại, doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống máy móc, nhà xưởng bảo quản và công nghệ chế biến.
Một yếu tố khác, doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin thị trường. Đơn cử, đối với thị trường nông sản TPHCM thường tiêu thụ nhiều vào dịp cuối tuần; còn những ngày trong tuần mãi lực giảm khoảng 30%. Nếu nắm được nhu cầu, doanh nghiệp sẽ phối hợp với HTX, nông dân giảm sản lượng hoặc tăng cường đưa vào chế biến sâu như làm bột, nước ép… Dĩ nhiên để làm được điều này, doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết bền vững và không thể một sớm một chiều.
Để hạn chế nông sản dư thừa, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho rằng, ngoài chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp nên phối hợp với các bộ ngành để nắm thông tin thị trường kịp thời.
Bà Vy nhìn nhận, bất chấp dịch đang phức tạp, nhiều mặt hàng nông sản rớt giá nhưng sầu riêng vẫn duy trì được mức giá khá cao, như sầu riêng Ri6 thu mua tại vườn có giá từ 35.000-40.000 đồng/kg, Monthong từ 35.000-65.000 đồng/kg, đủ để nông dân có lãi.
“Năm ngoái, chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ thì nay có nhiều đơn hàng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và cả Thái Lan với mặt hàng chính là sầu riêng cấp đông. Nhìn chung, nhu cầu thế giới đối với mặt hàng này còn cao, cung chưa đủ cầu, cơ hội của hàng Việt Nam còn lớn dù đi sau các nước có truyền thống về sầu riêng như Malaysia, Thái Lan” - bà Vy cho biết.
Bên cạnh việc xuất khẩu trái cây tươi, Công Ty Chánh Thu sắp tới còn đầu tư chế biến sầu riêng để cạnh tranh được với các sản phẩm của Malaysia, Thái Lan. “Để nông sản có đầu ra ổn định cần phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu. Các tỉnh nên lựa chọn sản phẩm đặc trưng, phù hợp với thị trường; đồng thời liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định” - bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty Chánh Thu chia sẻ.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm (số liệu thống kê sơ bộ đến ngày 18-6), đạt khoảng 2,063 tỉ USD, tăng 17,4 % so với cùng kỳ 2020, dự báo hết năm 2021, xuất khẩu toàn ngành sẽ vượt mức 4 tỉ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.