Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách Trung ương: 4.000 tỷ đồng và vốn ngân sách TPHCM: 4.200 tỷ đồng).
Dự án được khởi công vào tháng 2/2023 và được triển khai dọc tuyến kênh đi qua địa bàn 7 quận, huyện gồm huyện Bình Chánh và các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh với chiều dài toàn tuyến gần 32km.
Quy mô chính của dự án gồm nạo vét lòng kênh, gia cố kè bê tông hai bên bờ, xây dựng đường giao thông có bề rộng từ 7-12m dọc hai bên tuyến kênh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thu gom nước mưa, nước thải, công viên cây xanh và hệ thống chiếu sáng. TPHCM đã lên kế hoạch đưa dự án này “về đích” dịp kỷ niệm 30/4/2025.
Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (gọi tắt là Ban Hạ tầng đô thị) - chủ đầu tư), đến thời điểm hiện nay tổng khối lượng thi công dự án đạt khoảng 37,90%. Dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Một đoạn kênh Tham Lương (đoạn qua địa bàn quận 12, TPHCM) đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Hữu Huy |
Trong đó, vướng mắc lớn là chưa xác định được bãi đổ bùn nạo vét từ dự án. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bãi đổ tiếp nhận đất, bùn phát sinh từ dự án được xác định tại dự án Tiểu khu 3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, Công viên văn hóa Gò Vấp tại Phường 6, quận Gò Vấp và Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên, chủ đầu tư cho biết, khi triển khai thực hiện người dân, cơ quan chủ quản, sở chuyên ngành chưa đồng thuận nên hiện nay đất, bùn được tập kết tạm ngay tại công trường, làm vướng mặt bằng thi công của những hạng mục tiếp theo cũng như không thể tiến hành nghiệm thu giải ngân vốn cho các công việc đào, vận chuyển đất...
Theo chủ đầu tư dự án, số lượng đất, bùn dư nêu trên đã được xác định không phải là chất thải nguy hại nên cần tận dụng để san lấp cho các công trình công cộng do TPHCM quản lý nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, nếu các địa phương vẫn không có nhu cầu tận dụng như thời gian vừa qua thì dự kiến Ban Hạ tầng đô thị sẽ đề xuất chuyển đến các vị trí có nhu cầu khác trên địa bàn quận 12... do các hộ dân quản lý có nhu cầu tiếp nhận sau khi đã phối hợp với sở chuyên ngành, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thực hiện các thủ tục liên quan khác.
Bên cạnh đó, dự án cũng đang vướng mặt bằng do các hộ dân tái lấn chiếm phạm vi đã thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư trong giai đoạn 1 (bao gồm 21 trường hợp gồm: quận Bình Thạnh 1 trường hợp; quận 12: 2 trường hợp; quận Gò Vấp: 1 trường hợp; quận Bình Tân: 15 trường hợp và huyện Bình Chánh: 2 trường hợp).
Chủ đầu tư kiến nghị UBND các địa phương cùng phối hợp tuyên truyền, vận động hoặc có kế hoạch tháo dỡ, thu hồi, bàn giao mặt bằng để việc thi công đảm bảo tiến độ.
Bên cạnh các vấn đề trên, chủ đầu tư dự án còn cho biết việc điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục cho dự án cũng gặp khó khăn. Nguyên nhân là do hồ sơ thiết kế gặp phải nhiều bất cập do địa chất phức tạp và chưa đảm bảo kết nối giao thông. Điều này yêu cầu điều chỉnh một số hạng mục để phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, chi phí dự phòng của dự án thấp, chưa đủ để thực hiện triển khai các bước tiếp theo.
Hiện nay, một số một số hạng mục điều chỉnh, bổ sung đã được Nhà thầu thi công hoàn thành nhưng không có cơ sở nghiệm thu, thanh toán.. Chủ đầu tư đang tổng hợp, phân loại và sẽ phê duyệt hồ sơ đối với các hạng mục thuộc thẩm quyền.
Cũng theo chủ đầu tư, dự án vẫn đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu như cát san lấp, đá,.. đồng thời nội dung về đơn giá vật liệu trên thị trường hiện tại khi cấp về công trường đang cao hơn giá dự thầu của các nhà thầu. Điều này đang được hiểu là nhà thầu thi công xây dựng bị thua lỗ trong quá trình thi công do giá vật liệu đầu vào tăng cao, dẫn tới vấn đề mất cân đối về tài chính trong quá trình triển khai thi công. Đây là một nguyên nhân chính dẫn tới chậm trễ tiến độ thi công ngoài công trường.
Với những khó khăn trên, chủ đầu tư đang tổng hợp, phân loại các trường hợp khó khăn cụ thể và sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.
Về giải ngân vốn đầu tư công tại dự án, chủ đầu tư dự kiến, khả năng giải ngân sẽ đạt 1.028/3.400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,23% (bao gồm 789,183/1.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và 238,817/1.900 tỷ đồng vốn ngân sách Thành phố) với điều kiện vướng mắc về bãi tiếp nhận đất, bùn phải được tháo gỡ trong tháng 11/2024.